Không gì đủ sức thay đổi lộ trình của Fed

Không gì đủ sức thay đổi lộ trình của Fed

(ĐTCK) Báo cáo việc làm tháng 11 là thông tin kinh tế quan trọng cuối cùng mà Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) nhận được trước phiên họp chính sách sẽ diễn ra trong tuần tới.

Với một kết quả hoàn toàn khả quan, các chuyên gia nhận định, khó có điều gì có thể thay đổi lộ trình thay đổi chính sách tiền tệ hiện tại của Fed.

Trong phát biểu mới đây nhất của mình, Chủ tịch Fed Janet Yellen đã thể hiện sự tự tin đối với nền kinh tế Mỹ hiện tại và cho thấy rằng, việc nâng lãi suất gần như đã chắc chắn trong phiên họp chính sách sắp tới. Điều này đồng nghĩa với việc, các số liệu việc làm mới được công bố dường như chỉ cung cấp thêm thông tin về bước đi của việc thắt chặt tiền tệ trong các tháng tới, thay vì quyết định tới thời gian nâng lãi suất.

Báo cáo bảng lương cho thấy, trong tháng 11 có 211.000 việc làm được tạo ra, vượt qua dự đoán khoảng 200.000 việc làm của các chuyên gia trước đó. Mặt khác, số liệu việc làm trong tháng 10 được điều chỉnh tăng lên 298.000 việc làm, thay vì con số sơ bộ 271.000 việc làm. Như vậy, trong 2 tháng qua, số việc làm mới được tạo ra đạt mức tăng cao nhất so với cùng kỳ năm ngoái.

Con số 211.000 việc làm trong tháng 11 gấp đôi con số mà Chủ tịch Fed Janet Yellen cho rằng cần thiết để tạo cơ hội cho những người mới tham gia vào lực lượng lao động.

Bên cạnh đó, tỷ lệ thất nghiệp được giữ ở mức dưới 5% trong hơn 7 năm qua, đứng ở khoảng 4,9%, mức mà Fed cho rằng tương đương với tình trạng thị trường lao động gần bão hòa, theo báo cáo tháng 9 của tổ chức này. Tỷ lệ thất nghiệp dưới mức 5% có thể dẫn tới việc tiền lương tăng cao hơn và tỷ lệ lạm phát được đẩy lên.

Do việc nâng lãi suất tác động tới nền kinh tế sẽ có độ trễ nhất định, nên Fed không thể đợi tới khi lạm phát chạm mức mục tiêu 2% mới bắt đầu hành động. Họ cần phải tiến hành thắt chặt tiền tệ trong khoảng thời gian thích hợp này, khi nền kinh tế Mỹ chứng tỏ sức mạnh có thể chịu được việc nâng lãi suất, nếu không sẽ phải đón nhận những rủi ro mới.

Ryan Sweet, Nhà kinh tế cấp cao tại Moody’s Analytics Inc cho biết: “Các quan chức Fed có thể thoải mái để thị trường việc làm nóng hơn chút nữa, bởi nó giúp thúc đẩy lạm phát tới mức mục tiêu nhanh hơn. Tuy nhiên, nếu họ còn chờ đợi để tiếp tục nhận thêm các báo cáo việc làm tốt như trong tháng 10 và tháng 11 vừa qua, rất có thể họ sẽ phải đột ngột thắt chặt tiền tệ trong năm 2016, bởi đã để lỡ mất thời cơ phù hợp nhất”.

Trong một phát biểu của mình, bà Yellen cho biết, sẽ theo dõi bước tăng trưởng của tiền lương như là một dấu hiệu cho thấy sự thiếu hụt việc làm tại thị trường lao động đã chấm dứt. Đối với điểm này, các số liệu vừa công bố vẫn duy trì tình trạng của tháng trước đó. Mức lương trung bình theo giờ đối với mỗi công nhân đã tăng 2,3% trong tháng 11 so với cùng thời gian năm ngoái, tuy nhiên lại giảm 2,5% so với tháng 10.

Mặc dù vậy, theo Joe Carson, Giám đốc Nghiên cứu kinh tế toàn cầu của AllianceBernstein LP tại New York cho rằng, mức lương trung bình có thể tăng thêm 2,6% trong tháng 12 tới, bởi mức chênh lệch 0,2% giữa hai tháng 10 và 11 là rất nhỏ để có thể vượt qua trong tháng cuối năm, thời gian cao điểm của ngành kinh doanh và dịch vụ.

“Nếu Fed đang chờ đợi chứng cứ cho thấy mức lương đang tăng lên thì họ đang được chứng kiến điều đó”, Carson cho biết.

“Fed nên bắt đầu năng lãi suất trong năm nay, sau 9 năm duy trì trạng thái nới lỏng tiền tệ. Nền kinh tế nước Mỹ đang trong tình trạng khỏe mạnh, do vậy lãi suất cần được đưa trở về trạng thái bình thường càng sớm càng tốt để tránh những đứt đoạn có thể xảy ra trong tương lai”, Charles Lieberman, Giám đốc đầu tư tại Advisor Capital Management cho biết.

Tin bài liên quan