Giới đầu tư thấp thỏm với những căng thẳng địa chính trị

Giới đầu tư thấp thỏm với những căng thẳng địa chính trị

(ĐTCK) Không chỉ ở Trung Đông, nhà đầu tư còn hướng sự theo dõi tới bán đảo Triều Tiên khi hải quân Mỹ và Hàn Quốc chuẩn bị cuộc tập trận chung và bầu cử Tổng thống Pháp. Những mối lo này khiến thị trường tài chính toàn cầu có phiên giao dịch đầy biến động đầu tuần.
 

Ngoại trưởng Mỹ Rex Tillerson cho biết, các cuộc tấn công quân sự chống lại Syria là một cảnh báo cho các quốc gia khác, trong đó có Triều Tiên, rằng "một phản ứng có thể xảy ra" nếu các nước này gây nguy hiểm.

Những căng thẳng địa chính trị đã khiến giới đầu tư lo lắng và tiếp tục khiến phố Wall có phiên giao dịch đầy biến động đầu tuần. Dù vậy, chứng khoán Mỹ đã có lại được sắc xanh nhạt khi chốt phiên nhờ sự khởi sắc của nhóm cổ phiếu năng lượng khi những căng thẳng này giúp giá dầu thô tiếp tục tăng cao.

Ngoài căng thẳng địa chính trị, sự thận trọng của nhà đầu tư trước mùa công bố kết quả kinh doanh quý I cũng khiến phố Wall gặp khó khăn trong phiên khởi đầu tuần mới.

Kết thúc phiên 10/4, chỉ số Dow Jones tăng 1,92 điểm (+0,01%), lên 20.658,02 điểm. Chỉ số S&P 500 tăng 1,62 điểm (+0,07%), lên 2.357,16 điểm. Chỉ số Nasdaq tăng 3,11 điểm (+0,05%), lên 5.880,93 điểm.

Không chỉ phố Wall, chứng khoán châu Âu cũng chịu áp lực do căng thẳng địa chính trị ở Trung Đông và bất ổn chính trị ở châu Âu với tâm điểm là cuộc bầu cử Tổng thống Pháp. Những lo lắng này đã khiến chứng khoán châu Âu đảo chiều giảm điểm, nhưng nhờ sự hỗ trợ của nhóm cổ phiếu năng lượng, nên đà giảm không quá mạnh, mức giảm mạnh nhất thuộc về chứng khoán Pháp khi mất hơn 0,5%.

Kết thúc phiên 10/4, chỉ số FTSE 100 tại Anh giảm 0,43 điểm (-0,01%), xuống 7.348,94 điểm. Chỉ số DAX tại Đức giảm 24,54 điểm (-0,20%), xuống 12.200,52 điểm. Chỉ số CAC 40 tại Pháp giảm 27,83 điểm (-0,54%), xuống 5.107,45 điểm.

Trên thị trường chứng khoán châu Á, việc đồng yên tiếp tục giảm so với đồng USD tiếp tục hỗ trợ cho các cổ phiếu xuất khẩu của Nhật Bản. Bên cạnh đó, việc lợi suất trái phiếu chính phủ Mỹ tăng cũng kéo nhóm cổ phiếu ngân hàng, tài chính tăng, qua đó giúp chứng khoán Nhật Bản tiếp tục duy trì đà tăng, với biên độ tăng mạnh hơn phiên cuối tuần trước.

Trong khi đó, mối lo về tình hình Syria khiến các nhà đầu tư trên thị trường chứng khoán Hồng Kông không giám mạo hiểm, khiến thị trường chứng khoán đặc khu này tiếp tục có phiên lình xình và đóng cửa gần như không đổi trong phiên đầu tuần mới, giống như phiên cuối tuần trước.

Chứng khoán Trung Quốc đại lục sau chuỗi tăng điểm ấn tượng trước đó với thông tin về việc nước này có kế hoạch xây dựng một đặc khu kinh tế mới tại tỉnh Hà Bắc, đã đảo chiều giảm khá mạnh trở lại trong phiên đầu tuần do nhóm cổ phiếu của doanh nghiệp trả cổ tức ít bị bán mạnh.

Kết thúc phiên 10/4, chỉ số Nikkei 225 tại Nhật Bản tăng 133,25 điểm (+0,71%), lên 18.797,88 điểm. Chỉ số Hang Seng tại Hồng Kông giảm 5,12 điểm (-0,02%), xuống 24.262,18 điểm. Chỉ số Shanghai Composite tại Thượng Hải giảm 17,22 điểm (-0,52%), xuống 3.269,39 điểm.

Trên thị trường vàng, sau khi giảm điểm trong phiên châu Á và châu Âu do đồng USD tăng, giá vàng đã dần phục hồi trở lại trong phiên Mỹ khi chứng khoán Mỹ đảo chiều khi những căng thẳng địa chính trị ở Trung Đông, bán đảo Triều Tiên và bất ổn chính trị tại châu Âu trở thành lực đỡ cho giá vàng.

Kết thúc phiên 10/4, giá vàng giao ngay tăng 0,6 USD (+0,05%), lên 1.254,4 USD/ounce. Giá vàng tương lai giao tháng 6 giảm 2,2 USD (-0,18%), xuống 1.253,9 USD/ounce.

Việc Mỹ không kích Syria cuối tuần trước tiếp tục hỗ trợ tích cực cho giá dầu thô, giúp giá nhiên liệu này duy trì đà tăng mạnh trong phiên đầu tuần mới, trong đó giá dầu thô Mỹ vượt qua ngưỡng 53 USD/thùng, cao nhất 5 tuần.

Kết thúc phiên 10/4, giá dầu thô Mỹ tăng 0,84 USD/thùng (+1,58%), lên 53,08 USD/thùng, giá dầu thô Brent tăng 0,74 USD (+1,32%), lên 55,98 USD/thùng.

Tin bài liên quan