Ảnh minh họa: AFP

Ảnh minh họa: AFP

Giới đầu tư nín thở chờ tin Hy Lạp

(ĐTCK) Chứng khoán Âu, Mỹ, giá vàng và thậm chí cả giá dầu lình xình trong phiên giao dịch cuối tuần khi giới đầu tư đang chờ đợi kết quả cuộc đàm phán được coi là cuối cùng nhằm giải cứu Hy Lạp tránh khỏi nguy cơ vỡ nợ.

Trong ngày thứ Sáu, 1 ngày trước cuộc họp của các bộ trưởng tài chính khu vực đồng euro có tính quyết định tới số phận Hy Lạp, Athens đã bác bỏ một phần gói cứu trợ ngắn hạn 5 tháng.

Hy Lạp cần gói cứu trợ mới để trả khoản nợ 1,8 tỷ USD cho Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) trong ngày 30/6, nếu không quốc gia này sẽ vỡ nợ và rời khỏi khu vực đồng euro.

Về dữ liệu kinh tế Mỹ, trong phiên cuối tuần, không có nhiều thông tin kinh tế quan trọng được công bố. Chỉ số niềm tin người tiêu dùng tháng 6 do Đại học Michigan công bố được điều chỉnh lên mức 96,1, cao hơn mức 94,6 lúc công bố sơ bộ.

Các thông tin ít ỏi và chờ đợi cuộc họp vào ngày thứ Bảy về tình hình nợ Hy Lạp khiến giới đầu tư phố Wall thận trọng trong phiên cuối tuần. Các chỉ số chỉ yếu đóng cửa với mức tăng giảm nhẹ, ngoại trừ Nasdaq giảm khá mạnh do ảnh hưởng từ kết quả kinh doanh đáng thất vọng của nhà sản xuất chip Micron Technology Inc (MU.O).

Kết thúc phiên 26/6, chỉ số Dow Jones tăng 56,32 điểm (+0,31%), lên 17.946,68 điểm. Chỉ số S&P 500 giảm 0,82 điểm (-0,04%), xuống 2.101,49 điểm. Chỉ số Nasdaq giảm 31,68 điểm (-0,62%), xuống 5.080,51 điểm.

Trong tuần, chỉ số Dow Jones giảm 0,38%, chỉ số SP 500 giảm 0,4%, chỉ số Nasdaq giảm 0,71%.

Tương tự phố Wall, giới đầu tư trên thị trường chứng khoán châu Âu cũng thận trọng trong p hiên cuối tuần đề nghe ngóng kết quả cuộc họp của các bộ trưởng tài chính eurozone vào thứ Bảy. Dù vậy, với những phiên tăng điểm mạnh hôm thứ Ba và thứ Tư sau khi vấn đề Hy Lạp có hy vọng tháo gỡ đã giúp chứng khoán Đức và Pháp có tuần tăng điểm ấn tượng.

Kết thúc phiên 26/6, chỉ số FTSE 100 tại Anh giảm 54,12 điểm (-0,79%), xuống 6.753,70 điểm. Chỉ số DAX tại Đức tăng 19,30 điểm (+0,17%), lên 11.492,43 điểm. Chỉ số CAC 40 tại Pháp tăng 17,46 điểm (+0,35%), lên 5.059,17 điểm.

Trong tuần, chỉ số FTSE 100 tăng 0,64%, chỉ số DAX tăng 4,1% và chỉ số CAC 40 tăng 5,06%.

Trong khi chứng khoán Âu, Mỹ phiên động nhẹ trong phiên cuối tuần, thì chứng khoán châu Á lại có phiên giao dịch cuối tuần đáng thất vọng.

Chứng khoán Nhật Bản giảm nhẹ khi giới đầu từ thận trọng trước cuộc họp về tình hình nợ Hy Lạp. Trong khi đó, chứng khoán Trung Quốc lại có phiên cuối tuần hoảng loạn, thậm chí là tệ hơn phiên cuối tuần trước khi mất tới 7,4%, mức giảm mạnh nhất kể từ năm 2008 khi giới đầu tư không chắc chắn về chính sách tiền tệ nới lỏng của Bắc Kinh.

Phiên sụt giảm mạnh của chứng khoán đại lục đã ảnh hưởng tiêu cực tới chứng khoán Hồng Kông, khiến thị trường chứng khoán đặc khu này cũng giảm khá mạnh trong phiên cuối tuần, đánh mất hoàn toàn những nỗ lực đã đạt được trong cả tuần.

Kết thúc phiên 26/6, chỉ số Nikkei 225 tại Nhật Bản giảm 65,25 điểm (-0,31%), xuống 20.706,15 điểm. Chỉ số Hang Seng tại Hồng Kông giảm 481,88 điểm (-1,78%), xuống 26.663,87 điểm. Chỉ số Shanghai Composite tại Trung Quốc giảm 334,91 điểm (-7,40%), xuống 4.192,87 điểm.

Trong tuần, chỉ số Nikkei 225 tăng 2,64%, trong khi chỉ số Hang Seng giảm 0,36% và chỉ số Shanghai Composite tiếp tục giảm mạnh 6,37%.

Tương tự thị trường chứng, giá vàng cũng giao động nhẹ trong phiên cuối tuần. Có lúc giá kim loại quý này giảm xuống ngưỡng 1.170 USD/ounce do đồng USD tăng trở lại, nhưng sau đó đã hồi phục khi tình hình Hy Lạp có vẻ không khả quan.

Kết thúc phiên 26/6, giá vàng giao ngay tăng 1,3 USD (+0,11%), lên 1.174,2 USD/ounce. Giá vàng tương lai giao tháng 6 giảm 1,0 USD/ounce (-0,09%), xuống 1.170,5 USD/ounce. Giá vàng giao tháng 8 tăng 1,9 USD/ounce (+0,16%), lên 1.173,7 USD/ounce.

Trong tuần, giá vàng giao ngay giảm 2,17%, giá vàng giao tháng 6 giảm 2,48% và giá vàng giao tháng 8 giảm 2,18%.

Mặc dù thông tin Hy Lạp vẫn được xem là thông tin đáng chú ý hiện nay với các thị trường, nhưng tuần tới, thông tin được xem là quan trọng nhất mà giới đầu tư chờ đợi là bảng lương phi nông nghiệp tháng 6 của Mỹ sẽ được công bố hôm thứ Năm, sớm hơn 1 ngày so với thường lệ do thứ Sáu là ngày Quốc khánh Mỹ.

Hầu hết các nhà đầu tư nhỏ lẻ đều dự đoán vàng sẽ tiếp tục giảm trong tuần tới, trong khi giới chuyên gia lại có cái nhìn cân bằng hơn.

Cụ thể, theo khảo sát trực tuyến của Kitco tuần này, có 292 người tham gia, trong đó có 140, chiếm 48% dự đoán vàng giảm trong tuần tới; 115 người, chiếm 39% lạc quan về giá vàng và 37 người, chiếm 13% giữ quan điểm trung tính.

Còn trong số 33 chuyên gia được liên lạc, có 19 người trả lời, trong đó có 7 người, chiếm 37% là lạc quan về vàng trong tuần tới; 6 chuyên gia, chiếm 31% dự báo giá vàng sẽ thấp và 6 có quan điểm trung tính.

Giá dầu thô tiếp tục xu hướng lình xình trong biên độ hẹp của các phiên gần đây. Việc đồng USD tăng trở lại trong khi thông tin trái chiều về các kho dự trữ dầu thô và xăng của Mỹ khiến giá nhiên liệu này duy trì ở mức ổn định quanh 60 USD/thùng.

Kết thúc phiên 26/6, giá dầu thô Mỹ giảm 0,07 USD/thùng (-0,12%), xuống 59,63 USD/thùng. Giá dầu thô Brent tăng 0,06 USD (+0,09%), lên 63,26 USD/thùng.

Trong tuần, giá dầu thô Mỹ tăng 0,03%, giá dầu thô Brent tăng 0,38%.

Tin bài liên quan