Giới đầu tư toàn cầu đối mặt với nỗi lo mới

Giới đầu tư toàn cầu đối mặt với nỗi lo mới

(ĐTCK) Chưa hấp thụ xong sự thất vọng về kế hoạch trì hoãn thuế của Mỹ, cuộc khủng hoảng Trung Đông, Cataloina, giới đầu tư lại đối mặt với nỗi lo mới đến từ sự căng thẳng chính trị tại Anh.

Sau 2 phiên giảm liên tiếp khi kế hoạch giảm thuế bị trì hoãn, phố Wall đã hồi phục trở lại trong phiên đầu tuần mới nhờ sự hỗ trợ của nhóm cổ phiếu tiện ích, hàng tiêu dùng, cũng như sự khởi sắc của một số cổ phiếu có thông tin M&A, hoặc kết quả kinh doanh khả quan như Qualcom, Mattel, Tyson Foods, Roku…

Tuy nhiên, đà tăng bị hãm lại và các chỉ số đóng cửa gần như không đổi do giới đầu tư vẫn thất vọng về kế hoạch giảm thuế bị trì hoãn, cũng như ảnh hưởng từ cổ phiếu General Electric khi đại gia công nghiệp này giảm 50% cổ tức và giảm dự báo lợi nhuận. Sau thông tin trên, cổ phiếu của hãng giảm 7,2%, xuống 19,02 USD.

Kết thúc phiên 13/11, chỉ số Dow Jones tăng 17,49 điểm (+0,07%), lên 23.439,70 điểm. Chỉ số S&P 500 tăng 2,54 điểm (+0,10%), lên 2.584,84 điểm. Chỉ số Nasdaq tăng 6,66 điểm (+0,10%), lên 6.757,60 điểm.

Trên thị trường chứng khoán châu Âu, các chỉ số chính của khu vực có phiên giảm thứ 3 liên tiếp do giới đầu tư lo ngại về căng thẳng chính trị tại Anh.

Cụ thể, Thủ tướng Anh Theresa May đang đối mặt nguy cơ bị phế truất khi 40 nghị sĩ Quốc hội nhất trí ký vào lá thư chung bày tỏ bất tín nhiệm đối với bà.

Những bất đồng trong nội bộ đảng bảo thủ cầm quyền và Quốc hội Anh diễn ra trong bối cảnh các cuộc đàm phán về việc Anh ra khỏi Liên minh châu Âu đang diễn ra chậm chạp và không có nhiều bước tiến.

Thông tin này khiến đồng bảng Anh giảm 0,6% so với đồng USD, mức giảm mạnh nhất trong ngày kể từ ngày 2/11/2016. Không chỉ đồng bảng Anh, đồng Euro cũng giảm 0,6% so với đồng USD sau thông tin trên.

Kết thúc phiên 13/11, chỉ số FTSE 100 tại Anh giảm 17,81 điểm (-0,24%), xuống 7.415,18 điểm. Chỉ số DAX tại Đức giảm 53,05 điểm (-0,40%), xuống 13.074,42 điểm. Chỉ số CAC 40 tại Pháp giảm 39,09 điểm (-0,73%), xuống 5.341,63 điểm.

Trên thị trường chứng khoán châu Á, chứng khoán Nhật Bản có phiên lao dốc mạnh, xuống mức thấp nhất 2 tuần do hàng loạt nhóm cổ phiếu bị chốt lời sau chuỗi tăng mạnh trước đó như bất động sả, chứng khoán. Đây là phiên giảm thứ 3 liên tiếp của chỉ số Nikkei 225.

Trong khi đó, chứng khoán Hồng Kông đảo chiều tăng nhẹ, chứng khoán Trung Quốc đại lục tiếp tục duy trì sắc xanh nhờ hiệu ứng tâm lý tích cực khi Bắc Kinh nới room ngoại với các công ty tài chính.

Kết thúc phiên 13/11, chỉ số Nikkei 225 tại Nhật Bản giảm 300,43 điểm (-1,32%), xuống 22.380,99 điểm. Chỉ số Hang Seng tại Hồng Kông tăng 61,26 điểm (+0,21%), lên 29.182,18 điểm. Chỉ số Shanghai Composite tại Thượng Hải tăng 15,16 điểm (+0,44%), lên 3.447,84 điểm.

Sau phiên sụt giảm mạnh đầy bất ngờ trong phiên cuối tuần trước, giá vàng đã hồi phục trở lại trong phiên giao địch dầu tuần mới. Lực cầu gia tăng trở lại sau phiên giảm mạnh không có lý do trước đó, cùng với căng thẳng chính trị tại Anh góp phần giúp giá kim loại quý này hồi phục trở lại. Tuy nhiên, đà tăng phần nào bị hạn chế do đồng USD hồi phục trở lại trong phiên.

Kết thúc phiên 13/11, giá vàng giao ngay tăng 3 USD/ounce (+0,24%), lên 1.277,9 USD/ounce. Giá vàng tương lai giao tháng 12 tăng 3,3 USD/ounce (+0,26%), lên 1.278,9 USD/ounce.

Trong khi đó, giá dầu thô dao động trong biên độ hẹp khi thông tin về căng thẳng tại Trung Đông cân bằng với việc gia tăng số lượng giàn khoan của Mỹ. Trong đó, giá dầu thô Mỹ đóng cửa gần như không đổi, trong khi giá dầu thô Brent tiếp tục giảm.

Kết thúc phiên 13/11, giá dầu thô Mỹ tăng 0,02 USD (+0,04%), lên 56,76 USD/thùng. Giá dầu thô Brent giảm 0,36 USD (-0,57%), xuống 63,16 USD/thùng.

Tin bài liên quan