Ảnh minh họa: AFP

Ảnh minh họa: AFP

Giới đầu tư lại thích đánh cược

(ĐTCK) Kỳ vọng ECB, BOJ, PBOC sẽ tung gói kích thích kinh tế mới, còn Fed sẽ hoãn kế hoạch tăng lãi suất, các nhà đầu tư chứng khoán vội vàng mua vào mạnh, đẩy một số thị trường chứng khoán lớn tăng lên mức cao nhất 2 tháng trong phiên cuối tuần.

Sau phiên tăng mạnh trước đó, phố Wall giao dịch khá giằng co trong phiên cuối tuần, trước khi bứt lên ở những phút cuối nhờ dữ liệu niềm tin tiêu dùng lạc quan, kết quả kinh doanh quý III khả quan của một số tập đoàn lớn.

Sau Citi group, phố Wall lại được hỗ trợ bởi kết quả kinh doanh khả quan của General Electric. Trong phiên cuối tuần, cổ phiếu này tăng 3,4%, lên mức cao nhất 7 năm sau khi Tập đoàn báo cáo kết quả kinh doanh quý III khả quan hơn dự báo.

Trong khi đó, theo dữ liệu sơ bộ được công bố từ Đại học Michigan, chỉ số niềm tin người tiêu dùng Mỹ trong tháng 10 tăng mạnh trở lại. Tuy nhiên, một báo cáo khác lại cho thấy, sản xuất công nghiệp trong tháng 9 của Mỹ giảm tháng thứ 2 liên tiếp.

Trong cuộc họp tháng trước, Fed đã không quyết định tăng lãi suất để chờ đợi các dữ liệu kinh tế, cũng như sự ảnh hưởng của kinh tế toàn cầu đến kinh tế Mỹ. Nhà đầu tư đang chờ đợi cuộc họp vào cuối tháng 10 của Fed và kỳ vọng, với các dữ liệu kinh tế kém khả quan vừa công bố, Fed sẽ không tăng lãi suất trong năm nay.

Dự báo về lợi nhuận của các công ty trong S&P 500 được cải thiện đôi chút sau khi kết quả khả quan của một số tập đoàn được công bố. Theo số liệu của Thomson Reuters, thu nhập trong quý III của các doanh nghiệp dự kiến giảm 3,9% so với mức giảm 4,8% như số liệu đưa ra hôm thứ Hai.

Kết thúc phiên 16/10, chỉ số Dow Jones tăng 74,22 điểm (+0,43%), lên 17.215,97 điểm. Chỉ số S&P 500 tăng 9,25 điểm (+0,46%), lên 2.033,11 điểm. Chỉ số Nasdaq tăng 16,59 điểm (+0,34%), lên 4.886,69 điểm.

Với 2 phiên tăng tốt cuối tuần, phố Wall đã có được tuần tăng điểm thứ 3 liên tiếp. Cụ thể, trong tuần, Dow Jones tăng 0,77%, S&P 500 tăng 0,9% và Nasdaq tăng 1,16%.

Trên thị trường châu Âu, theo số liệu vừa công bố, chỉ số CPI trong tháng 9 của khu vực đồng euro giảm so với cùng kỳ năm trước do giá năng lượng giảm, duy trì áp lực cho ECB phải tung gói kích thích kinh tế tiếp theo để tránh khu vực này đối mặt với giảm phát.

Chính kỳ vọng về khả năng Ngân hàng Trung ương châu Âu (ECB) tung gói kích thích kinh tế tiếp theo đã khiến nhà đầu tư tự tin xuống tiền, đẩy chứng khoán châu Âu tăng lên mức cao nhất 5 tuần trong phiên cuối tuần.

Ngoài ra, cũng giống chứng khoán Mỹ, chứng khoán châu Âu còn được hỗ trợ bởi kết quả kinh doanh khi nhà bán lẻ lớn nhất châu Âu Carrefour công bố doanh thu bán hàng tăng trong quý III.

Kết thúc phiên 16/10, chỉ số FTSE 100 tại Anh tăng 39,37 điểm (+0,62%), lên 6.378,04 điểm. Chỉ số DAX tại Đức tăng 39,63 điểm (+0,39%), lên 10.104,43 điểm. Chỉ số CAC 40 tại Pháp tăng 27,50 điểm (+0,59%), lên 4.702,79 điểm.

Trong tuần, chỉ số FTSE 100 giảm 0,59%, trong khi DAX và CAC 40 chỉ tăng nhẹ 0,08% và 0,03%.

Trên thị trường chứng khoán châu Á, chứng khoán Nhật Bản tiếp tục tăng tốt trong phiên cuối tuần khi giới đầu tư kỳ vọng Ngân hàng Trung ương Nhật Bản (BOJ) sẽ tung ra gói kích thích kinh tế trong cuộc họp chính sách diễn ra vào ngày 30/10 này nhằm tránh cho nền kinh tế lớn thứ 3 thế giới khỏi tình trạng giảm phát.

Tương tự, cũng kỳ vọng vào Ngân hàng Nhân dân Trung Quốc (PBOC) tung ra gói kích thích kinh tế, chứng khoán Hồng Kông và Trung Quốc đại lục tiếp tục tăng mạnh, trong đó chứng khoán Hồng Kông lên mức cao nhất 2 tháng.

Kết thúc phiên 16/10, chỉ số Nikkei 225 tại Nhật Bản tăng 194,9 điểm (+1,08%), lên 18.291,80 đểm. Chỉ số Hang Seng tại Hồng Kông tăng 179,20 điểm (+0,78%), lên 23.067,37 điểm. Chỉ số Shanghai Composite tăng 53,28 điểm (+1,6%), lên 3.391,35 điểm.

Dù tăng tốt trong 2 phiên cuối tuần, nhưng với việc giảm mạnh trong các phiên trước đó do lo lắng về dữ liệu kinh tế kém khả quan, nên chứng khoán Nhật Bản không tránh khỏi tuần giảm điểm, trong khi chứng khoán Hồng Kông, đặc biệt là Trung Quốc đại lục lại có mức tăng mạnh. Cụ thể, trong tuần, chỉ số Nikkei 225 giảm 0,8%, chỉ số Hang Seng tăng 2,71% và chỉ số Shanghai Composite tăng 6,54%.

Các dữ liệu kinh tế yếu kém đã làm gia tăng khả năng Fed sẽ không tăng lãi suất trong năm nay đã hỗ trợ tích cực cho giá vàng trong tuần này. Theo mô hình tính toán, GDP của Mỹ trong quý III được dự báo sẽ yếu, càng củng cố khả năng Fed không tăng lãi suất.

Trong phiên cuối tuần, sau khi giao dịch ở mức cao nhất 3,5 tháng, giá vàng đã bị chốt lời và quay đầu giảm trở lại. Dù vậy, với các phiên tăng trước đó, vàng vẫn có tuần tăng giá ấn tượng.

Kết thúc phiên 16/10, giá vàng giao ngay giảm 5,7 USD (-0,48%), xuống 1.177,7 USD/ounce. Giá vàng tương lai giao tháng 12 giảm 10,4 USD (-0,88%), xuống 1.177,1 USD/ounce.

Chốt tuần, giá vàng giao ngay tăng 1,84%, trong khi giá vàng giao tháng 12 cũng có mức tăng 1,83%.

Tuần này, trong số 288 người tham gia cuộc khảo sát trực tuyến của Kitco, có 225 người, tương đương 78% tiếp tục cho rằng vàng sẽ tăng giá trong tuần tới, chỉ có  45 người, tương đương 16% dự đoán giá vàng sẽ giảm trở lại và 18 người, chiếm 6% giữ quan điểm trung tính.

Còn theo cuộc khảo sát của các chuyên gia. Trong số 35 chuyên gia được hỏi, có 15 người trả lời, trong đó có 8, tương đương 57% nhận định giá vàng sẽ tăng trong tuần tới, 5 chuyên gia, chiếm 29% dự đoán giá vàng sẽ giảm và 2 người, chiếm 14% giữ quan điểm trung lập.

Tuần tới, nhà đầu tư sẽ hướng về các bài phát biểu của quan chức Fed và diễn biến của đồng USD. Đây là những yếu tố tác động mạnh tới thị trường vàng.

Giá dầu tăng mạnh trở lại trong phiên cuối tuần sau chuỗi 4 ngày giảm trước đó nhờ thông tin số lượng giàn khoan của Mỹ trong tuần trước giảm, đánh dấu tuần giảm thứ 7 liên tiếp. Tuy nhiên, với 4 phiên giảm trước đó, chốt tuần, giá dầu thô vẫn có tuần giảm mạnh.

Kết thúc phiên 16/10, giá dầu thô Mỹ tăng 0,88 USD/thùng (+1,86%), lên 47,26 USD/thùng. Giá dầu thô Brent tăng 0,02 USD (+0,04%), lên 48,73 USD/thùng. Trong tuần, giá dầu thô Brent giảm 4,3%, giá dầu thô Mỹ giảm 4,8%.

Tin bài liên quan