Ảnh minh họa: AFP

Ảnh minh họa: AFP

Kinh tế Mỹ bất ngờ tích cực, phố Wall rung lắc

(ĐTCK) Dữ liệu xây nhà và giấy phép xây dựng tháng 4 của Mỹ vừa công bố tích cực hơn kỳ vọng lại làm dấy lên lo lắng về khả năng Fed tăng lãi suất trong tháng 6, qua đẩy đồng USD lên cao, khiến phố Wall rung lắc, còn vàng và dầu lao mạnh.

Trước một loạt thông tin kinh tế kém khả quan được công bố trước đó, kinh tế Mỹ bất ngờ nhận thông tin khả quan về thị trường xây dựng. Theo đó, số liệu vừa công bố cho biết, nhà xây trong tháng 4 đã tăng 20%, mức cao nhất 7 năm rưỡi ​​và giấy phép xây dựng tăng 10% - cả 2 đều tốt hơn kỳ vọng của  thị trường.

Với dữ liệu mới công bố này, mô hình dự đoán kinh tế cho thấy, GDP của Mỹ trong quý II sẽ tăng 0,7%. Cũng theo mô hình này dự báo, mức tăng trưởng đầu tư trong khu vực dân cư được nâng lên thành 3,6% từ mức 1,3% sau con số xây nhà ở tháng 4 được công bố.

Tuy nhiên những thông tin tích cực này lại khiến phố Wall quay đầu giảm điểm khi giới đầu tư lo ngại nó sẽ là cái cớ để phe diều hâu trong Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) đề nghị tăng lãi suất trong tháng 6 tới.

Bên cạnh đó, giá dầu giảm mạnh cũng tác động đến nhóm cổ phiếu năng lượng và qua đó cũng góp phần khiến phố Wall đảo chiều trong phiên thứ Ba. Tuy nhiên, chỉ số Dow Jones vẫn may mắn giữ được sắc xanh nhạt và qua đó tiếp tục tạo lên mức kỷ lục mới.

Kết thúc phiên 19/5, chỉ số Dow Jones tăng 13,51 điểm (+0,07%), lên 18.312,39 điểm. Chỉ số S&P 500 giảm 1,37 điểm (-0,06%), xuống 2.127,83 điểm. Chỉ số Nasdaq giảm 8,41 điểm (-0,17%), xuống 5.070,03 điểm.

Trái ngược với phố Wall, chứng khoán châu Âu lại tăng mạnh trong phiên thứ Ba sau khi Ngân hàng Trung ương châu Âu (ECB) cho biết, sẽ tiếp tục tung gói kích thích để thúc đẩy nền kinh tế khu vực phát triển tốt hơn nữa.

Trong khi đó, nỗi lo về vấn đề Hy Lạp cũng được gỡ bỏ khi Bộ trưởng Bộ Lao động Hy Lạp cho biết, nước này sẽ sớm ký kết một thỏa thuận để mở ra các khoản vay lớn hơn.

Kết thúc phiên 19/5, chỉ số FTSE 100 tại Anh tăng 26,23 điểm (+0,38%), lên 6.995,10 điểm. Chỉ số DAX tại Đức tăng 259,05 điểm (+2,23%), lên 11.853,33 điểm. Chỉ số CAC 40 tại Pháp tăng 104,99 điểm (+2,09%), lên 5.117,30 điểm.

Trên thị trường chứng khoán châu Á, phiên tăng điểm tích cực đầu tuần của phố Wall đã giúp chứng khoán Nhật Bản tiếp tục có phiên tăng mạnh và lên mức cao nhất 3 tuần. Chứng khoán Hồng Kông và Trung Quốc đại lục cũng hồi phục trở lại sau phiên giảm mạnh hôm đầu tuần. Chứng khoán Trung Quốc đại lục có phiên tăng điểm lớn nhất 4 tháng trong phiên thứ Ba khi Bắc Kinh công bố đường lối cải cách kinh tế, trong đó ưu tiên mở cửa hơn nữa thị trường vốn. Phiên tăng mạnh cũng chứng khoán Trung Quốc đã kéo chứng khoán Hồng Kông hồi phục theo, nhưng mức tăng của chứng khoán Hồng Kông không lớn do áp lực chốt lời của nhà đầu tư nước ngoài vẫn được duy trì sau khi thị trường này tăng 13% trong tháng trước.

Kết thúc phiên 19/5, chỉ số Nikkei 225 tại Nhật Bản tăng 136,11 điểm (+0,68%), lên 20.026,28   điểm. Chỉ số Hang Seng tại Hồng Kông tăng 102,29 điểm (+0,37%), lên 27.693,54 điểm. Chỉ số Shanghai Composite tại Trung Quốc tăng 134,06 điểm (+3,13%), lên 4.417,55 điểm.

Dữ liệu kinh tế khả quan mới công bố của Mỹ làm đồng USD tăng mạnh hơn và một lần nữa lo lắng về khả năng Fed tăng lãi suất trong tháng 6 lại xuất hiện khiến vàng chính thức đảo chiều sau 5 phiên tăng liên tiếp.

Trong phiên giao dịch ngày thứ Ba, giá vàng lình xình trong phiên Á-Âu, nhưng khi bước vào phiên Mỹ đã ngay lập tức xác định xu hướng giảm của mình. Đà giảm càng về sau càng được nới rộng với các thông tin không khả quan cho vàng được công bố, kèm với áp lực chốt lời sau 5 phiên tăng khiến vàng giảm mạnh trong phiên này.

Dường như đợt giảm tuần trước của đồng USD chỉ là đợt điều chỉnh trong xu hướng tăng. Bước vào tuần giao dịch mới, đồng bạc xanh đã tăng mạnh trở lại với việc chỉ số USD tăng 1,13% mỗi ngày trong 2 phiên đầu tuần. Trong phiên thứ Ba, chỉ số USD leo lên ngưỡng 95,289. Đồng euro cũng tiếp tục có phiên giảm thứ 2 liên tiếp so với đồng USD. Trong phiên thứ Ba, đồng euro giảm xuống 1,1149 USD, mức thấp nhất 2 tuần.

Kết thúc phiên 19/5, giá vàng giao ngay giảm 17,8 USD (-1,45%), xuống 1.208,0 USD/ounce. Giá vàng tương lai giao tháng 6 giảm 20,9 USD/ounce (-1,7%), xuống 1.206,7 USD/ounce.

Cũng giống như giá vàng, việc đồng USD tăng mạnh cũng tác động tiêu cực lên giá dầu thô, khiến giá dầu thô giảm mạnh hơn 3%, trong đó dầu thô Mỹ ghi nhận phiên giảm thứ 5 liên tiếp.

Kết thúc phiên 19/5, giá dầu thô Mỹ giảm 2,17 USD/thùng (-3,79%), xuống 57,26 USD/thùng. Giá dầu thô Brent giảm 2,25 USD (-3,51%), xuống 64,02 USD/thùng.

Tin bài liên quan