IMF cảnh báo làn sóng rút vốn đột ngột năm 2014

(ĐTCK) Các nền kinh tế mới nổi yếu hơn sẽ đối diện với làn sóng rút vốn đột ngột khi nền kinh tế toàn cầu phục hồi như dự báo trong năm nay, Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) cho biết ngày hôm qua.
IMF cảnh báo làn sóng rút vốn đột ngột năm 2014

Mặc dù đánh giá tăng trưởng ở hầu hết các nền kinh tế phát triển và mới nổi đã cải thiện, song IMF cảnh báo rằng, thế giới vẫn chưa hoàn toàn bình phục, với nỗi lo giảm phát tăng lên ở châu Âu và Mỹ và trạng thái dễ bị tổn thương của một vài nền kinh tế mới nổi.

Cảnh báo của IMF được đưa ra khi Quỹ cập nhật triển vọng tăng trưởng kinh tế toàn cầu năm 2014. Quỹ đã nâng mức dự báo tăng trưởng kinh tế toàn cầu năm nay thêm 0,1 điểm phần trăm lên 3,7%, một con số cho thấy nền kinh tế toàn cầu đã phục hồi từ mức tăng trưởng 3,0% của năm 2013.

Khả năng của nước Anh đã gây ngạc nhiên cho IMF và Quỹ đã nâng mức dự báo tăng trưởng của nước này trong năm 2014 thêm 0,6 điểm phần trăm lên 2,4%.

Công bố cập nhật dự báo của IMF, Kinh tế trưởng Olivier Blanchard nói rằng, sự phục hồi của kinh tế toàn cầu cho đến nay đã tốt hơn nhiều so với những dự báo trước đây.

“Lý do cơ bản đằng sau sự phục hồi mạnh mẽ này là các nhân tố kiềm hãm phục hồi đã từng bước được tháo gỡ. Cản trở từ củng cố tài khóa đang thu hẹp. Hệ thống tài chính đang từ từ được hàn gắn. Sự bất trắc đang giảm dần”, Blanchard nói.

Nhưng Quỹ cũng nhắc lại những lo lắng từ lâu nay về sự mong manh của phục hồi, đồng thời cảnh báo các ngân hàng trung ương không nên vội vàng rút khỏi chính sách kích thích tiền tệ. Thừa nhận Quỹ Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) sẽ cắt giảm chương trình mua trái phiếu, ông Blanchard cảnh báo rừng, hành động đó sẽ gây ra “các dòng dịch chuyển vốn hỗn loạn giữa các quốc gia” và “các nền kinh tế mới nổi với nền tảng kinh tế vĩ mô yếu sẽ bị ảnh hưởng nhiều nhất, như đã từng xảy ra năm ngoái”.

 

IMF cũng nhấn mạnh lần nữa lo ngại mà bà  Christine Lagarde, Giám đốc Quỹ, đã nói tuần trước rằng, các nền kinh tế phát triển phải tránh “con quỷ” giảm phát.

“Tỷ lệ lạm phát càng thấp thì càng nguy hiểm đối với sự phục hồi của khu vực đồng euro”, ông Blanchard nói. “Giảm phát có nghĩa là lãi suất thực tế cao hơn, gánh nặng nợ công và nợ tư lớn hơn, nhu cầu thấp hơn, tăng trưởng thấp hơn và áp lực giảm phát lớn hơn”.

Quỹ Tiền tệ Quốc tế cho biết, tăng trưởng của Mỹ đã “tăng vững chắc” với tỷ lệ mở rộng lên 2,8% so với mức 1,9% của năm trước.

Khu vực đồng euro sẽ thoát khỏi suy thoái với tăng trưởng 1% trong năm 2014 và tăng trưởng của Nhật Bản sẽ vẫn ổn định ở mức 1,7%, IMF dự báo.

Với các nền kinh tế mới nổi, Quỹ dự báo, tăng trưởng sẽ cải thiện nhẹ lên mức 5,1% từ mức 4,7% của năm 2013, trong đó, kinh tế Trung Quốc có thể chậm hơn. Tăng trưởng nhanh hơn ở Trung Đông, châu Phi và Mỹ Latinh sẽ bù đắp nhiều hơn cho tăng trưởng chậm lại của Trung Quốc. Nền kinh tế lớn thứ hai thế giới này được Quỹ dự báo sẽ chỉ tăng trưởng 7,5% trong năm 2014 so với mức 7,7% của năm 2013.

Trung Quốc cho thấy nước này sẵn sàng chấp nhận một mức tăng trưởng chậm hơn khi bắt tay cố gắng dịch chuyển động lực tăng trưởng từ xuất khẩu và đầu tư sang tiêu dùng cá nhân.

Đó là một nhiệm vụ khó khăn, ông Blanchard nhận định. “Có lẽ thách thức chính mà Trung Quốc phải đối mặt là làm sao để cấu trúc lại những rủi ro trong lĩnh vực tài chính mà không khiến tăng trưởng bị chậm lại quá nhiều, một cân bằng nhạy cảm”, ông nói.

Tin bài liên quan