Hạn chế tiền mặt, Ấn Độ đang lãng phí thời gian

Hạn chế tiền mặt, Ấn Độ đang lãng phí thời gian

(ĐTCK) Tham nhũng, “tiền bẩn”, khủng bố, tiền giả…, Thủ tướng Ấn Độ Narendra Modi đã quyết tâm triệt bỏ tất cả chỉ bằng một biện pháp gây sốc: thu hồi và xóa bỏ các tờ tiền mệnh giá lớn nhất vào ngày 8/11 năm ngoái. 

Cho tới hiện tại, sau một năm, các chi phí trong ngắn hạn từ động thái này đang lớn hơn rất nhiều so với lợi ích mang lại, làm dấy lên lo ngại Ấn Độ chỉ đang lãng phí thời gian của mình.

Lệnh xóa bỏ các tờ tiền mệnh giá lớn nhất đã làm mất giá trị của 86% lượng tiền mặt trên thị trường Ấn Độ lúc bấy giờ. Theo ông Modi, động thái này là cần thiết để chống lại nạn hối lộ và khủng bố, thường được tài trợ bởi tiền mặt hoặc hối phiếu giả mạo.

Đồng thời, việc thu hồi tiền cũ và ban hành tiền mới tạo điều kiện dễ dàng hơn để kiểm soát tài sản, chống lại nạn trốn thuế. Tuy nhiên, thực tế cho thấy, chính phủ Ấn Độ chưa đạt được thành công nào từ chính sách này, thậm chí còn đối diện với nhiều vấn đề đau đầu hơn nữa.

Trong đó, vấn đề khó khăn bậc nhất với ông Modi, người sẽ phải đối diện với cuộc bầu cử vào đầu năm 2019, đó là tốc độ tăng trưởng kinh tế Ấn Độ đang ở mức thấp nhất từ trước tới nay kể từ khi ông lên nắm quyền năm 2014.

Hạn chế tiền mặt, Ấn Độ đang lãng phí thời gian ảnh 1

Tiền giả

Dù số lượng tiền giả bị phát hiện có tăng trong 12 tháng kết thúc vào tháng 6/2017, nhưng cũng chỉ ở mức tương đương 0,08% tổng lượng tiền đang lưu thông so với con số 0,07% năm trước đó. Quan trọng hơn, Ngân hàng Trung ương Ấn Độ cũng không thể bảo vệ được đồng tiền mới khỏi nạn tiền giả, khi phiên bản giả của tờ tiền mới 2.000 rupee vừa được phát hành vào ngày 8/11/2016 đã được tìm thấy.

Như vậy, nhiệm vụ chống lại nạn tiền giả của chính sách thu hồi và xóa bỏ các tờ tiền mệnh giá lớn của Ấn Độ đã thất bại.

Tiền bẩn

Ngay khi lệnh hạn chế tiền mặt được thông báo vào năm ngoái, Chính phủ Ấn Độ đã trình bày rằng, khoảng 1/3 trong số 15,44 nghìn tỷ rupee bị mất giá trị sẽ không được mang tới ngân hàng để được thu hồi và đổi tiền mới, ám chỉ rằng một số cá nhân sẵn sàng chịu thiệt hại còn hơn bị dò ra sở hữu lượng tiền đó. Tuy nhiên, thực tế, 99% lượng tiền đã được mang tới các ngân hàng.

Sonal Varma, nhà kinh tế trưởng Ấn Độ tại Nomura Holdings Inc nhận định: “Quá trình kiểm soát tiền bẩn và nạn hối lộ không bắt đầu hoặc kết thúc bằng việc phi tiền tệ hóa. Lượng 'tiền bẩn' là rất lớn, nhưng nó đa phần không hiện diện ở dạng tiền mặt, mà nằm ở bất động sản và vàng”.

Trốn thuế

Một trong số tác dụng của việc thu hồi tiền cũ và đổi tiền mới được các chuyên gia kinh tế kỳ vọng nhất là có thể kiểm soát việc nộp thuế, từ đó gia tăng số thuế thu được.

Điều này sẽ làm giảm áp lực lên tài chính công của quốc gia, nơi mà trốn thuế là một vấn nạn, với chưa tới 5% trong số 1,3 tỷ dân đóng thuế thu nhập. Tuy nhiên, tốc độ tăng của việc thu thuế vẫn đang rất chậm và khó có thể làm hài lòng các cử tri của ông Modi trong cuộc bầu cử sắp tới.

Số hóa

Những doanh nghiệp đi tiên phong trong lĩnh vực cung cấp dịch vụ thanh toán điện tử tại Ấn Độ là người hưởng lợi nhiều nhất từ động thái của ông Modi. Trong đó, cái tên đình đám nhất là Paytm, được hỗ trợ bởi Alibaba Group Holding Ltd của tỷ phú Jack Ma, khi lượng khách hàng tăng từ 157 triệu người tháng 11/2016 lên 255 triệu người tháng 10/2017. 

Tuy nhiên, tại đất nước mà tiền mặt là vua, việc số hóa hoạt động thanh toán là không hề dễ dàng. Kể từ đầu năm 2017, giá trị các giao dịch thanh toán điện tử đã liên tục giảm. Theo số liệu mới nhất, lượng giao dịch qua các ứng dụng điện tử đã giảm 27% trong tháng 4 so với tháng trước đó và hầu như đứng yên trong tháng 5. Đồng thời, lượng tiền mặt được rút ra tăng 20% trong tháng 5 so với tháng trước đó, theo NCR Corp, công ty cung cấp máy ATM lớn nhất Ấn Độ.

Mặc dù vậy, giới chức nước này vẫn cho rằng, việc lượng tiền đang lưu thông giảm đi đã là một thắng lợi. Hiện tại, lượng tiền đang lưu thông vào khoảng 12,5 nghìn tỷ rupees so với khoảng gần 18 nghìn tỷ rupee trước đó.

Tin bài liên quan