Rick Osterloh, Phó chủ tịch cao cấp Google, “kiến trúc sư” trưởng dự án Pixel

Rick Osterloh, Phó chủ tịch cao cấp Google, “kiến trúc sư” trưởng dự án Pixel

Google sẵn sàng làm “phiền lòng” đồng minh với Pixel

(ĐTCK) Google vừa có động thái mới nhất trong chiến lược thay đổi thị trường di động, khi ra mắt cặp đôi thiết bị smartphone, để lần đầu tiên đối đầu trực diện với iPhone của Apple.

“Cú đấm” mới của Google 

Ngày 4/10, Alphabet Inc, công ty mẹ của Google, đã trình làng sản phẩm Pixel và phiên bản lớn hơn Pixel XL, bộ đôi di động đầu tiên được lên ý tưởng, thiết kế, xây dựng và kiểm nghiệm hoàn toàn nội bộ. Đây là sản phẩm có sự xuất hiện của trợ lý ảo Assistant, cho phép người dùng trò chuyện với thiết bị của mình, camera mạnh mẽ và là thiết bị sở hữu hệ điều hành Nougat 7.1, phiên bản mới nhất của Android.

Việc trình làng Pixel cho thấy, Google muốn lấn sâu hơn vào thị trường smartphone trị giá 400 tỷ USD và Công ty sẵn sàng làm “phiền lòng” các đồng minh thân cận khác như Samsung Electronics Co và LG Electronics Inc, bởi cả 2 đều bán các thiết bị di động với nền tảng Android.

“Chiếc điện thoại này có thể chụp ảnh với tốc độ nhanh hơn một cái chớp mắt”, Rick Osterloh, Phó chủ tịch cao cấp phụ trách mảng phần cứng của Google tự hào giới thiệu với quan khách việc chỉ cần lắc chiếc di động để kích hoạt camera selfie. Chưa kể, điểm đặc biệt - được xem là trái tim của Pixel - là trợ lý ảo Assistant. Theo đó, người dùng chỉ cần ấn một nút và trò chuyện với trợ lý này để biết mọi thông tin. Chẳng hạn, Assistant có thể nhận thấy những gì đang hiện trên màn hình điện thoại, khi người dùng hỏi “làm sao để tới nhà hàng này”, Assistant sẽ nhanh chóng sử dụng Google Maps để đưa ra câu trả lời.

Bên cạnh đó, Pixel sở hữu công nghệ sạc pin siêu nhanh, cho phép người dùng có thể sạc đầy trong vòng 15 phút.

“Hiện tại, Google đã trở thành nhà bán các thiết bị di động”, Osterloh nói, đồng thời nhấn mạnh, Công ty đang tiến hành kiểm soát thành phẩm, xây dựng mối quan hệ với các nhà phân phối, thuê ngoài sản xuất, thiết lập hệ thống và giám sát chuỗi phân phối. Thậm chí, Google sẽ sản xuất cả các phụ kiện đi kèm, bao gồm ốp và cáp sạc.

Dấn thân vào lĩnh vực kinh doanh phần cứng là một trong những rủi ro lớn về tài chính và hoạt động. Tuy nhiên, Google cần tự mình đảm nhiệm việc hoàn thiện các thiết bị để tương thích với dịch vụ web và các chương trình đi kèm khác như thực tế ảo. Đây là lý do mùa hè năm 2015, CEO Google Sundar Pichai đã đồng ý tiến hành dự án Pixel. Trước đây, Google đã từng đặt chân vào lĩnh vực này với chương trình Nexus. Tuy nhiên, điểm khác biệt là Google bắt đầu mọi thứ từ đầu với Pixel, trong khi chỉ tham gia vào dự án Nexus khi sản phẩm này hoàn thiện tới 90%. 

Show diễn của Osterloh

Chỉ mới tham gia Hội đồng quản trị Google vào giữa tháng 4/2016, khi Rick Osterloh 44 tuổi, nhưng ngay lập tức, Osterloh quyết định gộp tất cả các bộ phận phần cứng vào một nhóm, đồng thời “xóa sổ” các dự án được xem là không còn đóng góp cho tương lai của Google. Hiện tại, tất cả các kỹ sư và nhà thiết kế của Google Glass, Chromecast và Pixel đang làm việc cùng với nhau. Theo Osterloh, việc phân tách các kỹ sư khiến Google gặp khó trong việc hướng tới chiến lược tăng trưởng và tập trung phát huy thế mạnh.

Để thực hiện tham vọng dài hạn là xây dựng chuỗi cung cấp theo phong cách của Apple, bộ phận phần cứng của Google hiện đã có đội ngũ quản lý nguồn cung, với các chuyên gia tới từ đơn vị thiết bị gia đình thông minh Nest, đơn vị đã được Google mua về cách đây gần 3 năm.

Vào thời điểm Google thành công trong việc mời Rick Ossterloh, cựu CEO bộ phận di động của Motorola, đồng thời giữ chức Chủ tịch Motorola, nhiều câu hỏi đã được đặt ra về vai trò của người đàn ông này. Tuy nhiên, khi Osterloh lần đầu ra mắt chiếc di động mang tên Pixel tại Mountain View, California, Hoa Kỳ, thị trường ngay lập tức nhận ra sự khéo léo của người từng phụ trách sản phẩm Google Glass và Chromecast trong nhiều năm qua. Pixel, với màu bạc, đen và phiên bản giới hạn màu xanh, được đánh giá là có vẻ ngoài trang nhã, với nội lực mạnh mẽ.

Mặc dù Google từ chối tiết lộ số tiền họ đã chi trả cho những nỗ lực bước vào thị trường smartphone, nhưng Jason Bremner, cựu quản lý cấp cao tại Qualcomm Inc, hiện đang làm việc tại bộ phận phần cứng của Google, đã phần nào tiết lộ con số.

“Một phần trong việc trở thành người phân phối sản phẩm, cũng đồng nghĩa với việc sở hữu số lượng hàng lớn và những mối nguy của hệ thống phân phối có thể đáng giá hàng triệu USD trong một ngày. Đó là tình hình hiện tại của Google”, Jason cho biết.

Tin bài liên quan