Trên thị trường chứng khoán Mỹ, việc giá dầu thô tăng 3%, cùng giá đồng hồi phục trở lại từ mức thấp nhất 6 năm đã giúp nhóm cổ phiếu nguyên vật liệu và năng lượng tăng mạnh, hỗ trợ cho phố Wall hồi phục. Bên cạnh đó, việc Tập đoàn Berkshire Hathaway của tỷ phú Buffett cho biết, sẽ mua Precision Castparts trong 1 thỏa thuận có giá trị 32,3 tỷ USD, giúp cổ phiếu Precision Castparts tăng tới 19,1%, trong khi cổ phiếu của Berkshire Class B giảm 0,1%.
Chưa dừng lại ở đó, thị trường còn nhận được nhiều thông tin hỗ trợ khác. Tại châu Á, việc các dữ liệu kinh tế vừa công bố kém khả quan có thể khiến Bắc Kinh tung gói kích thích kinh tế trong nay mai, qua đó giúp chứng khoán Trung Quốc tăng mạnh gần 5% trong phiên đầu tuần, lan tỏa sự hưng phấn đến các nhà đầu tư trên thị trường chứng khoán toàn cầu, trong đó có phố Wall.
Tại châu Âu, nhiều khả năng Hy Lạp và các chủ nợ sẽ đi đến một thỏa thuận về gói cứu trợ tiếp theo, giúp xóa bỏ gần như hoàn toàn nỗi lo vỡ nợ và rời khỏi khu vực đồng tiền chung của quốc gia này.
Trong khi đó, việc Google tuyên bố thay đổi cơ cấu hoạt động bằng cách thành lập một công ty mới có tên gọi Alphabet Inc, trong đó sẽ bao gồm các bộ phận tìm kiếm và một số đơn vị khác, giúp cổ phiếu của đại gia công nghệ này tăng 4,8%.
Các thông tin hỗ trợ tích cực trên giúp phố Wall có phiên hồi phục tích cực, trong đó chỉ số S&P 500 có phiên tăng mạnh nhất kể từ tháng 5.
Kết thúc phiên 10/8, chỉ số Dow Jones tăng 241,79 điểm (+1,39%), lên 17.615,17 điểm. Chỉ số S&P 500 tăng 26,61 điểm (+1,28%), lên 2.104,18 điểm. Chỉ số Nasdaq tăng 58,25 điểm (+1,16%), lên 5.101,80 điểm.
Trong khi đó, do kết thúc sớm, nhóm cổ phiếu năng lượng trên thị trường chứng khoán châu Âu lại không được hưởng lợi từ việc giá dầu tăng mạnh. Tuy nhiên, bù lại, chứng khoán khu vực này lại được hỗ trợ bởi nhóm cổ phiếu tài chính, cùng thông tin tích cực từ Hy Lạp và khả năng về gói cứu trợ sắp tới của Bắc Kinh để vực dậy nền kinh tế lớn thứ 2 thế giới, cũng là thị trường tiêu thụ lớn nhất nhì của châu Âu.
Kết thúc phiên 10/8, chỉ số FTSE 100 tại Anh tăng 17,73 (+0,26%), lên 6.736,22 điểm. Chỉ số DAX tại Đức tăng 113,95 điểm (+0,99%), lên 11.604,78 điểm. Chỉ số CAC 40 tại Pháp tăng 40,66 điểm (+0,79%), lên 5.195,41 điểm.
Trên thị trường chứng khoán châu Á, như đã nói ở trên, kỳ vọng về gói cứu trợ kinh tế của Chính phủ giúp chứng khoán Trung Quốc có phiên tăng ấn tượng đầu tuần với mức tăng gần 5%, kéo chứng khoán Nhật Bản tăng theo. Trong khi đó, chứng khoán Hồng Kông lại chịu tác động trái chiều với việc cổ phiếu của các công ty đại lục niêm yết trên sàn này tăng mạnh với kỳ vọng có gói kích thích kinh tế của Bắc Kinh, trong khi phần còn lại thận trọng về dữ liệu kinh tế kém khả quan, cũng như khả năng Fed tăng lãi suất trong tháng 9.
Kết thúc phiên 10/8, chỉ số Nikkei 225 của Nhật Bản tăng 84,13 điểm (+0,41%), lên 20.808,69 điểm. Chỉ số Hang Seng tại Hồng Kông giảm 31,35 điểm (-0,13%), xuống 24.521,12 điểm. Chỉ số Shanghai Composite tại Trung Quốc tăng 184,21 điểm (+4,92%), lên 3.928,42 điểm.
Trên thị trường vàng, trong suốt phiên giao dịch đầu tuần, giá vàng gần như đi ngang dưới ngưỡng 1.100 USD/ounce trong phiên châu Á, châu Âu và nửa đầu phiên Mỹ. Tuy nhiên, với việc giá dầu hồi phục mạnh trở lại, cùng với việc đồng USD giảm xuống thấp nhất gần 2 tuần khiến lực mua bắt đáy gia tăng, đẩy vàng qua ngưỡng kháng cự tâm lỹ 1.100 USD/ounce.
Khi vượt qua ngưỡng cản này, lệnh mua tự động được kích hoạt, đẩy giá kim loại quý tăng mạnh hơn nữa, lên sát ngưỡng 1.110 USD/ounce trước khi hạ nhiệt trở lại vào cuối phiên. Dù vậy, đóng cửa phiên đầu tuần, giá vàng cũng leo lên được mức cao nhất 3 tuần.
Kết thúc phiên 10/8, giá vàng giao ngay tăng 10,3 USD (+0,94%), lên 1.104,1 USD/ounce. Giá vàng tương lai giao tháng 8 tăng 11,1 USD/ounce (+1,02%), lên 1.104,2 USD/ounce. Giá vàng tương lai giao tháng 12 tăng 10 USD (+0,91%), lên 1.104,1 USD/ounce.
Kỳ vọng về gói kích thích của Trung Quốc, cũng như đồng USD giảm mạnh, giá dầu thô hồi phục mạnh mẽ trở lại trong phiên đầu tuần, trong đó dầu thô Brent lấy lại được mốc 50 USD/thùng.
Kết thúc phiên 10/8, giá dầu thô Mỹ tăng 1,09 USD/thùng (+2,42%), lên 44,96 USD/thùng. Giá dầu thô Brent tăng 1,80 USD (+3,57%), lên 50,41 USD/thùng.