Bán không khí sạch
Theo IHME (Viện Đo lường và xác định các vấn đề sức khỏe), mỗi năm có từ 5,5 – 7 triệu người chết vì các nguyên nhân xuất phát từ ô nhiễm không khí. Tại Trung Quốc và Ấn Độ, số người chết vì bầu không khí độc hại đang trở nên đáng báo động, khi có hơn 3 triệu người thiệt mạng mỗi năm tính riêng tại 2 nền kinh tế này.
Chính bối cảnh này đã dẫn tới những nhu cầu tưởng chừng như lạ thường: Tìm tới các túi khí sạch. Thực tế, ngày càng nhiều doanh nghiệp đang tiến hành thu, lọc và đóng gói không khí sạch tại các vùng thôn quê, sau đó bán cho cư dân thành thị. Câu chuyện này tưởng chừng là trò đùa (thực tế là trò đùa trong quá khứ), nhưng hiện tại đã trở thành một yếu tố không thể phủ nhận. Mọi người đều cần không khí sạch và sẵn sàng trả tiền cho món hàng này.
Một trong những công ty thành công nhất trong “ngành công nghiệp không khí sạch” là Vitality, có trụ sở tại Edmonton, Alberta, Canada. Công ty này đóng gói không khí được thu nhận tại vùng núi đá Rockies, Canada, chất vào các container và cung cấp ra toàn cầu. Một túi khí 8 lít không khí sạch từ Canada, đi kèm với bình bơm và mặt nạ thiết kế đặc biệt, tương đương 160 lượt hít thở, có giá 24 USD/gói.
Moses Lam, CEO Vitality, bắt đầu công việc kinh doanh của mình khi bán túi khí sạch như một trò đùa. Không ngờ nhu cầu với sản phẩm này lớn tới mức khiến công việc kinh doanh cất cánh. Ông cho biết, Trung Quốc, Ấn Độ và Hàn Quốc đang trở thành thị trường chủ lực của Công ty.
“Thị trường mục tiêu của chúng tôi là những khu vực ngột ngạt vì ô nhiễm không khí, khiến con người gặp phải các vấn đề sức khỏe. Sản phẩm không khí sạch của chúng tôi mang tới trải nghiệm mà rất nhiều khách hàng tại Trung Quốc và Ấn Độ chưa từng được tận hưởng”, Moses Lam cho biết.
Hiện tại, Vitality đang bán hơn 10.000 túi khí/tháng tại Trung Quốc và kỳ vọng con số này sẽ sớm tăng lên 40.000 túi khí/tháng. Vitality cũng vừa bắt đầu tổ chức hoạt động tại Ấn Độ với dự báo có thể bán khoảng 10.000 sản phẩm/tháng.
“Rất nhiều người mua sản phẩm của chúng tôi như một món quà tặng cho người thân, bạn bè. Điều này nhắc nhở chúng tôi rằng đây là sản phẩm đáng giá và là công việc kinh doanh có ý nghĩa. Sắp tới, chúng tôi sẽ chuyển sang các gói bán nước sạch”, Moses Lam chia sẻ.
Không riêng Vitality nhận ra đây là một thị trường với tiềm năng phát triển ấn tượng, rất nhiều doanh nghiệp nhanh chóng nhập cuộc vào lĩnh vực này. Aethaer, một doanh nghiệp Anh, cũng đang thu nhận không khí từ các vùng thôn quê Vương quốc Anh và bán sản phẩm với giá 103 USD/bình.
Khẩu trang “sành điệu”
Sau chuyến đi đến Ấn Độ, căn bệnh hen suyễn của Alexander Hjertström tái phát, bất chấp việc đã cẩn thận sử dụng khẩu trang lọc khí vì ô nhiễm môi trường đáng báo động tại đây. Điều này khiến Alexander Hjertström cùng Fredrik Kempe nảy ra sáng kiến tự bán loại khẩu trang của riêng mình.
“Chúng tôi tiến hành nghiên cứu thị trường và ngạc nhiên khi biết rằng, đa phần khẩu trang lọc khí trên thị trường chỉ là loại cơ bản, còn khoảng cách khá xa mới đạt được chất lượng đảm bảo. Chưa kể, thiết kế lỗi thời của các loại khẩu trang khiến người dùng không khác gì nha sĩ hoặc thợ mỏ - hoàn toàn không phải thứ bạn muốn dùng hàng ngày”, Kempe cho biết.
Cặp đôi người Thụy Điển này sau đó đã thành lập một công ty mang tên Airinum, chuyên bán các loại khẩu trang màu sắc và được thiết kế theo nhiều phong cách với giá từ 66 – 75 USD/chiếc. Sản phẩm này sử dụng 3 lớp màng lọc riêng biệt giúp loại bỏ các vật chất từ không khí ô nhiễm thường có trong khí thải xe cộ và nhà máy.
Tất nhiên, thị trường khẩu trang thiết kế với tiềm năng lớn cũng tạo ra sức hấp dẫn với rất nhiều doanh nghiệp. Những công ty như Idealist Innovations tại Trung Quốc, Vogmask tại Mỹ, Freka ở Anh cũng đang bán ra các sản phẩm khẩu trang thời thượng với giá từ 33 USD – 100 USD/chiếc.
Biến không khí bẩn thành mực
Trong khi đang dự một hội nghị tại Ấn Độ, Anirudh Sharma chợt để ý thấy những hạt màu đen dính trên chiếc áo sơ mi trắng của mình. Với góc nhìn khác biệt, vấn đề ô nhiễm không khí đối với
Sharma đã trở thành một cơ hội kinh doanh rất sáng tạo.
Bầu không khí ô nhiễm chứa đựng rất nhiều các hạt vật chất và khí độc hại. Sharma đã tới MIT Media Lab tại Cambridge, Massachusett, nơi anh học tập để bắt đầu quá trình nghiên cứu biến các vật chất trong không khí ô nhiễm thành mực. Sau đó, năm 2016, anh trở lại Ấn Độ và đồng sáng lập công ty khởi nghiệp mang tên Graviky Labs để tiếp tục tiến hành các công đoạn sản xuất Air-Ink (mực từ không khí) và nhiều ý tưởng khác.
Công ty phát triển thiết bị được gắn với các ống xả khí thải, thu nhận các chất thải từ việc đốt nguyên liệu hóa thạch, dầu diesel. Với nguyên liệu đầu vào này cộng với chất hòa tan, Graviky Labs sẽ tạo nên sản phẩm mực và cung cấp ra thị trường.
Sau khi công bố chiến dịch huy động vốn cộng đồng trên Kickstarter đầu năm ngoái, Công ty đã nhận được 41.000 USD, gần gấp 3 lần khoản cần thiết để có thể bắt đầu sản xuất sản phẩm theo số lượng lớn. Thông qua sự bảo trợ và tài trợ từ một doanh nghiệp sản xuất bia, Graviky Labs đã bắt đầu cung cấp loại mực này cho các nghệ sỹ, những người thực hiện các tác phẩm nghệ thuật tại London, Singapore và nhiều thành phố khác.
Lợi ích của việc tạo mực từ không khí không chỉ là giúp thanh lọc lượng khí thải, tạo ra sản phẩm thân thiện với môi trường, mà còn góp phần làm giảm các nguyên liệu khác được sử dụng trong quá trình làm mực. Đây được đánh giá là một hoạt động kinh doanh xanh đầy sáng tạo và sẽ nhận được sự ủng hộ hết mình từ người tiêu dùng, với nhận thức ngày càng cao về vấn đề môi trường.