Cả Facebook lẫn Google đều không nhận mình là công ty truyền thông, nhưng thực tế tầm ảnh hưởng truyền thông của họ cực lớn

Cả Facebook lẫn Google đều không nhận mình là công ty truyền thông, nhưng thực tế tầm ảnh hưởng truyền thông của họ cực lớn

Google và Facebook gây hoang mang toàn cầu

Với sức ảnh hưởng quá lớn hiện tại, hai công ty công nghệ hàng đầu thế giới Google và Facebook đang góp phần hủy hoại tin tức cũng như báo chí truyền thống, bởi những thông tin không được xác thực được xuất hiện trong nội dung của họ một cách quá dễ dàng. Họ có thể bị những phần tử cực đoan lợi dụng hoặc trở thành công cụ cho những mục đích cá nhân, cục bộ.

Tuần trước, Facebook và Google thành trung tâm của sự chú ý xung quanh những tin tức giả mạo liên quan tới cuộc bầu cử tổng thống Mỹ. Theo đó, ông Donald Trump được cho là có nhiều phiếu phổ thông và đại cử tri hơn bà Hillary Clinton, trong khi thực tế số phiếu phổ thông của bà Clinton cao hơn. Một điểm đặc biệt là các tin tức trên Facebook lan truyền rất nhanh do số lượng người truy cập quá cao, trong khi Google gần như là sự lựa chọn ưu tiên cho bất kỳ ai muốn tra cứu thông tin.

Năm 1979, tác giả David Halberstam đã viết cuốn sách với tựa đề "Powers That Be", trong đó phân tích và nhấn mạnh quyền lực chi phối dư luận của những đại gia báo chí/truyền thông như đài CBS, báo The New York Times, tạp chí Time, báo The Washington Post và The Los Angeles Times.

Trong bài viết ngày 15/11, tạp chí Fortune cho rằng cái gọi là "quyền lực truyền thống" ấy đã thay đổi, và thực tế chỉ có hai quyền lực mới thực sự là Facebook và Google.

Khoảng 44% người trưởng thành ở Mỹ đọc tin tức thông qua Facebook, theo một nghiên cứu mới đây của PEW. Tỷ lệ này bỏ xa các nguồn tin khác như YouTube (10%), Twitter (9%). Ngoài ra, những tin tức từ Facebook có tác động rất lớn. Một cuộc khảo sát do chính Facebook thực hiện năm 2012 cho thấy cụm từ chứa "tôi bầu" đã tác động lên 280.000 người đi bỏ phiếu trong cuộc bầu cử giữa nhiệm kỳ năm 2010 ở Mỹ.

Facebook và Google bản thân họ đều bác bỏ danh xưng "công ty truyền thông", khẳng định không muốn như thế. Tuy nhiên, bất chấp không hề thuê mướn một phóng viên nào, bản thân các công ty công nghệ này lại có số lượng "phóng viên" đông đảo nhất thế giới, họ chính là người dùng.

Khi người dùng cũng là người đưa tin, dĩ nhiên Facebook và Google chứa số lượng khách hàng tiềm năng. Ít nhất 75% tổng số tăng trưởng quảng cáo ở Mỹ năm nay sẽ đổ vào hai công ty trên, thậm chí một số còn ước tính 90%. Không một cơ quan báo đài truyền thống nào dám mơ về sự thống trị quảng cáo trực tuyến như thế.

Với cách vận hành đặc thù của thời đại mạng xã hội, cả Facebook lẫn Google đều không chịu trách nhiệm về thông tin. Ngoại trừ loại bỏ một số hình ảnh có nội dung nhạy cảm, một số bài viết bị báo cáo, cả hai công ty trên đều chấp thuận cho người dùng đăng tải, chia sẻ quan điểm cá nhân.

Lợi và hại từ việc này dĩ nhiên ảnh hưởng trực tiếp tới chất lượng thông tin, độ chính xác. Nhiều nhân vật đã lợi dụng tầm ảnh hưởng và thủ thuật công nghệ để tạo ra thông tin giả, nhưng đáng tiếc với lượng người dùng quá lớn, Facebook dù muốn dù không cũng đã thành nơi dung dưỡng những thông tin chưa được xác thực ấy.

Tin bài liên quan