Giới đầu tư lạc quan với vàng, chứng khoán gặp khó

Giới đầu tư lạc quan với vàng, chứng khoán gặp khó

(ĐTCK) Dữ liệu kinh tế kém khả quan, cùng diễn biến địa chính trị bất lợi vừa diễn ra khiến chứng khoán gặp khó, trong khi đây là thông tin tích cực cho giá vàng trong tuần mới.

Phố Wall tiếp tục sụt giảm trong phiên cuối tuần khi doanh số bán lẻ tháng 4 tăng 0,4% so với tháng trước, thấp hơn dự kiến.

Ngoài ra, kết quả kinh doanh của một số doanh nghiệp vừa công bố trong ngày kém khả quan cũng ảnh hưởng tiêu cực tới phố Wall.

Kết thúc phiên 12/5, chỉ số Dow Jones giảm 22,81 điểm (-0,11%), xuống 20.896,61 điểm. Chỉ số S&P 500 giảm 3,54 điểm (-0,15%), xuống 2.390,90 điểm. Chỉ số Nasdaq tăng 5,27 điểm (+0,09%), lên 6.121,23 điểm.

Như vậy, sau chuỗi 3 tuần tăng liên tiếp, với những lo lắng về triển vọng kinh tế, cùng việc Tổng thống Mỹ bấ ngờ sa thải Giám đốc FBI đã khiến phố Wall đảo chiều giảm trong tuần vừa qua. Cụ thể, trong tuần qua, chỉ số Dow Jones giảm 0,53%, S&P 500 giảm 0,35%, trong khi Nasdaq vẫn duy trì đà tăng 0,76%.

Trong khi đó, trái ngược với chứng khoán Mỹ, chứng khoán châu Âu lại hồi phục tốt trong phiên cuối tuần nhờ đà tăng từ nhóm cổ phiếu năng lượng, tài chính.

Kết thúc phiên 12/5, chỉ số FTSE 100 tại Anh tăng 48,76 điểm (+0,66%), lên 7.435,39 điểm. Chỉ số DAX tại Đức tăng 59,35 điểm (+0,47%), lên 12.770,41 điểm. Chỉ số CAC 40 tại Pháp tăng 22 điểm (+0,41%), lên 5.405,42 điểm.

Chứng khoán châu Âu lại có sự trái chiều trong tuần qua sau 2 tuần tăng đồng thuận liên tiếp. Cụ thể, trong tuần qua, chỉ số FTSE 100 tăng 1,89%, chỉ số DAX tăng 0,42%, thì chỉ số CAC 40 đảo chiều giảm 0,50%.

Trên thị trường chứng khoán châu Á, chứng khoán Nhật Bản điều chỉnh giảm nhẹ trở lại từ mức cao nhất 17 tháng trong phiên cuối tuần khi đồng yên tăng mạnh trở lại.

Trong khi đó, chứng khoán Hồng Kông tiếp tục duy trì đà tăng nhờ dòng tiền chảy mạnh từ Trung Quốc đại lục, lên mức cao nhất 21 tháng và có tuần tăng mạnh nhất 2 tháng. Chứng khoán Trung Quốc cũng bật tăng mạnh trở lại trong phiên cuối tuần, nhưng không tránh khỏi tuần giảm thứ 5 liên tiếp.

Kết thúc phiên 12/5, chỉ số Nikkei 225 tại Nhật Bản giảm 77,65 điểm (-0,39%), xuống 19.883,90 điểm. Chỉ số Hang Seng tại Hồng Kông tăng 30,79 điểm (+0,12%), lên 25.156,34 điểm. Chỉ số Shanghai Composite tại Thượng Hải tăng 21,86 điểm (+0,71%), lên 3.083,36 điểm.

Trong tuần, chỉ số Nikkei 225 tăng 2,25%, chỉ số Hang Seng tăng 2,78%, trong khi chỉ số Shanghai Composite vẫn giảm 0,64%.

Những lo lắng về tăng trưởng kinh tế Mỹ, cùng với việc Tổng thống Trump sa thải Giám đốc FBI khiến vàng tự nhiên có được thông tin hỗ trợ để có chuỗi 3 phiên tăng liên tiếp.

Kết thúc phiên 12/5, giá vàng giao ngay tăng 2,9 USD (+0,24%), lên 1.227,7 USD/ounce. Giá vàng tương lai giao tháng 6 tăng 3,6 USD (+0,29%), lên 1.227,8 USD/ounce.

Dù hồi phục trong những phiên cuối tuần, nhưng giá vàng tiếp tục có tuần giảm thứ 4 liên tiếp, nhưng mức giảm hạn chế hơn rất nhiều so với 3 tuần trước đó. Cụ thể, giá vàng giao ngay giảm 0,02% và giá vàng giao tháng 6 cũng chỉ giảm 0,05%.

Chuỗi 3 phiên tăng liên tiếp tuần qua, cùng với các thông tin kinh tế kém lạc quan mới công bố, đặc biệt là việc Triều Tiên vừa tiếp tục phóng thử tên lửa khiến giới đầu tư và nhà đầu tư đồng loạt có cái nhìn lạc quan về giá vàng trong tuần này sau 2 tuần thận trọng trước đó.

Cụ thể, trong cuộc thăm dò trực tiếp, có 17 chuyên gia thị trường trả lời (ít hơn tuần trước 3 người), có tới 12 người, chiếm 71% đánh giá tích cực về giá vàng, cao hơ nhiều con số 37% của tuần trước (cũng cao hơn nhiều con số 43% và 53% của 2 tuần trước đó nữa). Trong khi đó, chỉ có 2 người, chiếm 12% dự báo giá vàng sẽ giảm, thấp hơn nhiều con số 47% của tuần trước và 3 người còn lại, chiếm tỷ lệ 18% dự báo giá vàng sẽ đi ngang trong tuần này.

Tương tự, trong cuộc thăm dò trực tuyến, có 693 lượt độc giả tham gia, trong đó có 361 người, chiếm 52% dự đoán giá vàng sẽ tăng trong tuần này, cao hơn con số 48% của tuần trước, 239 lượt độc giả, chiếm 34% cho rằng giá vàng sẽ giảm, tháp hơn con số 41% của tuần trước và 93 người, chiếm 13% giữ quan điểm trung lập.

Giá dầu thô tiếp tục duy trì đà tăng trong phiên thứ Sáu tuần trước nhờ sản lượng dầu thô của Mỹ giảm và OPEC tiếp tục làm gia tăng kỳ vọng sẽ mở rộng thỏa thuận cắt giảm sản lượng trong cuộc họp diễn ra cuối tuần này.

Kết thúc phiên 12/5, giá dầu thô Mỹ tăng 0,01 USD/thùng (+0,02%), lên 47,84 USD/thùng, giá dầu thô Brent tăng 0,07 USD (+0,14%), lên 50,84 USD/thùng.

Sau 2 tuần giảm mạnh liên tiếp, giá dầu thô đã phục hồi tốt trong tuần vừa qua nhờ thông tin về kho dự trữ Mỹ giảm hơn dự kiến và OPEC tiếp tục cắt giảm sản lượng. Cụ thể, trong tuần, giá dầu thô Mỹ tăng 3,50%, giá dầu thô Brent tăng 3,54%.

Tin bài liên quan