Chiến thắng của ứng cử viên trung lập Emmanuel Macron theo khuynh hướng ủng hộ châu Âu không làm giới đầu tư ngạc nhiên. Phản ứng của các nhà quản lý tiền tệ Pháp sau chiến thắng của ông Macron đơn giản là câu trả lời “Chúng tôi đã dự đoán kết quả này từ trước” và đó cũng là điều mà các nhà đầu tư Mỹ tin tưởng.
Chiến thắng của ông Macron đã xoa dịu nỗi lo về sự đổ vỡ của Liên minh châu Âu (EU), khi ứng cử viên theo đường lối cực hữu Marine Le Pen từng được coi là “Donald Trump” mới của châu Âu và là người có thể tạo ra các cú sốc thậm chí còn lớn hơn đối với sự nhất thể hóa của EU.
Khi niềm tin được củng cố, không ít nhà đầu tư Mỹ bắt đầu rót tiền trở lại châu Âu. Số liệu thống kê của Ngân hàng UBS cho thấy, dòng tiền trung bình mỗi ngày đổ vào các quỹ giao dịch chứng khoán châu Âu đã tăng lên hơn 570 triệu USD kể từ khi ông Macron giành chiến thắng trong vòng một cuộc bầu cử Tổng thống Pháp, so với mức trung bình 130 triệu USD/ngày trong vòng 12 tháng qua.
Sự quan tâm đối với chứng khoán châu Âu trao cho các nhà đầu tư Mỹ một vai trò rất quan trọng trong việc giúp xác định liệu thị trường chứng khoán Mỹ có mở rộng màn trình diễn thuyết phục của mình ra ngoài biên giới, đặc biệt là tại khu vực châu Âu hay không.
Theo dữ liệu phân tích dòng chảy đầu tư của JPMorgan Chase, một điểm đáng chú ý khác là các nhà đầu tư châu Âu - những người kiểm soát khoảng một nửa tài sản trên thị trường chứng khoán “lục địa già”, đã bắt đầu đưa trở lại thị trường chứng khoán lượng tiền mà họ rút ra trong năm ngoái.
Bên cạnh đó, các nhà đầu tư Mỹ - những người chiếm khoảng 16% tài sản trên thị trường châu Âu, đã tái đầu tư khoảng 20% số tiền mà họ rút ra khỏi khu vực này trong năm 2016.
“Các nhà đầu tư Mỹ đã chứng minh khả năng xoay chuyển tình hình của mình tại châu Âu một cách nhanh chóng”, Nick Nelson - Trưởng bộ phận chiến lược đầu tư chứng khoán châu Âu tại UBS nhận xét.
Kể từ sau sự kiện cử tri Vương quốc Anh lựa chọn rời khỏi EU (hay còn gọi là Brexit), chứng khoán châu Âu luôn chìm trong nỗi lo khó có thể giải tỏa, thậm chí chỉ số chứng khoán rớt xuống đáy trong năm 2016. Nỗi lo ngại của nhà đầu tư được giải tỏa một phần sau cuộc bầu cử Tổng thống Pháp.
Thêm vào đó, môi trường kinh tế được cải thiện, nguy cơ giảm phát được loại bỏ, tăng trưởng lợi nhuận hai con số của nhiều doanh nghiệp trong quý I/2017 là những nhân tố quan trọng giúp thị trường chứng khoán châu Âu phục hồi.
Mối tương quan giữa chứng khoán Mỹ và chứng khoán châu Âu trở nên rõ nét hơn. Thị trường chứng khoán Mỹ càng duy trì được đà lên giá lâu thì giới đầu tư càng có cơ sở đặt niềm tin vào việc mua vào cổ phiếu tương tự trên thị trường châu Âu.
Chỉ số chứng khoán tổng hợp Stoxx Europe 600 - thước đo tiêu chuẩn cho chứng khoán khu vực, đã tăng 27% kể từ mức thấp kỷ lục hồi tháng 6/2016. Trong giai đoạn này, chỉ số S&P 500 của Mỹ ghi nhận mức tăng 19%.
Tuy nhiên, giới phân tích cũng chỉ ra một số rủi ro “vật lý” đối với chứng khoán châu Âu là nguy cơ kinh tế Mỹ và các thị trường đang nổi tăng trưởng chậm lại, bởi lẽ các công ty châu Âu đặc biệt dễ bị tổn thương trước những biến động của kinh tế thế giới.
Bên cạnh đó, các nhà đầu tư Mỹ sẽ tiếp tục quan sát sự vận động của môi trường chính trị châu Âu. Nếu Tổng thống Pháp có thể đưa ra các cải cách thực sự giúp thúc đẩy nền kinh tế nước này thì đó sẽ là một tín hiệu tốt. Ngược lại, chiến thắng của ông Macron chưa đủ để các nhà đầu tư Mỹ đặt cược dài hạn vào thị trường châu Âu.