(Ảnh minh họa: TAL).

(Ảnh minh họa: TAL).

Giới siêu giàu đổ xô đổi tiền lấy quốc tịch thứ hai

Trong thế kỷ 21, việc các tài phiệt và giới siêu giàu đổ tiền mua quốc tịch thứ 2, thậm chí là thứ 3, thứ 4 đã trở thành một trào lưu phổ biến trên thế giới.

Tuần trước, tài phiệt Nga Roman Abramovich, một người gốc Do Thái, đã chính thức mang thêm quốc tịch Israel và trở thành người giàu nhất quốc gia này với tổng tài sản ước đạt 12,5 tỷ USD.

Đây là chính sách của Israel nhằm mở rộng cửa và cấp quốc tịch miễn phí cho bất cứ người gốc Do Thái nào muốn đến đây sinh sống.

Tuy nhiên, với hàng chục quốc gia trên thế giới, trong đó bao gồm một số nước châu Âu, việc có thêm quốc tịch không phải là thủ lục miễn phí như Israel. Giới siêu giàu khi muốn có thêm một cuốn hộ chiếu ở những nước này cần phải tham gia vào chương trình “trở thành công dân nhờ đầu tư” (CIP).

Chi phí cho các chương trình CIP ở các nước là khác nhau, dao động từ 100.000 USD tới 2,5 triệu USD với nhiều quy định cụ thể, nhưng đều chung nhau ở một số yếu tố là: người có nhu cầu xin thêm quốc tịch phải đầu tư tiền vào bất động sản hoặc kinh doanh, mua trái phiếu ở nước sở tại, hoặc đơn giản là chỉ cần đóng tiền và sẽ nhận thêm được 1 cuốn hộ chiếu.

Một vài quốc gia không rao bán trực tiếp quốc tịch, nhưng họ có một chương trình thường gọi là “thị thực vàng”, tặng cho các nhà đầu tư chứng nhận lưu trú dài hạn. Trong nhiều trường hợp, sau khoảng thời gian 5 năm, người có chứng nhận trên sẽ được cấp quốc tịch.

Chương trình này không mới, nhưng nó có tốc độ tăng trưởng nhanh nhờ vào những nhà đầu tư đến từ các nước đang phát triển như Trung Quốc, Ấn Độ, các nước Trung Đông, gần đây là Thổ Nhĩ Kỳ. 

Giới siêu giàu đổ xô đổi tiền lấy quốc tịch thứ hai ảnh 1

 Đảo St Kitts and Nevis (Ảnh: Telegraph)

Chương trình CIP đầu tiên được tung ra vào năm 1984, khi hòn đảo St Kitts and Nevis giành độc lập, tách khỏi Anh. Với một nước nghèo, mô hình này có thể giúp họ thoát khỏi cảnh nợ nần và mang lại nhiều lợi ích cho nền kinh tế.

Quỹ tiền tệ quốc tế IMF thống kê rằng năm 2014, doanh thu từ CIP chiếm 14% GDP của St Kitts and Nevis. Một thống kê khác cho thấy, số tiền hòn đảo này thu được từ CIP chiếm 30% tổng tiền St Kitts and Nevis nhận về trong năm.

Những người chọn quốc tịch của hòn đảo này thường có nhu cầu muốn di chuyển thoải mái trong 26 nước khối Schegen (hiệp ước tự do đi lại trong khối) mà không cần xin thị thực.

Các nước giàu như Canada, Anh, New Zealand cũng là những nước có chương trình CIP nhưng các chương trình này hướng tới việc thu hút các nhà đầu tư mang tiền đóng góp cho sự phát triển của nền kinh tế hơn là chỉ vì mục đích tự do đi lại.

CIP mang lại nhiều lợi ích nhưng cũng vấp phải những phản ứng trái chiều từ giới chuyên gia. Malta, một quốc gia mới mở chương trình CIP từ năm 2014, đã tiếp nhận 800 công dân mới siêu giàu nhập tịch vào nước này.

Các nước EU đã lên tiếng cảnh báo về tốc độ cũng như số lượng hồ sơ mà nước này thông qua, quan ngại về những mối đe dọa liên quan tới an ninh.

Một vài chương trình CIP đã bị coi là thiếu minh bạch trong quá trình xét duyệt hồ sơ.

Các nhà quan sát cho rằng điều này đã gây ra sự bất công bằng và phân biệt giàu nghèo khi trao quyền công dân một cách dễ dàng cho những người có nhiều tiền, trong khi lại áp dụng một tiêu chuẩn khác lên những người có ít tiền hơn và đôi khi từ chối nguyện vọng nhập tịch của họ.

Hiện tại, trên thế giới, Caribe là khu vực có mức đầu tư cho các chương trình CIP thấp nhất. Một cuốn hộ chiếu ở St Kitts and Nevis có giá 150.000 USD, trong khi con số này ở Antigua, Barbuda và Granada chỉ khoảng 100.000 USD.

Có khoảng một nửa các quốc gia liên minh châu Âu EU đang áp dụng chương trình CIP. Tùy theo loại hình đầu tư, mức giá để có tấm hộ chiếu quyền lực có thể di chuyển tới 170 quốc gia khác không cần thị thực rơi vào khoảng 500.000 USD tới hơn 1 triệu USD.

Tin bài liên quan