Ảnh minh họa: AFP

Ảnh minh họa: AFP

Kết quả kinh doanh đáng thất vọng tiếp tục kéo phố Wall

(ĐTCK) Kết quả kinh doanh của các doanh nghiệp công bố liên tiếp gây thất vọng, khiến phố Wall có phiên giảm thứ 3 liên tiếp trong ngày thứ Năm, trong khi nỗ lực hồi phục của giá vàng đã bị thất bại.

Sau các nhóm công nghệ, bây giờ đến lượt nhóm vận chuyển giảm mạnh sau kết quả kinh doanh gây thất vọng khiến phố Wall lại chìm trong sắc đỏ dù nỗ lực đảo chiều đầu phiên.

Không chỉ nhóm vận chuyển, một số doanh nghiệp ở các ngành khác như khai thác mỏ, American Express… cũng có báo cáo kết quả kinh doanh gây thất vọng. Dù vậy, đà giảm của phố Wall cũng phần nào được hạn chế nhờ sự hỗ trợ từ Amazon và Visa khi 2 doanh nghiệp này công bố kết quả kinh doanh khả quan.

Ngoài ra, giới đầu tư cũng e ngại về dữ liệu lạc quan của nền kinh tế Mỹ vừa được công bố sẽ là tác nhân để Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) tăng lãi suất trong tháng 9 này.

Cụ thể, theo số liệu vừa được Bộ Lao động Mỹ công bố hôm thứ Năm, số người nộp đơn xin trợ cấp thất nghiệp giảm 26.000, xuống 255.000 trong tuần trước, mức thấp nhất kể từ tháng 11 năm 1973, cho thấy thị trường lao động duy trì một tốc độ tăng trưởng việc làm mạnh mẽ trong tháng 7.

Các dữ liệu khác vào thứ năm cũng cung cấp một đánh giá lạc quan của nền kinh tế Mỹ. Một thước đo của hoạt động kinh tế trong tương lai tăng vững chắc trong tháng 6 và một thước đo khác về tăng trưởng cũng tăng nhẹ trong tháng trước.

Kết thúc phiên 23/7, chỉ số Dow Jones giảm 119,12 điểm (-0,67%), xuống 17.731,92 điểm. Chỉ số S&P 500 giảm 12 điểm (-0,57%), xuống 2.102,15 điểm. Chỉ số Nasdaq giảm 25,36 điểm (-0,49%), xuống 5.146,41 điểm.

Dù hồi phục khá tốt trong suốt phiên giao dịch thứ Năm, nhưng về cuối phiên khi kết quả kinh doanh đáng thất vọng của một số doanh nghiệp được công bố, các chỉ số chính của chứng khoán châu Âu đã quayd dầu giảm điểm và chấp nhận phiên giảm thứ 3 liên tiếp như chứng khoán Mỹ.

Ngoài ra, ảnh hưởng từ thị trường lao động tích cực của Mỹ khiến lo ngại Fed tăng lãi suất cũng ảnh hưởng tới tâm lý nhà đầu tư trên thị trường chứng khoán châu Âu.

Kết thúc phiên 23/7, chỉ số FTSE 100 tại Anh giảm 12,33 (-0,18%), xuống 6.655,01 điểm. Chỉ số DAX tại Đức giảm 8,56 điểm (-0,07%), xuống 11.512,11 điểm. Chỉ số CAC 40 tại Pháp tăng 4,17 điểm (+0,08%), lên 5.086,74 điểm.

Trên thị trường chứng khoán châu Á, trái ngược với chứng khoán Âu, Mỹ, chứng khoán châu Á lại đồng loạt tăng mạnh. Chứng khoán Nhật Bản tăng trở lại nhờ kết quả kinh doanh khả quan của lĩnh vực bán lẻ, đường sắt và khách du lịch quốc tế đến Nhật Bản tăng mạnh.

Trong khi chứng khoán Trung Quốc có chuỗi 6 ngày tăng liên tiếp, qua đó kéo chứng khoán Hồng Kông tăng theo.

Kết thúc phiên 23/7, chỉ số Nikkei 225 của Nhật Bản tăng 90,28 điểm (+0,44%), lên 20.683,95 điểm. Chỉ số Hang Seng tại Hồng Kông tăng 116,23 điểm (+0,46%), lên 25.398,85 điểm. Chỉ số Shanghai Composite tại Trung Quốc tăng 97,88 điểm (+2,43%), lên 4.123,92 điểm.

Trên thị trường vàng, dù hồi phục rất tốt trên thị trường châu Á nhờ đồng USD giảm, nhưng khi bước vào phiên Mỹ, giá vàng đã quay đầu giảm trở lại sau thông tin kinh tế khả quan của Mỹ được công bố, củng cố khả năng Fed sẽ tăng lãi suất trong tháng 9.

Kết thúc phiên 23/7, giá vàng giao ngay giảm 3,6 USD (-0,33%), xuống 1.090,4 USD/ounce. Giá vàng tương lai giao tháng 8 tăng 2,6 USD/ounce (+0,24%), lên 1.094,1 USD/ounce.

Giá dầu tiếp tục chịu tác động tiêu cực trước thông tin kho dữ trữ dầu thô của Mỹ tăng mạnh tuần trước, trái ngược với dự đoán giảm của giới phân tích.

Kết thúc phiên 23/7, giá dầu thô Mỹ giảm 0,74 USD/thùng (-1,53%), xuống 48,45 USD/thùng. Giá dầu thô Brent giảm 0,86 USD (-1,56%), xuống 55,27 USD/thùng.

Tin bài liên quan