Ảnh TTXVN/AFP

Ảnh TTXVN/AFP

HSBC: Có một cân nhắc khác sau động thái phá giá nội tệ của Trung Quốc

(ĐTCK) Nhóm nghiên cứu của HSBC vừa công bố Báo cáo nghiên cứu về việc Ngân hàng Nhân dân Trung Quốc (PBoC) phá giá đồng nhân dân tệ 1,9% so với đồng USD.

Theo Báo cáo của HSBC, những nhà làm chính sách Trung Quốc từ lâu đã ngụ ý về những cải cách liên quan tới ngoại hối, nhưng việc công bố đột ngột này đã gây ra những biến động đáng kể đối với đồng nhân dân tệ (CNY hay còn được viết tắt là RMB) và các đồng tiền khác trong khu vực châu Á.

Sự thay đổi trong cơ chế xác định tỷ giá không nên xem như một dấu hiệu cho thấy Trung Quốc đang áp dụng chính sách giảm giá CNY một cách có mục đích.

Theo quan điểm của HSBC, họ có đủ công cụ chính sách để thúc đầy nhu cầu nội địa nhằm bù đắp cho những thách thức bên ngoài.

"Chúng tôi dự đoán sẽ có một đợt cắt giảm lãi suất xuống 25 điểm và giảm tỷ lệ dự trữ xuống 200 điểm trong nửa sau năm 2015. Sự thay đổi trong cơ chế xác định tỷ giá USD/CNY sẽ không cản trở những nỗ lực quốc tế hóa đồng CNY", HSBC đánh giá.

Có cân nhắc khác sau động thái phá giá CNY

Theo HSBC, việc thay đổi cơ chế xác định tỷ giá phù hợp với kỳ vọng của ngân hàng này. Trong bản báo cáo “Rise of the Redback Special: Why it’s time for an even freer RMB”, HSBC đã thảo luận cách thức RMB dịch chuyển thành một đồng tiền tự do thả nổi, mà 1 trong 2 động thái là thay đổi tỷ giá tham khảo của USD/CNY.

HSBC cho rằng, việc xác định tỷ giá phải bao gồm việc ngừng neo vào đồng USD, giảm can thiệp của PBoC và mang tính định hướng theo thị trường hơn. Để đạt được điều này, quá trình xác định tỷ giá cần phải công khai hơn.

Theo các chuyên gia HSBC, Bắc Kinh không nên e ngại việc thả nổi tỷ giá. Với thực tế cán cân thu chi ngoại tệ của Trung Quốc không chênh lệch nhiều và tiềm năng vay nước ngoài khối lượng lớn bằng đồng RMB, rủi ro bất ổn tài chính xuất phát từ giảm giá và biến động đồng tiền trở nên thấp và giảm đi.

Theo quan điểm của HSBC, có thể có một cân nhắc khác đằng sau quyết định phá giá đồng RMB. Chúng tôi tin rằng, PBoC đang gia tăng tốc độ cải cách để tăng cường khả năng RMB được đưa vào rổ tiền tệ SDR của IMF. Tuy nhiên, mọi người hiểu rằng, đồng tiền dự trữ không thể là một đồng tiền được kiểm soát chặt chẽ, từ đó dẫn tới khả năng đi chệch khỏi giá trị cơ bản và cuối cùng đi tới mất ổn định. Trong khi đó, tỷ giá USD/CNY vốn được giữ rất ổn định, bất kể các dòng vốn đi ra khỏi Trung Quốc.

Không thể hỗ trợ xuất khẩu

HSBC cho rằng, việc PboC phá giá đồng RMB 1,9% so với đồng USD không nên được xem như một chính sác để hỗ trợ xuất khẩu.

Thực thế, xuất khẩu của Trung Quốc vốn không tăng trưởng nhanh trong năm nay và trong 7 tháng đầu năm, xuất khẩu của Trung Quốc giảm 0,6% so với cùng kỳ năm trước. Nhưng nguyên nhân của xuất khẩu giảm chủ yếu là do nhu cầu bên ngoài trì trệ.

Các nền kinh tế trong khu vực như Đài Long, Hàn Quốc cũng đã chứng kiến tăng trưởng xuất khẩu suy giảm mạnh trong năm 2015. Trong một môi trường mà kinh tế chỉ phục hồi nhẹ, các lợi ích của việc giảm giá đồng tiền để hàng hóa trở nên cạnh tranh hơn so với các thị trường xung quanh cũng không rõ ràng hoặc dễ dàng để tận dụng. Nó cũng đi ngược lại mục tiêu lâu dài của các nhà lập pháp để thúc đẩy việc quốc tế hóa hơn nữa cho đồng RMB trong thương mại và đầu tư.

Hiện kinh tế Trung Quốc đang có những thách thức, nhất là trong lĩnh vực bất động sản, nhưng cả chính sách tiền tệ và tài khóa đang mang tính hỗ trợ hơn là điều phối. Theo HSBC, khả năng hồi phục của kinh tế còn mong manh và thị trường vẫn cần những biện pháp nới lỏng thêm nữa trong những tháng tới. Chính sách tiền tệ và tài khóa cần cộng hưởng để giúp đảm bảo nền kinh tế lớn thứ 2 thế giới đạt mục tiêu tăng trưởng 7%.

Báo cáo của HSBC cho biết, đã thấy hiệu ứng tác động tới các đồng tiền trong khu vực. Các đồng tiền châu Á như KRW, TWD và SGD nhạy cảm hơn với chính sách ngoại hối của Trung Quốc so với các đồng tiền khác trong khu vực.

HSBC cho rằng, tỷ giá USD/CNY nên từ từ ổn định ở một mức cân bằng mới, đồng thời tin rằng, Trung Quốc sẽ tiếp tục nới lỏng tiền tệ và tự do hóa tài khoản vốn.

Tin bài liên quan