Hy Lạp “vỡ nợ” sẽ gây khó cho IMF

Hy Lạp “vỡ nợ” sẽ gây khó cho IMF

(ĐTCK) Nếu Chính phủ Athens thất bại trong việc trả 1,7 tỷ USD tiền nợ đến hạn cho Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) vào 30/6 tới, điều này sẽ gây ra những rắc rối tồi tệ cho vị chủ nợ này, thay vì “con nợ” Hy Lạp.

Trên thực tế, có sự khác biệt rất rõ ràng giữa việc phải trả tiền cho các nhà đầu tư và trả nợ cho các định chế tài chính giống như IMF. Theo những quy định của quỹ này, các quốc gia quá hạn trả nợ được xếp vào khu vực “nợ khất lại”, chứ không sử dụng từ “vỡ nợ”, người phát ngôn của IMF, Gerry Rice đã phát biểu như vậy hôm 25/6.

Hiện tại, có 3 công ty xếp hạng tín dụng lớn đã thất bại trong việc trả nợ cho IMF và vẫn không bị định danh là “vỡ nợ” như thông thường. Vậy nên, nếu tình trạng hiện tại của Hy Lạp chỉ là tạm thời và quốc gia này vẫn duy trì việc đàm phán với các chủ nợ nhằm đạt được thỏa thuận giải ngân gói cứu trợ, thì có lẽ IMF vẫn sẽ là “khu nghỉ dưỡng” tương đối tốt cho Hy Lạp trong tình thế này. Tuy nhiên, ngược với sự “ung dung” của Chính phủ Athens, IMF sẽ gặp phải rất nhiều khó khăn trong việc kêu gọi hỗ trợ thực hiện các khoản cứu trợ khác trong tương lai.

Nếu không có khả năng trả nợ cho IMF, Hy Lạp sẽ được xếp vào nhóm các quốc gia còn khất lại nợ đối với quỹ này, bao gồm Zimbabwe, Sudan và Somalia. 3 quốc gia này có tổng cộng các khoản nợ đến hạn chưa trả vào khoảng 1,8 tỷ USD.

Một khi được xếp vào nhóm “nợ khất lại”, Hy Lạp có thể còn nhận được sự khuyến khích để trả nợ trong tương lai, bởi tổng cộng Hy Lạp cần phải trả 26 tỷ USD, gấp 4 lần tổng số nợ quá hạn trong lịch sử từ trước đến nay của IMF. Hạn trả nợ của Hy Lạp kéo dài từ nay cho tới tận 2030.

Klaus Regling, Giám đốc quỹ khủng hoảng Khu vực đồng tiền chung euro cho rằng, vẫn có cơ hội để Hy Lạp đạt được thỏa thuận với các chủ nợ, bởi khó có thể tưởng tượng Liên minh châu Âu (EU) có thể đẩy một quốc gia vào tình cảnh vỡ nợ.

Việc Hy Lạp được xếp vào nhóm nợ khất lại của IMF cũng sẽ ảnh hưởng xấu tới chế độ ưu đãi đối với các thị trường mới nổi như Trung Quốc và Ấn Độ, đặc biệt là sau khi IMF đã đầu tư quá nhiều cho quốc gia này.

Sau hạn chót trả nợ vào 30/6 cho IMF, mối lo ngại tiếp theo của Hy Lạp là khoản 3,5 tỷ euro (3,9 tỷ USD) trái phiếu do Ngân hàng Trung ương châu Âu (ECB) nắm giữ, sẽ đến hạn vào 20/7 tới. Alberto Gallo, chuyên gia tín dụng tại Royal Bank of Scotland Group Plc tại London cho rằng: “Nếu không thực hiện nghĩa vụ trả nợ, rất có thể ECB sẽ đóng băng các gói thanh khoản khẩn cấp (ELA) đang dành cho các nhà băng Hy Lạp hiện tại”.

IMF cũng sẽ rơi vào tình trạng rắc rối nếu các khoản nợ của Hy Lạp không được trả đúng hạn. Qũy này có quy trình phức tạp và kéo dài trong việc giải quyết tình huống các quốc gia rơi vào khu vực “nợ khất lại”. Nếu một quốc gia quá hạn trả nợ, nhân viên của IMF sẽ gửi một bức điện tới đất nước này nhằm thúc giục việc trả nợ nhanh chóng, đồng thời, quốc gia này sẽ không đủ tư cách để nhận các khoản tiền cứu trợ khác cho tới khi thanh toán được nợ quá hạn.

2 tuần sau khi chậm trả nợ, IMF sẽ liên lạc với thành viên IMF tại địa phương, thường là thống đốc ngân hàng trung ương hoặc bộ trưởng tài chính, nhằm nhấn mạnh tầm quan trọng của vấn đề và tiếp tục thúc giục “trả nợ một cách đầy đủ và nhanh chóng”. Một tháng sau đó, Giám đốc IMF, bà Christine Lagarde sẽ có thông báo gửi tới Hội đồng quản trị của quỹ về khoản nợ quá hạn. Sau đó 3 tháng, IMF sẽ đăng một thông báo vắn tắt về sự việc có liên quan tới khoản nợ khất lại lên website của Quỹ. Sau 2 năm không trả đúng hạn, IMF có thể lên kế hoạch buộc Hy Lạp phải từ bỏ tư cách thành viên của quỹ.

Edwin Truman, cựu quan chức Bộ Tài chính Mỹ cho biết: “Các thủ tục được thiết lập theo cách mà sẽ không ngay lập tức đóng sầm cánh cửa và vứt chìa khóa đi. Đó là một quá trình rất chậm rãi”.

Gần đây, IMF đã xác nhận tin tức rằng, quỹ này kỳ vọng nhận được khoản tiền của Hy Lạp vào ngày đến hạn. Rice, người phát ngôn của IMF, trả lời các phóng viên tại Washington rằng, bà Lagarde có thể sẽ gửi thông báo tới Hội đồng một cách nhanh chóng nếu Hy Lạp chậm trả nợ, thể hiện sự quan tâm đặc biệt tới vấn đề này, thay vì đợi 1 tháng như thủ tục.

Tuy nhiên, vẫn có một điểm may cho IMF, bởi theo các chuyên gia, việc Hy Lạp chậm trả nợ không có nghĩa là “bóp cò” cho làn sóng vỡ nợ đối với những khoản vay khác mà IMF cung cấp cho các quốc gia cũng như các tổ chức đầu tư tư nhân.

Tin bài liên quan