Tòa nhà Empire State với ánh đèn màu đỏ và vàng chào mừng Tết Nguyên đán 2016 của Trung Quốc

Tòa nhà Empire State với ánh đèn màu đỏ và vàng chào mừng Tết Nguyên đán 2016 của Trung Quốc

Giới đầu tư Trung Quốc ồ ạt thâu tóm bất động sản nước ngoài

(ĐTCK) Năm 2015, mặc dù thị trường bất động sản được đánh giá là bất ổn, nhưng các nhà đầu tư Trung Quốc vẫn đổ một khoản tiền khổng lồ vào bất động sản các nước phương Tây.

Theo một nghiên cứu mới nhất của Knight Frank, nhà đầu tư Trung Quốc đã rót vào 30 tỷ USD vào thị trường bất động sản thế giới trong năm qua, gấp đôi so với năm 2014, trong đó số lượng giao dịch mà nhà đầu tư Trung Quốc thực hiện tại New York chiếm tới hơn 40% tổng số thương vụ mà họ thực hiện tại các thành phố lớn trên thế giới, bao gồm cả London (Anh), Sydney và Melbourne (Úc).

Cũng theo Knight Frank, các thương vụ mua bán (M&A) lớn trong lĩnh vực bất động sản năm 2014 của các nhà đầu tư Trung Quốc ghi nhận sự gia tăng đáng kể sự góp mặt của các nhà phát triển bất động sản và các tập đoàn bảo hiểm.

Trong 20 thương vụ M&A bất động sản ở nước ngoài lớn nhất được thực hiện trong năm 2015, có 14 vụ được thực hiện bởi các nhà phát triển bất động sản (năm 2014 là 10 vụ) và 6 vụ được thực hiện bởi các công ty bảo hiểm (năm 2014 là 4 vụ). Trong đó, các tập đoàn bảo hiểm thường có mặt trong các thương vụ đình đám .

“Trong 10 thương vụ M&A lớn nhất thế giới trong lĩnh vực bất động sản, các công ty bảo hiểm Trung Quốc đã thực hiện tới 6 thương vụ”, Paul Hart, Giám đốc điều hành Công ty Tư vấn bất động sản Greater tại Trung Quốc cho biết.

Chẳng hạn, Tập đoàn Bảo hiểm Anbang mua lại Khách sạn Waldorf Astoria (New York, Mỹ) với giá 1,95 tỷ USD, mua lại tòa tháp Heron Tower (London, Anh) với giá 1,172 tỷ USD và mua lại một trung tâm thương mại của Merril Lynch tại Manhattan (New York) với giá 414 triệu USD. Trong khi đó, Công ty Bảo hiểm nhân thọ Taiping đã mua lại khu căn hộ cao cấp tại Murray Street (New York) với 820 triệu USD. Tổng cộng, trong năm 2015, các công ty bảo hiểm Trung Quốc đã chi hơn 4 tỷ USD vào bất động sản ở nước ngoài, tăng gấp đôi so con số 2 tỷ USD của năm 2014.

“Chúng tôi đã bắt đầu thấy sự khởi đầu với mức độ đầu tư lớn của các công ty bảo hiểm Trung Quốc. Các doanh nghiệp này có thể sẽ trở thành lực lượng thống trị trong các giao dịch địa ốc trong những năm tới”, một chuyên gia nghiên cứu thị trường tại Knight Frank cho biết.

Sự bùng nổ hoạt động thâu tóm các tài sản bất động sản có giá trị lớn của các doanh nghiệp bảo hiểm Trung Quốc bắt nguồn từ việc nới lỏng chính sách của Chính phủ Trung Quốc. Cụ thể, năm 2012, Bắc Kinh chính thức cho phép các công ty bảo hiểm trong nước được đầu tư vào bất động sản ở nước ngoài. Tiếp đó, Ủy ban Điều tiết bảo hiểm của Trung Quốc cũng nới lỏng các điều kiện để doanh nghiệp trong nước có thể hút thêm vốn nước ngoài.

Knight Frank dự báo, đầu tư bất động sản của Trung Quốc ở nước ngoài sẽ tiếp tục tăng mạnh trong năm nay, bởi sự suy giảm tăng trưởng kinh tế trong nước, buộc các công ty phải đẩy mạnh đầu tư ra nước ngoài để đa dạng hóa danh mục đầu tư của mình, nhằm phòng ngừa rủi ro. Ngoài ra, theo David Ji, Giám đốc kiêm Trưởng phòng Nghiên cứu và Tư vấn Knight Frank, việc Bắc Kinh sáng lập ra Dự án Vành đai 1, hay dự án cơ sở hạ tầng của Ngân hàng Đầu tư châu Á…, cũng khuyến khích các doanh nghiệp Trung Quốc đầu tư ra nước ngoài.

Bất động sản New York đã vượt qua London, Sydney và Melbourne trở thành điểm đến hấp dẫn nhất của các nhà đầu tư Trung Quốc với tổng số vốn rót vào đây trong năm 2015 là 5,78 tỷ USD, tăng gấp 5 lần so với năm trước. Trong khi các tổ chức lớn của Trung Quốc đã thống trị các giao dịch lớn tại New York, thì các doanh nghiệp nhỏ lại đang làm quấy động thị trường địa ốc ở các thành phố nhỏ hơn như Boston, Los Angeles và Chicago.

Đơn cử, Tập đoàn Wanxiang, một nhà sản xuất phụ tùng ôtô ở Hàng Châu, đã bước vào thị trường địa ốc Mỹ thông qua liên doanh với Geolo Capital tại San Francisco thành lập 1 pháp nhân có vốn đầu tư 1 tỷ USD để đầu tư vào các khách sạn trên khắp nước Mỹ, ngoại trừ trung tâm Manhattan. Hiện Wanxiang đã đầu tư khoảng 80 dự án bất động sản tại 23 tiểu bang của Mỹ.

Hotline Báo Đầu tư Bất động sản: 0966.43.45.46 Email:dautubatdongsan.vir@gmail.com

Tin bài liên quan