Ảnh Internet

Ảnh Internet

Kỷ nguyên “nới lỏng định lượng” đang đến hồi kết

(ĐTCK) Một trong những chính sách can thiệp tiền tệ đáng chú ý nhất mà các ngân hàng trung ương chủ chốt trên thế giới sử dụng những năm gần đây là chương trình "nới lỏng định lượng" (QE). 

Động thái được giới phân tích đánh giá là "chưa từng có tiền lệ" này là nguyên nhân khiến bảng quyết toán ngân sách của nhiều ngân hàng trung ương thêm phình to.

Mặc dù các gói QE dưới hình thức bơm thêm tiền ra thị trường không tạo ra hiệu ứng lạm phát trong ngắn hạn như một số nhà phân tích từng bi quan dự đoán, song nó vẫn tạo ra sự bất an sâu sắc đối với các ngân hàng về việc liệu bảng quyết toán ngân sách quá lớn này có được chấp nhận như một phương thức "bình thường mới" hay không? Đó là chưa kể, cán cân ngân sách quá lớn còn khiến các ngân hàng đứng trước những rủi ro lạm phát trong dài hạn và bóp méo thị trường tài chính.

Kỷ nguyên “nới lỏng định lượng” đang đến hồi kết ảnh 1

Những tuần gần đây, tranh cãi lại nổi lên trong nội bộ Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) và Hội đồng quản trị Ngân hàng Trung ương châu Âu (ECB) về chiến lược của bảng quyết toán ngân sách quốc gia. Giới phân tích dự báo, 2 định chế tài chính hàng đầu thế giới này sẽ đưa ra các thông báo quan trọng về cán cân ngân sách trước thời điểm cuối năm 2017.

Trong khi đó, bảng quyết toán ngân sách của Ngân hàng Nhân dân Trung Quốc (PBoC) đã vận động theo hướng co lại, do nước này phải tung dự trữ ngoại hối cho các đợt can thiệp quy mô lớn nhằm ngăn chặn đà xuống giá quá mạnh của đồng Nhân dân tệ hồi năm 2016. Chỉ có Ngân hàng Trung ương Nhật Bản (BoJ) dường như vẫn kiên định với các chính sách mở rộng bảng quyết toán ngân sách đến sau năm 2017.

Trên quy mô toàn cầu, việc gia tăng quy mô của các chương trình nới lỏng định lượng có thể kết thúc vào cuối năm 2017 và bảng quyết toán ngân sách của các ngân hàng trung ương sẽ giảm đáng kể sau giai đoạn này. Trong bối cảnh các nhà đầu tư đã quen với lợi ích từ chính sách tiền tệ giá rẻ, họ sẽ phải làm quen với việc các ngân hàng trung ương quay trở lại môi trường tiền tệ "bình thường" và từ đó phải điều chỉnh các chính sách đầu tư theo thực tế này.

Fed chính là ngân hàng trung ương đầu tiên theo đuổi cách tiếp cận này, khi lần đầu công bố về khả năng thu hẹp bảng quyết toán ngân sách hồi tháng 9/2014. Fed này cho biết, việc cân đối ngân sách sẽ chỉ diễn ra khi chính sách “bình thường hóa” lãi suất được thực thi một cách suôn sẻ. Bên cạnh đó, Fed gợi mở khả năng các bước đi đầu tiên của việc giảm quy mô quyết toán ngân sách sẽ được triển khai một cách dễ dự đoán hơn, thông qua việc tất toán hiệu quả các khoản nợ đáo hạn và điều tiết thị trường trái phiếu. Điều này sẽ giúp giảm bảng quyết toán ngân sách một cách từ từ và ổn định, không tạo ra các cú sốc đối với thị trường.

Bản thân một số thành viên chủ chốt của Ủy ban Thị trường mở Liên bang (FOMC – cơ quan hoạch định chính sách của Fed) và nhiều nghị sỹ Quốc hội Mỹ đã bày tỏ rằng, họ không thể kiên nhẫn thêm với việc trì hoãn chiến lược tinh gọn bảng quyết toán ngân sách. Theo hoạch định của Fed, bảng quyết toán ngân sách của ngân hàng này có thể giảm xuống 2.700 tỷ USD vào năm 2025, tức khoảng 8% GDP của Mỹ.

Với sự rốt ráo của Fed cùng với việc ECB cũng sẽ bắt đầu rút lại các chương trình hỗ trợ tài chính kể từ năm 2018, điều đó đồng nghĩa, tổng thanh khoản của các ngân hàng trung ương trên thế giới sẽ bắt đầu giảm so với tỷ lệ GDP toàn cầu, đánh dấu lần giảm đầu tiên kể từ cuộc khủng hoảng tài chính năm 2009. Trên cơ sở đó, các chuyên gia kinh tế cho rằng, kỷ nguyên “nới lỏng định lượng” sẽ chỉ có thể kéo dài thêm 1-2 năm nữa mà thôi.

Tin bài liên quan