Kinh tế Nga tổn thương trước nguy cơ khủng hoảng

Kinh tế Nga tổn thương trước nguy cơ khủng hoảng

(ĐTCK) Căng thẳng chính trị với Ucraine hay các đòn trừng phạt của phương Tây không làm Tổng thống Vladimir Putin cảm thấy nao núng, song nguy cơ nền kinh tế Nga chìm sâu trong khủng hoảng có thể khiến ông chủ của Điện Kremlin “đau đầu”.

Trên thực tế, kinh tế Nga phụ thuộc rất lớn vào giá năng lượng. Trong bối cảnh giá dầu tụt dốc mạnh từ mức gần 110 USD/thùng xuống chỉ còn quanh ngưỡng 80 USD/thùng như hiện nay, nền kinh tế “xứ sở bạch dương” đang bị tổn thương sâu sắc, bởi lẽ, 2/3 kim ngạch xuất khẩu của Nga là từ nguồn thu năng lượng. Bên cạnh đó, giá trị đồng rúp sụt giảm tới 23% trong vòng 3 tháng qua, cùng với những biện pháp cấm vận kinh tế của phương Tây cũng gây ra những tác động đáng kể tới Nga nói chung và giới tài phiệt “thân Putin” nói riêng, những người vốn giữ vai trò rất quan trọng đối với sự thịnh vượng của Nga những năm vừa qua.

Giới phân tích dự báo, kinh tế Nga sẽ tiếp tục trong tình trạng trì trệ thời gian tới, song ít nhất tại thời điểm hiện tại, ông Putin vẫn đủ sức mạnh để duy trì khả năng chống đỡ. Giá trị sụt giảm của đồng rúp ngoài những mặt tiêu cực thì cũng đem lại lợi thế cạnh tranh nhất định cho một số lĩnh vực xuất khẩu như nông nghiệp. Cùng với các biện pháp của Tổng thống Putin nhằm hạn chế nhập khẩu để đối chọi lại lệnh trừng phạt kinh tế, Nga vẫn giữ được một phần nhỏ thặng dư thương mại và bổ sung thêm vào số dự trữ ngoại tệ hiện khoảng 370 tỷ USD của mình.

Với những người Nga “lạc quan”, những người có khuynh hướng đổ lỗi khó khăn hiện nay cho phương Tây, họ tin rằng, ông Putin hoàn toàn có thể xoay chuyển tình thế trong vòng 2 năm tới. Tuy nhiên, điều gì sẽ xảy ra khi khủng hoảng có thể xảy đến sớm hơn rất nhiều. Khả năng “phòng ngự kinh tế” của Nga dường như yếu hơn dự báo và nó có thể được kiểm chứng bằng một trong những kịch bản liên tiếp sau đây: một cú sốc tiếp theo về giá dầu mỏ, các công ty Nga gặp khó khăn khi không thể trả nợ hay phương Tây gia tăng mức độ trừng phạt hơn nữa. Thực tế đã chứng minh, khi nền kinh tế không còn giữ được sự ổn định, hàng loạt vấn đề tài chính phát sinh và có xu hướng đẩy quốc gia đó tới bờ vực khủng hoảng nhanh hơn nhiều so với dự báo của các nhà đầu tư và chính trị gia. 

Mối lo lớn nhất hiện nay là giá dầu mỏ và ông Putin vẫn tự tin là nó sẽ phục hồi. Tuy nhiên, nguồn cung có thể tăng khi Tổ chức các nước xuất khẩu dầu mỏ (OPEC) kiên quyết bảo vệ thị phần của mình trong miếng bánh phân khúc thị trường. Các cơ quan chính phủ Mỹ nhận định, giá dầu có thể ở ngưỡng trung bình 83 USD/thùng vào năm 2015, vẫn thấp hơn nhiều so với mức 90 USD/thùng để Nga có thể duy trì cán cân ngân sách và tránh được một cuộc suy thoái kinh tế. Trong trường hợp nhu cầu dầu mỏ toàn cầu yếu đi, khi mới đây, kinh tế Nhật Bản đã rơi vào suy thoái, giá dầu thậm chí có thể giảm sâu hơn nữa và điều này sẽ ngay lập tức tác động tới tâm lý của các nhà đầu tư và khiến họ phải đánh giá lại triển vọng đầu tư tại Nga.

Vấn đề tiếp theo mà Nga phải đối mặt là khả năng thanh toán nợ. Các công ty nước này phải trả nợ nước ngoài trên 500 tỷ USD, trong đó khoảng 130 tỷ USD phải trả trước cuối năm 2015, thời điểm mà quá ít ngân hàng phương Tây sẵn sàng chấp nhận rủi ro trong hoạt động thanh toán với Nga (do các lệnh trừng phạt kinh tế).

Ngay cả các công ty có thể kiếm nguồn thu bằng USD cũng phải vật lộn để trả nợ. Tập đoàn dầu mỏ khổng lồ Rosneft là một ví dụ, khi hãng này mới đây phải đề nghị Điện Kremlin cho vay 44 tỷ USD. Tổng thống Putin dù không muốn, song ông không thể để một tập đoàn 70% sở hữu nhà nước và tuyển dụng 160.000 lao động này sụp đổ.

Số doanh nghiệp Nga gặp các vấn đề tương tự ngày một nhiều thêm. Các khoản vay không sinh lời tiếp tục tăng, cho dù lãi suất đã được nâng lên mức 9,5% để bảo vệ đồng rúp. Một cách trực tiếp hay gián tiếp, Điện Kremlin vẫn phải đứng ra giải quyết các khó khăn tài chính này và đó là lý do tại sao dự trữ ngoại tệ giữ vai trò tối quan trọng. Tuy nhiên, trong số 370 tỷ USD dự trữ ngoại tệ của mình, trên 170 tỷ USD nằm trong tay của 2 quỹ quốc gia Nga. Một số nguồn dự trữ này tồn tại dưới dạng cổ phần trong các ngân hàng quốc doanh Nga hay các khoản vay nợ mà Ucraine chưa trả, số tiền mà chưa biết bao giờ Kiev sẽ trả cho Moscow trong bối cảnh căng thẳng chính trị hiện nay.  

Tin bài liên quan