IMF cảnh báo về nguy cơ thị trường bị điều chỉnh đột ngột

IMF cảnh báo về nguy cơ thị trường bị điều chỉnh đột ngột

IMF cảnh báo nguy cơ tài sản bong bóng ở nhiều thị trường

Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF) cảnh báo, các mối đe dọa đối với hệ thống tài chính toàn cầu đang tăng lên, với giá tài sản mạo hiểm tăng mạnh - dấu hiệu của giai đoạn tiền khủng hoảng tài chính.

Theo Báo cáo Ổn định tài chính toàn cầu (Global Financial Stability Report) của IMF vừa công bố ngày 18/4, những rủi ro đối với sự ổn định của hệ thống tài chính toàn cầu đã bắt đầu tăng lên trong 6 tháng qua.

“Những khả năng dễ bị tổn thương về tài chính đã tích tụ nhiều năm do lãi suất cực thấp và sự thay đổi thất thường có thể làm cho con đường phía trước gập ghềnh hơn và có thể đẩy tăng trưởng kinh tế vào thế rủi ro”, Báo cáo của IMF viết.

Theo IMF, việc đánh giá các tài sản mạo hiểm đang trong biên độ lớn và đã xuất hiện động thái của chu kỳ tín dụng giai đoạn cuối – giống như giai đoạn trước khủng hoảng.

Điều này có thể dẫn đến việc đột ngột siết chặt các điều kiện tài chính, làm giảm phí bảo hiểm rủi ro, kéo theo việc định lại giá các tài sản mạo hiểm.

Theo IMF, khi đó, nhiều tài sản có giá bong bóng. Giá cổ phiếu được đánh giá cao hơn so với thực tế, đặc biệt tại Mỹ. Trái phiếu công ty cũng có giá cao hơn, cho thấy nhu cầu vay vốn của doanh nghiệp tăng quá nóng.

Nhiều bộ trưởng tài chính và thống đốc ngân hàng trung ương của các nước thành viên IMF đã cảnh báo về khả năng thị trường bị điều chỉnh đột ngột.

Thực tế, các thị trường chứng khoán toàn cầu đã bị điều chỉnh mạnh vào cuối tháng 1 - đầu tháng 2 năm nay trước những lo ngại về khả năng phục hồi của nền kinh tế toàn cầu không được như kỳ vọng. Khi đó, thị trường chứng khoán Mỹ đã giảm hơn 10 điểm.

“Việc đảm bảo để lãi suất dần trở lại mức thông thường là một nhiệm vụ phức tạp và đòi hỏi phải có sự phối hợp hành động của ngân hàng trung ương và các nhà hoạch định chính sách để giảm rủi ro từ việc đột ngột siết chặt điều kiện tài chính”, ông Tobias Adrian, Giám đốc Vụ Tiền tệ và Thị trường vốn của IMF phân tích.

Theo ông Adrian, những căng thẳng thương mại gần đây đã làm các nhà đầu tư hốt hoảng và các nước có xu hướng áp dụng các biện pháp bảo hộ nhiều hơn. Xu hướng này đang ảnh hưởng tiêu cực đến nền kinh tế thế giới cũng như sự ổn định của hệ thống tài chính toàn cầu.

Bên cạnh đó, sự xuất hiện của các đồng tiền kỹ thuật số cũng góp phần làm cho hệ thống tài chính trở nên mong manh hơn. Việc nhiều nhà đầu tư sử dụng tài sản kỹ thuật số này sẽ làm rủi ro tăng lên.

Bên cạnh đó, những rủi ro khác là sự yếu kém về hạ tầng giao dịch tiền kỹ thuật số, tình trạng gian lận khó kiểm soát, sự biến động cao của các đồng tiền kỹ thuật số.

Trước thực tế đó, IMF khuyến cáo, trong khi lĩnh vực ngân hàng đang phục hồi sau khủng hoảng tài chính, thì điều quan trọng là các nước phải quyết tâm theo đuổi những cải cách đã cam kết.

Tin bài liên quan