Kinh tế thế giới đều khó lường với 4 kịch bản giá dầu

(ĐTCK) Ngân hàng Thế giới ước tính, với giá dầu giảm gần 50% vào nửa cuối năm 2014, GDP toàn cầu năm 2015 có thể tăng thêm 0,7%. Tuy nhiên, tốc độ tăng trưởng GDP lại không tăng như mong đợi.
Bà Janet Henry, Chuyên gia kinh tế trưởng, Tập đoàn HSBC

Bà Janet Henry, Chuyên gia kinh tế trưởng, Tập đoàn HSBC

Kỳ vọng giá dầu hạ sẽ giúp tăng trưởng toàn cầu ổn định hơn đã không thành hiện thực. Tăng trưởng năm 2015 vẫn ì ạch ở mức đáng thất vọng, mặc dù giá dầu trước đó đã giảm mạnh trong năm 2014. Dù chi tiêu tiêu dùng tại các quốc gia phát triển tăng nhanh nhất tính từ thời điểm khủng hoảng tài chính đến nay, nhưng tăng trưởng GDP toàn cầu vẫn kém xa mức kỳ vọng.

Ngân hàng Thế giới ước tính, với giá dầu giảm gần 50% vào nửa cuối năm 2014, GDP toàn cầu năm 2015 có thể tăng thêm 0,7%. Tuy nhiên, tốc độ tăng trưởng GDP lại không tăng như mong đợi.

Khi nhìn vào phản ứng của thị trường, dễ dàng đưa ra nhận định: chẳng ai hưởng lợi khi giá dầu tuột dốc. Tuy nhiên, thực tế năm 2015 lại cho thấy, người tiêu dùng phương Tây (chiếm hơn 50% GDP toàn cầu) rõ ràng nhận được nhiều lợi ích nhất. Các hộ gia đình tại Mỹ tiết kiệm được không ít những khoản thuế. Trong khi đó, những dự báo khiêm tốn trước đây về tiêu dùng dành cho khu vực đồng tiền chung châu Âu và một số quốc gia ở khu vực nền kinh tế mới nổi, vốn phụ thuộc vào nhập khẩu hàng hóa, đã bị dập tắt hoàn toàn.

Viễn cảnh năm 2016-2017 sẽ ra sao? Chúng tôi dự báo, hầu như giá dầu sẽ vẫn ổn định ở mức thấp, hoặc có lẽ sẽ tăng nhẹ. Nhưng dưới đây, chúng tôi cũng xin xem xét những hệ quả mà các viễn cảnh khác nhau có thể mang đến: giá dầu tăng do nhu cầu, một cú sốc cung khiến dầu tăng giá và tác động của việc dầu giảm giá.

Giả dụ như thỏa thuận đóng băng sản lượng dầu giữa Nga, Ả Rập Xê-út và các nước xuất khẩu dầu mỏ khác vào giữa tháng 2 được thông qua, giá dầu thô khi ấy sẽ tiếp tục được nâng lên.

Tuy nhiên, nguy cơ sinh lợi không bền vững từ giá dầu thấp lại liên quan đến người tiêu dùng: các hộ gia đình kỳ vọng giá cả sẽ vẫn duy trì ở mức thấp trong thời gian dài, do đó, họ bắt đầu tiêu xài khoản tiền lãi bất ngờ nhiều hơn. Tuy nhiên, thậm chí ở những quốc gia phát triển, nguy cơ tăng trưởng do giá dầu liên tục giảm và những khó khăn chính sách mà các ngân hàng trung ương vấp phải đều bắt nguồn từ hệ quả giảm phát.

Bốn kịch bản giá dầu

- Giá dầu tương đối ổn định sẽ cho phép lương thực tế tăng trưởng mạnh mẽ tại các thị trường phát triển, thúc đẩy chi tiêu tiêu dùng, nhưng lạm phát vẫn dưới mức mục tiêu và đầu tư vẫn còn yếu. Lãi suất của Mỹ tăng chậm và tại các thị trường khác, lãi suất cũng bị cắt giảm, có nguy cơ chuyển sang mức âm. Những quốc gia chuyên sản xuất hàng hóa tiếp tục giảm chi tiêu, trong khi triển vọng tăng trưởng của những nền kinh tế mới nổi lại càng u tối hơn.

- Giá dầu tăng do cầu thúc đẩy sẽ giúp nới lỏng áp lực tài chính và tài khóa đối với những nền kinh tế chuyên sản xuất hàng hóa và mới nổi. Mỹ nhiều khả năng sẽ vẫn tiếp tục tăng lãi suất và nếu lạm phát ở khu vực eurozone nhanh chóng tiến đến mức 2%, Ngân hàng Trung ương châu Âu được kỳ vọng sẽ cắt giảm gói nới lỏng định lượng, mặc dù triển vọng tăng trưởng xuất khẩu ngày một lạc quan - tuy nhiên, thị trường có thể biến động nếu Nhật Bản vẫn duy trì những chính sách hiện thời.

- Cú sốc cung khiến giá dầu tăng mạnh sẽ giúp giảm nhẹ áp lực đối với đồng tiền của những quốc gia sản xuất dầu mỏ, nhưng cắt giảm tiền lương sẽ hạn chế chi tiêu tiêu dùng ở phương Tây. Cục Dự trữ Liên bang Mỹ có thể giữ nguyên tỷ lệ lãi suất hoặc thậm chí giảm lãi suất do tăng trưởng suy thoái. Tuy nhiên, lạm phát khu vực eurozone tăng cao và thảo luận về việc cắt giảm gói nới lỏng định lượng giữa giai đoạn đầy khó khăn về tài chính và chính trị có thể làm hồi sinh mối lo ngại về một cuộc khủng hoảng mới ở khu vực eurozone.

- Mức giá giảm xuống 25 USD mỗi thùng dầu chỉ là một phiên bản đáng sợ hơn của trường hợp giá dầu ổn định, nhưng thị trường tài chính sẽ trở nên căng thẳng hơn do kỳ vọng tăng trưởng toàn cầu vẫn không có chuyển biến gì tích cực. Thực trạng này có thể lan sang những thị trường mới nổi không sản xuất hàng hóa, làm suy yếu tỷ giá hối đoái và đe dọa các khoản vay bằng ngoại tệ. Nhu cầu đối với các chương trình hỗ trợ bên ngoài trở nên cần thiết hơn bao giờ hết. Các ngân hàng trung ương chính sẽ nới lỏng chính sách, có thể phối hợp với nhau, nhưng khu vực eurozone vẫn sẽ chật vật để đạt được thỏa thuận chính sách cuối cùng.

Tin bài liên quan