Lượng khách du lịch Trung Quốc đi ra nước ngoài đã bùng nổ trong một thập kỷ qua và điều khiến các thành viên thị trường “choáng váng” là sức tăng trưởng này mới chỉ là “hạt cát” nhỏ. Bởi hiện tại, chỉ 5% cư dân Trung Quốc có hộ chiếu, so với tỷ lệ 40% tại Mỹ. Điều này thể hiện, lĩnh vực đưa du khách ra nước ngoài (outbound) tại Đại lục còn tiềm năng rất lớn để phát triển.
Trong bối cảnh nước Mỹ đang bàn luận các vấn đề về thương mại với Trung Quốc, trong đó nhấn mạnh tới giá thép, hàng hóa giá rẻ…, mọi người dường như quên mất sức mạnh lớn nhất của nền kinh tế lớn thứ hai thế giới thực chất nằm ở thị trường tiêu dùng và dịch vụ. Hiện tại, nguồn năng lượng lớn này không còn gói gọn tại Đại lục, mà đã lan rộng ra nhiều thị trường khác trên toàn cầu.
Theo Tổ chức Du lịch Thế giới (UNWTO), giá trị tiêu dùng của du khách Trung Quốc tại nước ngoài khi đi du lịch tăng từ 261 tỷ USD năm 2016 (chiếm 21% thị trường tiêu dùng du lịch hải ngoại toàn cầu), tăng 12% so với năm 2015 và gấp 11 lần lượng chi tiêu cách đây 1 thập kỷ.
Số lượng du khách du lịch ra nước ngoài tăng 6%, lên 135 triệu người năm 2016 so với năm trước đó. Các con số khổng lồ này giúp Trung Quốc đứng thứ nhất toàn cầu về lượng khách du lịch hải ngoại trên thế giới kể từ năm 2012.
Thực tế, lĩnh vực outbound của Trung Quốc đã trải qua ba giai đoạn khác biệt gắn liền với chính sách của chính quyền Đại lục. Đầu tiên, kể từ giữa những năm 1980 tới đầu những năm 1990, cư dân Trung Quốc chỉ được phép tới một số quốc gia châu Á láng giềng với mục đích thăm người thân trong gia đình. Bên cạnh đó, một số quan chức chính phủ hoặc nhân viên công vụ, công ty tư nhân thực hiện các chuyến đi công việc, hoặc thành viên các chuyến giao lưu văn hóa mới được ra nước ngoài.
Thứ hai, từ giữa những năm 1990 tới năm 2010, Trung Quốc công bố chương trình Điểm đến được phép (ADS), cho phép các công ty tổ chức tour tới một số địa điểm nhất định trên toàn cầu. Nhờ vậy, một số tổ chức du lịch có giấy phép sẽ tự đứng ra tổ chức các chuyến đi, nhưng hình thức khá đơn giản như tới thăm các thành phố nổi tiếng, chụp ảnh lưu niệm và mua sắm. Khách du lịch Đại lục giai đoạn này chưa thực sự có sự tương tác với môi trường địa phương bởi thời gian hạn hẹp, rào cản ngôn ngữ, thiếu kinh nghiệm du lịch nước ngoài và mức thu nhập chưa cao.
Cuối cùng, từ năm 2010 cho tới nay, mức thu nhập gia tăng, kinh nghiệm du lịch dày dạn, chính sách visa thông thoáng hơn và sự xuất hiện của thế hệ những người trẻ trong kỷ nguyên mạng xã hội đã thúc đẩy mạnh mẽ làn sóng du lịch ra nước ngoài. Cũng chính trong giai đoạn này, du khách Trung Quốc đã xuất hiện ở hầu hết mọi điểm đến, với những trải nghiệm du lịch gắn chặt với môi trường địa phương và làm thay đổi nền kinh tế nơi đây.
Trong bối cảnh này, các chuyên gia kinh tế khuyến nghị, nhà đầu tư nên để mắt tới các công ty hoạt động trong lĩnh vực du lịch, địa điểm đến được ưa chuộng, cùng các ngành công nghiệp sản xuất sản phẩm phục vụ du khách Trung Quốc. Thực tế, các doanh nghiệp như chuỗi khách sạn Marriott, Công ty dịch vụ du lịch Ctrip, các thương hiệu hàng hóa xa xỉ đang hưởng lợi lớn từ xu thế này.
Chưa kể, dòng khách du lịch Trung Quốc tới các điểm đến còn là tín hiệu cho hoạt động đầu tư nước ngoài từ Đại lục và nhu cầu tiêu dùng lạc quan, từ đó tạo thêm rất nhiều việc làm. Theo CEO của Ctrip, mỗi năm, Công ty đưa 15 triệu du khách Trung Quốc ra nước ngoài du lịch, từ đó tạo thêm 100 triệu việc làm trên toàn cầu. Điều này tạo nên những thay đổi rất lớn tại các nền kinh tế nhỏ như Campuchia, Lào.