Trong ngắn hán, các vụ IPO khó có thể thu hút được nhiều vốn.

Trong ngắn hán, các vụ IPO khó có thể thu hút được nhiều vốn.

IPO ảm đạm: Tình hình chung của châu Á

(ĐTCK-online) Một năm về trước, các cuộc chào bán cổ phiếu lần đầu ra công chúng (IPO) đã trở nên phổ biến ở châu Á, khi nhà đầu tư xếp hàng tham gia đấu giá. Các TTCK châu Á như Thượng Hải, Hồng Kông, Mumbai trở nên "nóng bỏng" với hàng loạt vụ IPO có giá chào sàn cao ngất, thu hút từ người dân lao động bình thường cho tới các tổ chức đầu tư danh tiếng.

Nhưng hiện tại, khi cuộc khủng hoảng cho vay dưới tiêu chuẩn bắt nguồn tại Mỹ năm 2007 đã và đang ảnh hưởng tiêu cực tới TTCK toàn cầu, các cuộc IPO tại châu Á đang chịu cảnh "sụt sùi" khi nguồn vốn dành cho TTCK "co lại" do nhà đầu tư trở nên dè dặt hơn. Tại châu Á, TTCK Hồng Kông và Singapore đang chịu những tác động rõ nét, khi hàng loạt cuộc IPO với giá trị hàng tỷ USD bị hoãn do sức cầu suy yếu.

Cho tới nay, tại Hồng Kông, chỉ có duy nhất cuộc IPO của New Media Group Holdings được tiến hành và thu hút được số vốn khiêm tốn là 13,1 triệu USD. Cùng thời điểm này năm trước, nhiều công ty tại Hồng Kông đã huy động được 512 triệu USD qua các cuộc IPO. Tình hình cũng tương tự tại Singapore, chỉ có 3 cuộc IPO được tiến hành, huy động tổng cộng 23,6 triệu USD so với 283 triệu USD năm trước. Tại TTCK Nhật Bản, tình hình thậm chí còn bi đát hơn, tổng số vốn huy động đạt 37,4 triệu USD so với 659 triệu USD năm 2007.

Các thị trường khác tại châu Á cũng bị ảnh hưởng. Theo Thomson Financial, tính tới ngày 15/2/2008, tại châu Á đã có 45 cuộc IPO được tiến hành, thấp hơn con số 54 cùng kỳ năm trước; tổng số vốn huy động đạt 8,44 tỷ USD, thấp hơn cùng kỳ năm trước 20%. Tuy nhiên, theo các chuyên gia, tình hình thực tế còn bi quan hơn nhiều so với số liệu thống kê, nếu không tính cuộc IPO "kỷ lục" của Reliance Power (Ấn Độ) huy động được gần 3 tỷ USD. Tuy nhiên, cơn bão tài chính cũng không buông tha Reliance Power. Hiện tại, giá cổ phiếu của hãng này đang giảm rất mạnh so với giá chào sàn, khiến Chủ tịch HĐQT Anil Ambani phải đưa ra tuyên bố sẽ có kế hoạch "đền bù" cho các cổ đông đã tham gia vào vụ IPO.

Tình hình ảm đạm trên nhiều TTCK đã và đang buộc các công ty có dự định IPO phải hoãn lại kế hoạch phát hành của mình. Tại Trung Quốc, Công ty Bán lẻ Maoye International Holdings đã hoãn kế hoạch IPO với giá trị 905 triệu USD tại sàn Hồng Kông. Công ty Sản xuất thiết bị năng lượng mặt trời Solargiga Energy Holdings cũng trì hoãn vụ IPO với giá trị 264,5 triệu USD. Còn tại Ấn Độ, Công ty Kinh doanh bất động sản Emaar MGF Land cũng hoãn vụ IPO giá trị 1,64 tỷ USD và Workhardt Hospitals tạm dừng vụ IPO giá trị 194 triệu USD. Hãng hàng không tư nhân của Philippine - Cebu Pacific cũng hoãn vô thời hạn vụ IPO được dự kiến ban đầu vào ngày 8/2/2008.

Tuy nhiên, tình hình hiện nay, theo các chuyên gia tài chính, vẫn không đến nỗi quá bi đát như đợt khủng hoảng vào năm 2001 - 2002. Về tổng thể, khi thị trường tài chính toàn cầu bước vào giai đoạn điều chỉnh, các thị trường mới nổi sẽ bị ảnh hưởng trước tiên khi nhiều nhà đầu tư có xu hướng rút vốn khỏi các thị trường rủi ro nhất. Nhưng hiện tại, nguồn vốn cho các thị trường như Ấn Độ, Malaysia, Indonesia và Thái Lan vẫn được duy trì ổn định nhờ sức cầu của nhà đầu tư trong nước, cả cá thể và tổ chức.

Tất nhiên, nhà đầu tư trong nước vẫn có xu hướng "trông vào" các tổ chức đầu tư nước ngoài, với đội ngũ phân tích và đầu tư chuyên nghiệp. "Các nhà đầu tư châu Á vẫn có tâm lý "theo chân" khối nhà đầu tư nước ngoài trong các vụ IPO", ông May Tan, Tổng giám đốc của Cazenove Asia nhận định và cho biết: "Khối đầu tư ngoại chủ yếu là các công ty quản lý quỹ đến từ Mỹ và châu Âu. Vậy trong ngắn hạn, các vụ IPO khó có thể thu hút được nhiều vốn".

Theo ông Tan, trong tình hình thị trường hiện tại, một số quỹ đầu tư đang có lợi từ xu hướng "ảm đạm" của các vụ IPO. Thay vì phát hành trên sàn, các công ty đang có xu hướng phát hành trực tiếp tới các cổ đông hiện hữu nhằm giải quyết vấn đề thiếu vốn. Nhưng khi đó, các công ty thường phải chịu bán với mức giá thấp hơn khoảng 40% so với phát hành qua TTCK trong những thời điểm thị trường tăng trưởng tốt. "Hiện nay, có nhiều cơ hội mua cổ phiếu với giá rẻ hơn rất nhiều so với 6 tháng trước đây", ông Tan nhận định.

Theo Công ty Quản lý quỹ UBS, hiện nay những công ty cần vốn và có hoạt động kinh doanh tốt sẽ phải tiến hành IPO với mức P/E thường thấp hơn 20% so với các công ty cùng ngành đã niêm yết. "Khác với 6 tháng trước đây, thị trường hiện nay trở nên "đúng giá" hơn rất nhiều với các nhà đầu tư", ông Steven Barg, Trưởng bộ phận nghiên cứu thị trường cổ phiếu châu Á của UBS nhận định.