Niềm tin của người tiêu dùng Mỹ tăng lên mức cao nhất 11 tháng trong tháng 8 với các hộ gia đình lạc quan hơn về thị trường lao động. Bảng lương phi nông nghiệp công bố vào thứ Sáu này được dự báo sẽ khả quan, làm tăng thêm khả năng Fed sẽ tăng lãi suất, giống như gợi ý trước đó trong bài phát biểu của các lãnh đạo Fed.
Điều này khiến giới đầu tư trên phố Wall lại thận trọng trở lại, đẩy các chỉ số thoái lui sau phiên tăng trước đó. Đây là phiên giảm thứ 4 trong 5 phiên giao dịch gần nhất của chỉ số S&P 500.
Ngoài nỗi lo tăng lãi suất, phố Wall còn phải chịu tác động từ việc cổ phiếu Apple giảm mạnh sau những thông tin tiêu cực. Cụ thể, nhà sản xuất iPhone này đang bị Ủy ban châu Âu yêu cầu hoàn trả 13 tỷ euro (14,5 tỷ USD) tiền thuế khi ủy ban này cho rằng Cộng hòa Ireland đã giảm thuế trái luật cho sản phẩm iPhone. Ngoài ra, Apple cũng đang bị một nhóm khách hàng kiện vì lỗi liệt cảm ứng trên iPhone 6 và 6 Plus.
Kết thúc phiên 30/8, chỉ số Dow Jones giảm 48,69 điểm (-0,26%), xuống 18.454,30 điểm. Chỉ số S&P 500 giảm 4,26 điểm (-0,20%), xuống 2.176,12 điểm. Chỉ số Nasdaq giảm 9,34 điểm (-0,18%), xuống 5.222,99 điểm.
Trong khi đó, trên thị trường chứng khoán châu Âu, ngoại trừ chứng khoán Anh giảm nhẹ khi giao dịch trở lại sau phiên nghỉ lễ, các thị trường Đức và Pháp đều tăng mạnh trở lại sau phiên điều chỉnh đầu tuần.
Kết thúc phiên 30/8, chỉ số FTSE 100 tại Anh giảm 17,26 điểm (-0,25%), xuống 6.820,79 điểm. Chỉ số DAX tại Đức tăng 113,20 điểm (+1,07%), lên 10.657,64 điểm. Chỉ số CAC 40 tại Pháp tăng 33,24 điểm (+0,75%), lên 4.457,49 điểm.
Trên thị trường chứng khoán châu Á, sau phiên tăng mạnh đầu tuần nhờ đồng yên giảm giá so với đồng USD, chứng khoán Nhật Bản đã điều chỉnh nhẹ trở lại trong phiên thứ Ba khi các nhà đầu tư thận trọng trước báo cáo việc làm của Mỹ. Đây là căn cứ quan trọng để thị trường đoán định liệu Fed có tăng lãi suất hay không. Trong khi đó, chứng khoán Hồng Kông và Trung Quốc lại có diễn biến ngược lại khi cùng tăng điểm trong phiên thứ Ba.
Kết thúc phiên 30/8, chỉ số Nikkei 225 tại Nhật Bản giảm 12,13 điểm (-0,07%), xuống 16.736,36 điểm. Chỉ số Hang Seng tại Hồng Kông tăng 194,77 điểm (+0,85%), lên 23.016,11 điểm. Chỉ số Shanghai Composite tăng 6,17 điểm (+0,20%), lên 3.076,20 điểm.
Dữ liệu kinh tế Mỹ khả quan, làm gia tăng khả năng Fed sẽ tăng lãi suất, khiến đồng USD nhảy vọt, lên mức cao nhất 3 tuần trong phiên thứ Ba, đẩy giá vàng giảm mạnh, xuống mức thấp nhất hơn 2 tháng.
Kết thúc phiên 30/8, giá vàng giao ngay giảm 12,7 USD (-0,96%), xuống 1.331,50 USD/ounce. Giá vàng tương lai giao tháng 12 giảm 10,6 USD (-0,80%), xuống 1.316,5 USD/ounce.
Viện Dầu khí Mỹ cho biết, kho dự trữ dầu thô của Mỹ tuần trước tăng 942.000 thùng, phù hợp với mong đợi của các nhà phân tích thăm dò ý kiến của Reuters. Chính phủ Mỹ sẽ công bố số liệu hàng tồn kho chính thức vào hôm thứ Tư.
Với nỗi lo dư cung và việc đồng USD tăng mạnh, giá dầu thô có phiên giảm thứ 2 liên tiếp, tuy nhiên, nhờ việc một số giàn khoan ở vịnh Mexico đóng cửa, giảm công suất khai thác khoảng 22% để tránh các mối đe dọa từ cơn bão nhiệt đới đã giúp hãm đà giảm của giá dầu thô.
Kết thúc phiên 30/8, giá dầu thô Mỹ giảm 0,63 USD/thùng (-1,36%), xuống 46,35 USD/thùng. Giá dầu thô Brent giảm 0,89 USD (-1,84%), xuống 48,37 USD/thùng.