Kết quả kinh doanh hỗ trợ chứng khoán, giá vàng quay đầu

Kết quả kinh doanh hỗ trợ chứng khoán, giá vàng quay đầu

(ĐTCK) Kết quả kinh doanh quý I khả quan đã giúp phố Wall nhanh chóng lấy lại đà tăng sau 1 phiên điều chỉnh, trong khi giá vàng quay đầu giảm, trả lại hết những gì đã có trong phiên thứ Tư.

Sau phiên điều chỉnh nhẹ hôm thứ Tư, phố Wall đã phục hồi trở lại trong phiên thứ Năm, trong đó Nasdaq tăng tốt nhất và đóng cửa ở mức cao nhất ngày khi một số công ty công bố kết quả khả quan.

Theo dữ liệu của Thomson Reuters, lợi nhuận của các doanh nghiệp trong quý I sẽ tăng 12,4%, tốt nhất kể từ năm 2011. Đây chính là thông tin hỗ trợ chính cho thị trường sau những tác động của thông tin chính trị qua đi.

Theo dữ liệu kinh tế vừa công bố, đơn đặt hàng mới của Mỹ tăng ít hơn trong tháng 3, nhưng tăng vẫn giữ được mức tăng tháng thứ 2 cho thấy đầu tư, kinh doanh của Mỹ tăng nhanh trong quý I.

Kết thúc phiên 27/4, chỉ số Dow Jones tăng 6,24 điểm (+0,03%), lên 20.981,33 điểm. Chỉ số S&P 500 tăng 1,32 điểm (+0,06%), lên 2.388,77 điểm. Chỉ số Nasdaq tăng 23,71 điểm (+0,39%), lên 6.048,94 điểm.

Trong khi đó, sau chuỗi 3 phiên tăng điểm liên tiếp, lên mức cao nhất 20 tháng, chứng khoán châu Âu đã điều chỉnh giảm trở lại trong phiên thứ Năm do ảnh hưởng của nhóm cổ phiếu ngân hàng khi Deutsche Bank công bố doanh thu quý I giảm, dù lợi nhuận ròng tăng gấp đôi do sự phục hồi trong giao dịch trái phiếu.

Trong khi đó, thị trường lại không mấy phản ứng với quyết định giữ nguyên chính sách của Ngân hàng Trung ương châu Âu (ECB).

ECB giữ nguyên chính sách khi lạm phát không đạt mục tiêu, nhưng cho rằng kinh tế khu vực đồng euro đã mạnh hơn, hiện đang ở mức tốt nhất kể từ cuộc khủng hoảng kinh tế toàn cầu. Giới phân tích cho rằng, ECB đang mâu thuẫn giữa hành động và lời nói của mình.

Kết thúc phiên 27/4, chỉ số FTSE 100 tại Anh giảm 51,55 điểm (-0,71%), xuống 7.237,17 điểm. Chỉ số DAX tại Đức giảm 29,01 điểm (-0,23%), xuống 12.443,79 điểm. Chỉ số CAC 40 tại Pháp giảm 16,18 điểm (-0,31%), xuống 5.271,70 điểm.

Trên thị trường chứng khoán châu Á, sau chuỗi tăng mạnh liên tiếp, chứng khoán Nhật Bản đã đảo chiều giảm nhẹ trở lại trong phiên thứ Năm, theo đà điều chỉnh của phố Wall trong phiên trước đó. Trong khi đó, nhóm cổ phiếu tài chính giúp chứng khoán Hồng Kông tiếp tục duy trì đà tăng và đóng cửa ở mức cao nhất 20 tháng. Chứng khoán Trung Quốc cũng duy trì sắc xanh khi nhóm smallcap nổi sóng.

Kết thúc phiên 27/4, chỉ số Nikkei 225 tại Nhật Bản giảm 37,56 điểm (-0,19%), xuống 19.251,87 điểm. Chỉ số Hang Seng tại Hồng Kông tăng 120,05 điểm (+0,49%), lên 24.698,48 điểm. Chỉ số Shanghai Composite tại Thượng Hải tăng 11,34 điểm (+0,36%), lên 3.152,19 điểm.

Trên thị trường vàng, trong phiên giao dịch thứ Năm, giá vàng đã trả lại hết những gì đã có được trước đó trong phiên thứ Tư

Kết thúc phiên 27/4, giá vàng giao ngay giảm 5,5 USD (-0,43%), xuống 1.263,5 USD/ounce. Giá vàng tương lai giao tháng 6 tăng 1,7 USD (+0,13%), lên 1.265,9 USD/ounce.

Giá dầu thô trong phiên thứ Năm có lúc đã tăng khá mạnh sau thông tin về kho dự trữ dầu thô của Mỹ được công bố trước đó với mức sụt giảm mạnh bất ngờ. Tuy nhiên, ngay sau đó, giá dầu thô đã quay đầu giảm khi thông tin Lybia khởi động lại hai mỏ dầu chính và lo ngại về nhu cầu tiêu thụ xăng yếu đi. Cụ thể, 2 mỏ dầu chính của Lybia là Shahara và El Feel hoạt động trở lại có thể cung cấp ra thị trường 400.000 thùng/ngày sau khi các cuộc biểu tình ngăn chặn đường ống dẫn dầu của 2 nhà máy này kết thúc.

Kết thúc phiên 27/4, giá dầu thô Mỹ giảm 0,37 USD/thùng (-0,75%), xuống 49,25 USD/thùng, giá dầu thô Brent giảm 0,14 USD (-0,27%), xuống 51,68 USD/thùng.

Tin bài liên quan