Tuần tới sẽ là tuần quan trọng với phố Wall (Ảnh minh họa: AFP)

Tuần tới sẽ là tuần quan trọng với phố Wall (Ảnh minh họa: AFP)

Giới đầu tư thận trọng trước báo cáo kết quả kinh doanh

(ĐTCK) Tuần tới, các doanh nghiệp niêm yết tại Mỹ và châu Âu sẽ chính thức bước vào mùa công bố kết quả kinh doanh với dự đoán không mấy khả quan, do đó giới đầu tư tỏ ra rất thận trọng trong phiên cuối tuần.

Mùa công bố kết quả kinh doanh quý I/2016 sẽ chính thức bắt đầu vào tuần mới với dự đoán kết quả kinh doanh của các doanh nghiệp Mỹ sẽ có quý thấp nhất kể từ năm 2009.

Mở hàng cho mùa công bố kết quả quý này là các tên tuổi lớn trong làng công nghệ như Alphabet, IBM, Intel, cũng như một loạt các tên tuổi tiêu dùng như Starbucks, yum Brands  và Coca-Cola.

Chính vì vậy, giới đầu tư tỏ ra rất thận trọng trong phiên giao dịch cuối tuần. Ngoài ra, sau các phiên tăng liên tiếp trước đó, giá dầu thô đã có 3 phiên điều chỉnh trước cuộc gặp của các nhà sản xuất lớn tại Doha vào Chủ nhật cũng tác động không tích cực tới thị trường chứng khoán.

Phố Wall chốt tuần trong sắc đỏ, nhưng mức giảm cũng rất khiêm tốn, không ảnh hưởng nhiều tới kết quả chung tích cực của cả tuần.

Kết thúc phiên 15/4, chỉ số Dow Jones giảm 28,97 điểm (-0,16%), xuống 17.897,46 điểm. Chỉ số S&P 500 giảm 2,05 điểm (-0,10%), xuống 2.080,73 điểm. Chỉ số Nasdaq giảm 7,67 điểm (-0,16%), xuống 4.938,22 điểm.

Sau tuần điều chỉnh, phố Wall đã lấy lại đà tăng trong tuần qua. Cụ thể, trong tuần, chỉ số Dow Jones tăng 1,82%, chỉ số S&P 500 tăng 1,62% và chỉ số Nasdaq tăng 1,80%.

Tương tự, chứng khoán châu Âu cũng đóng cửa trong sắc đỏ trong phiên cuối tuần do chịu tác động của nhóm cổ phiếu năng lượng khi giá dầu giảm và sự sụt giảm mạnh của cổ phiếu nhà sản xuất phụ tùng xe hơi của Pháp Faurecia.

Kết thúc phiên 15/4, chỉ FTSE 100 tại Anh giảm 21,35 điểm (-0,34%), xuống 6.343,75 điểm. Chỉ số DAX tại Đức giảm 42,08 điểm (-0,42%), xuôngs 10.051,57 điểm. Chỉ số CAC 40 tại Phát giảm 16,34 điểm (-0,36%), xuống 4.495,17 điểm.

Trong tuần, chỉ số FTSE 100 tăng 2,25%, trong khi chỉ số DAX tăng 4,68% sau 3 tuần giảm liên tiếp. Tương tự, chỉ số CAC 40 cũng tăng trở lại 4,46% sau 3 tuần giảm liên tiếp.

Trên thị trường chứng khoán châu Á, dữ liệu kinh tế tích cực của Trung Quốc tiếp tục được công bố. Theo đó, GDP quý I/2016 của Trung Quốc tăng 6,7% so với năm trước, tạo kỳ vọng và cơ sở để dự đoán sự suy thoái của nền kinh tế lớn thứ hai thế giới có thể được chạm đáy.

Tuy nhiên, thông tin tích cực này đã được phản ánh vào thị trường trong các phiên trước đó, nên trong phiên cuối tuần các thị trường chứng khoán châu Á đã bị chốt lời và quay đầu giảm điểm. Trong đó, chứng khoán Hồng Kông chấm dứt chuỗi 7 phiên tăng liên tiếp.

Kết thúc phiên 15/4, chỉ số Nikkei 225 giảm 63,02 điểm (-0,37%), xuống 16.848,03 điểm. Chỉ số Hang Seng tại Hồng Kông giảm 21,34 điểm (-0,10%), xuống 21.316,47 điểm. Chỉ số Shanghai Composite tại Trung Quốc giảm 4,24 điểm (-0,14%), xuống 3.078,12 điểm.

Sau mấy tuần giảm mạnh liên tiếp, chứng khoán Nhật Bản đã hồi phục mạnh mẽ trong tuần qua nhờ đồng yên giảm và dữ liệu kinh tế tốt từ Trung Quốc. Tương tự, chứng khoán Hồng Kông và Trung Quốc cũng tăng trở lại. Chốt tuần, chỉ số Nikkei 225 tăng 6,49%, chỉ số Hang Seng tăng 4,68% và chỉ số Shanghai Composite tăng 3,12%.

Kết thúc phiên 15/4, giá vàng giao ngay tăng 6,5USD (+0,53%), lên 1.234,10 USD/ounce. Giá vàng tương lai giao tháng 6 tăng 9,3 USD (+0,76%), lên 1.235,8 USD/ounce.

Sau 2 tuần tăng liên tiếp, giá vàng đã điều chỉnh nhẹ trở lại trong tuần qua. Cụ thể, trong tuần, giá vàng giao ngay và giá vàng giao tháng 6 cùng giảm 0,35%.

Tuần này, chỉ có 748 người tham gia so với 1.287 của tuần trước. Trong đó, có 493 lượt người, chiếm 66% lạc quan về giá vàng trong tuần mới (thấp hơn con số 80% của tuần trước); 185 người, chiếm 25% dự đoán giá vàng sẽ giảm và 70 người, tương đương 9% giữ quan điểm trung tính.

Không chỉ các nhà đầu tư, mà giới chuyên gia cũng có cái nhìn kém lạc quan hơn về giá vàng trong tuần mới. Cụ thể, trong cuộc khảo sát 36 chuyên gia, có 17 người trả lời, trong đó chỉ có 4 người, tương đương 24% có cái nhìn lạc quan về xu hướng của giá vàng, trong khi có 8 người, chiếm 47% dự đoán giá kim loại quý sẽ giảm và 5 nhà phân tích, tương đương 29% giữ quan điểm trung lập.

Với những thông tin trái chiều về khả năng đạt được thỏa thuận đóng băng sản lượng trong cuộc gặp của các nhà sản xuất lớn tại Doha vào Chủ nhật này, giá dầu thô tiếp tục có phiên giảm thứ 3 liên tiếp trong phiên cuối tuần, với mức giảm mạnh hơn 2 phiên trước. Tuy nhiên, 3 phiên giảm không đủ lấy đi hết 2 phiên khởi sắc đầu tuần, nên giá dầu thô Mỹ tiếp tục có tuần tăng giá thứ 8 liên tiếp.

Kết thúc phiên 15/4, giá dầu thô Mỹ giảm 1,14 USD (-2,82%), xuống 40,36 USD/thùng. Giá dầu thô Brent giảm 0,74 USD (-1,72%), xuống 43,10 USD/thùng.

Trong tuần, giá dầu thô Mỹ tăng 1,61% và giá dầu thô Brent cũng tăng tới 2,77%. Với tuần tăng vừa qua, giá dầu thô Mỹ đã có tuần tăng thứ 8 liên tiếp.

Tin bài liên quan