Niềm vui trở lại với các nhà đầu tư trong phiên cuối tuần (Ảnh minh họa: AFP)

Niềm vui trở lại với các nhà đầu tư trong phiên cuối tuần (Ảnh minh họa: AFP)

Giới đầu tư tự tin, chứng khoán toàn cầu đồng loạt tăng trở lại

(ĐTCK) Dữ liệu kinh tế tích cực của Mỹ liên tiếp được công bố giúp tâm lý nhà đầu tư trở nên tự tin hơn, ngay cả khi khả năng Fed tăng lãi suất trong tháng tới. Với tâm lý này, chứng khoán đã đồng loạt tăng điểm, trong khi vàng chịu sức ép lớn.

Theo dữ liệu vừa công bố, doanh số bán nhà đã xây dựng của Mỹ tăng hơn kỳ vọng trong tháng 4, cho thấy nền kinh tế Mỹ đã lấy lại được đà tăng trưởng trong quý II.

Các dữ liệu tích cực liên tiếp được công bố khiến giới phân tích và nhà đầu tư tự tin rằng, dù Fed có tăng lãi suất trong tháng 6 hoặc tháng 7, cũng không tác động tiêu cực nhiều tới đà tăng trưởn của Mỹ.

Niềm tin trên đã giúp phố Wall hồi phục tích cực trong phiên giao dịch cuối tuần, giúp S&P 500 và Nasdaq đảo ngược tình thế tăng điểm trở lại trong tuần qua, trong khi Dow Jones không có được may mắn đo.

Kết thúc phiên 20/5, chỉ số Dow Jones tăng 65,54 điểm (+0,38%), lên 17.500,94 điểm. Chỉ số S&P 500 tăng 12,28 điểm (+0,60%), lên 2.052,32 điểm. Chỉ số Nasdaq tăng 57,03 điểm (+1,21%), lên 4.769,59 điểm.

Trong tuần, chỉ số Dow Jones giảm 0,2%, chỉ số S&P 500 tăng 0,28% và Nasdaq tăng 1,1%.

Chứng khoán châu Âu cũng tăng trong phiên cuối tuần, thậm chí mức tăng mạnh hơn hẳn phố Wall nhờ sự hỗ trợ tích cực từ nhóm cổ phiếu ngân hàng và khai thác mỏ.

Kết thúc phiên 20/5, chỉ số FTSE 100 tại Anh tăng 102,97 điểm (+1,70%), lên 6.156,32 điểm. Chỉ số DAX tại Đức tăng 120,13 (+1,23%), lên 9.916,02 điểm. Chỉ số CAC 40 tại Pháp tăng 71,36 điểm (+1,67%), lên 4.353,90 điểm.

Trong tuần, chỉ số FTSE 100 tăng 0,29%, chỉ số DAX giảm 0,37% và chỉ số CAC 40 tăng 0,78%.

Tương tự chứng khoán Âu, Mỹ, chứng khoán châu Á cũng đồng loạt tăng điểm trong phiên cuối tuần. Tuy nhiên, đà tăng không quá mạnh khi giới đầu tư thận trọng trước khả năng Fed tăng lãi suất trong tháng 6 và những ý kiến bất đồng của các nước G7 về chính sách tiền tệ trước cuộc họp thượng đỉnh của lãnh đạo các nước G7 sẽ họp vào tuần tới.

Kết thúc phiên 20/5, chỉ số Nikkei 225 tại Nhật Bản tăng 89,69 (+0,54%), lên 16.730,35 điểm. Chỉ số Hang Seng tại Hồng Kông tăng 157,87 (+0,80%), lên 19.852,20 điểm. Chỉ số Shanghai Composite tại Trung Quốc tăng 19,03 điểm (+0,68%), lên 2.825,94 điểm.

Trong tuần, chỉ số Nikkei 225 tăng 0,71%, chỉ số Hang Seng tăng 0,71% và chỉ số Shanghai Composite giảm 0,04%.

Việc đồng USD tăng mạnh gây sức ép lên các loại hàng hóa được định giá bằng đồng tiền này, trong đó có vàng. Ngoài ra, việc thị trường chứng khoán tăng tốt và tâm lý nhà đầu tư tự tin về triển vọng kinh tế Mỹ cũng khiến vàng mất đi tính hấp dẫn.

Kết thúc phiên 20/5, giá vàng giao ngay giảm 2,8 USD (-0,22%), xuống 1.251,9 USD/ounce. Giá vàng tương lai giao tháng 6 giảm 1,9 USD (-0,15%), xuống 1.252,9 USD/ounce.

Tuần qua, giá vàng giao ngay giảm 1,64% và giá vàng tương lai giao tháng 6 giảm 1,68%. Với những thông tin khả quan của nền kinh tế Mỹ, cùng với việc giá vàng đã có 3 tuần giảm liên tiếp, cả nhà đầu tư và chuyên gia đều có cái nhìn thận trọng về giá vàng trong tuần tới.

Trong cuộc thăm dò tuần này, có 783 người tham gia, trong đó có 438 người, chiếm 56% có quan điểm tích cực về giá vàng trong tuần tới, 230 người, chiếm 29% dự báo giá sẽ giảm và 115 người, chiếm 15% giữ quan điểm trung lập.

Còn trong số 22 chuyên gia trả lời, có 10 chuyên gia, chiếm 45% dự đoán giá vàng sẽ giảm tiếp trong tuần tới, 7 chuyên gia, chiếm 32% có cái nhìn lạc quan và 5 người, chiếm 23% giữ quan điểm trung lập.

Giá dầu thô có lúc hồi phục khá tốt trong phiên cuối tuần nhờ thông tin hỗn loạn ở Nigeria, một công ty dầu đá phiến của Mỹ phá sản và cuộc khủng hoảng tại Venezuela. Tuy nhiên, trong phiên Mỹ, với sức mạnh của đồng USD, giá dầu thô đã đảo chiều và đóng cửa tuần giảm.

Kết thúc phiên 20/5, giá dầu thô Mỹ giảm 0,41 USD (-0,86%), xuống 47,75 USD/thùng. Giá dầu thô Brent giảm 0,09 USD (-0,18%), xuống 48,72 USD/thùng.

Trong tuần, giá dầu thô Mỹ tăng 3,33% và giá dầu thô Brent tăng 1,86%.

Tin bài liên quan