Bên ngoài tòa nhà Easey Commercial ở Hong Kong. Ảnh: CNN

Bên ngoài tòa nhà Easey Commercial ở Hong Kong. Ảnh: CNN

Hong Kong - thiên đường rửa tiền của Triều Tiên

Quy định thoáng và vị thế trung tâm tài chính, thương mại lớn trong khu vực đã biến Hong Kong thành điểm đến lý tưởng của tiền Triều Tiên.

Easey Commercial Building là một tòa tháp văn phòng rất bình thường tại Hennessy Road ở Hong Kong (Trung Quốc). Nhìn từ bên ngoài, khu này cũng như tất cả những nơi khác tại đây, với đèn đường, các tòa nhà cao tầng và người người hối hả qua lại.

Tuy nhiên, theo danh sách của Liên hợp quốc về các công ty vi phạm lệnh trừng phạt lên Triều Tiên khi giúp nước này kiếm tiền, phòng 2103 trên tầng 21 của tòa nhà là văn phòng của Unaforte Limited Hong Kong.

Tuy nhiên, trên thực tế, đây lại là văn phòng của một công ty khác có tên Cheerful Best Company Services. Khi CNN tới đây, nơi này không phải là Unaforte hay Prolive Consultants - công ty đóng vai trò thư ký của Unaforte.

Văn phòng khi đó chỉ có một người. Anh ta nói rằng mình chưa bao giờ nghe đến tên Unaforte. Và đại diện của Prolive Consultants thỉnh thoảng chỉ đến đây để lấy thư.

Hội đồng Chuyên gia Liên hợp quốc về Triều Tiên cho biết trong 2 báo cáo gần đây rằng Unaforte đã mở và sở hữu một ngân hàng ở thành phố Rason (Triều Tiên).

Việc này có thể đã vi phạm các lệnh trừng phạt mới nhất của Hội đồng Bảo an Liên hợp Quốc - cấm liên doanh với Triều Tiên, Christopher Wall - luật sư tại Pillsbury Winthrop Shaw Pittman tại Mỹ cho biết.

Unaforte không phải là trường hợp duy nhất. Họ chỉ là một trong nhiều công ty bình phong được Liên hợp quốc, các nhà phân tích và nhà làm luật Mỹ nhận diện là giúp Triều Tiên tiếp cận hệ thống tài chính toàn cầu.

Các công ty bình phong là doanh nghiệp được thành lập hợp pháp, nhưng không có tài sản hay hoạt động kinh doanh đáng kể. Một số có mục đích khá hợp pháp - giúp các công ty nước ngoài đặt chân sang thị trường khác, hoặc tận dụng ưu đãi thuế.

Tuy nhiên, một số lại để che giấu danh tính thật của chủ doanh nghiệp, hoặc các bên liên quan, nhằm thực hiện giao dịch phi pháp.

Ví dụ, công ty A muốn bán cho công ty B một sản phẩm trái pháp luật, nhưng A lại đang bị giới chức điều tra. Trong trường hợp này, thay vì trả tiền cho A, B có thể trả cho một công ty bình phong thay mặt A.

Hoặc thậm chí, B còn có thể tạo ra công ty bình phong cho riêng mình, và để 2 công ty dạng này giao dịch với nhau. Việc này sẽ khiến mạng lưới thêm phức tạp và khó điều tra.

Triều Tiên được cho là đã dùng các cách thức này để che giấu phần lớn hoạt động thương mại, từ bán than đá, nhiên liệu đến xuất khẩu vũ khí.

Hong Kong - thiên đường rửa tiền của Triều Tiên ảnh 1

Hong Kong được cho là có nhiều công ty bình phong của Triều Tiên. Ảnh: AFP 

Hugh Griffiths - điều phối viên tại Hội đồng Chuyên gia nhận xét: “Việc Hong Kong được chọn không có gì đáng ngạc nhiên cả. Đó là trung tâm tài chính quốc tế lớn gần Triều Tiên nhất.

Từ trước đến nay, đây cũng là trung tâm thương mại lớn trong khu vực và toàn cầu, nổi tiếng với chính sách quản lý dễ tính”.

Bản thông tin doanh nghiệp của Hong Kong về Unaforte chỉ xuất hiện một cái tên. Người này mang hộ chiếu Dominica - một quốc đảo nhỏ ở Caribbean, và không có số điện thoại.

Tại Hong Kong, để lập một doanh nghiệp, họ chỉ cần ít nhất một giám đốc (phải là người) và một thư ký (có thể là người hoặc một công ty khác, nhưng phải ở Hong Kong).

Bên cạnh đó, dù văn phòng đăng ký phải đặt ở Hong Kong, họ lại được phép chia sẻ với thư ký và không nhất thiết điều hành từ địa chỉ đó.

“Dù hợp pháp, việc này đã giúp người Triều Tiên che giấu danh tính và quốc tịch những ai thực sự đứng sau các thực thể này”, Griffiths cho biết.

C4ADS - một công ty phi lợi nhuận tại Mỹ chuyên nghiên cứu về bảo mật đã lên danh sách 160 công ty bình phong của Triều Tiên tại Hong Kong trong một báo cáo năm 2016.

Sayari Analytics - một hãng theo dõi số liệu khác cũng ước tính có hơn 100 thực thể ở Hong Kong liên quan đến những cá nhân, tổ chức bị trừng phạt tại Triều Tiên.

Dĩ nhiên, các quy định tại Hong Kong không được thiết kế cho các hoạt động phi pháp, mà chỉ nhằm giúp các công ty dễ dàng kinh doanh tại đây. Để phục vụ khách hàng nước ngoài, ở đây cũng có nhiều dịch vụ thư ký, hỗ trợ các giám đốc công ty ở nước ngoài.

Prolive Consultants là một ví dụ. “Khi khách hàng có nhu cầu thư ký, chúng tôi không can thiệp vào chuyện kinh doanh của họ. Việc chúng tôi làm chỉ là giúp họ thu thập giấy tờ cần thiết và hỗ trợ thôi”, Amy Lam - đại diện Prolive Consultants cho biết trên CNN.

“Vấn đề căn bản của Triều Tiên là họ vẫn cần hoạt động bằng USD hoặc euro, nhưng phải tìm ra cách làm điều này khi không đối tác nào muốn nằm ở vùng giao giữa Triều Tiên và Mỹ trong thị trường tài chính quốc tế”, Sheena Greitens - giáo sư tại Đại học Missouri nhận xét.

Ngoài hơn 100 công ty và cá nhân có liên quan đến Triều Tiên, hơn 300 thực thể khác tại Trung Quốc cũng liên quan đến mạng lưới này, Jessica Knight - Giám đốc phân tích tại Sayari cho biết.

“Các công ty tại Hong Kong và Trung Quốc thường liên hệ với nhau khá chặt chẽ, như có chung chủ sở hữu hoặc giám đốc, và hoạt động trong một mạng lưới hỗ trợ Triều Tiên”, Knight tiết lộ.

“Các doanh nhân Trung Quốc thích thực hiện hoạt động phi pháp tại Triều Tiên. Vì các mạng lưới hỗ trợ Triều Tiên chủ yếu đặt tại Trung Quốc và do người Trung Quốc điều hành, chẳng có gì ngạc nhiên nếu chúng có hoạt động thông qua Triều Tiên”.

Sức hấp dẫn của Hong Kong có lẽ nằm tại hệ thống Clearing House Automated Transfer System (CHATS) - xử lý các giao dịch liên quan đến USD trong thanh toán giữa các ngân hàng.

 Dù CHATS chủ yếu dùng cho mục đích hợp pháp, nó lại ngoài tầm kiểm soát của Mỹ, David Asher cho biết.

Ông là một trong những người đứng sau lệnh trừng phạt năm 2006 lên Ngân hàng Banco Delta Asia và phong tỏa 25 triệu USD vốn ở nước ngoài của Triều Tiên.

“Nếu giao dịch được xử lý qua các ngân hàng ở New York, chúng tôi sẽ phong tỏa, tịch thu ngay. Nhưng nếu nó đi qua CHATS, đó chính là hố đen”, ông nói.

Việc này đã giúp Hong Kong trở thành cửa ngõ cho Triều Tiên. Đây là nơi các công ty bình phong Triều Tiên đổi ngoại tệ kiếm được từ bán sản phẩm bị cấm vận (than đá, hàng dệt may), hoặc sản phẩm phi pháp (vũ khí) sang USD.

Mỹ rất quan tâm đến vấn đề này, vì kiểm soát nguồn tiền của Triều Tiên là chìa khóa trong việc kiềm chế Bình Nhưỡng. Cả Mỹ và Liên hợp Quốc đều đã áp đặt nhiều lệnh cấm vận lên nước này.

Washington còn dọa trừng phạt các nước và nền kinh tế có làm ăn với Triều Tiên, rằng sẽ cấm họ tiếp cận với thị trường Mỹ.

“Mỹ sẽ phải có hành động để chứng tỏ rằng mình nói được làm được. Nếu không, họ sẽ chẳng khác nào một con hổ giấy”, Wall kết luận.

Tin bài liên quan