Phố Wall có tháng tăng tốt nhất kể từ tháng 2 - Ảnh: Reuters

Phố Wall có tháng tăng tốt nhất kể từ tháng 2 - Ảnh: Reuters

Giới đầu tư đánh cược với rủi ro khủng bố và căng thẳng Ukraine

(ĐTCK) Bất chấp những cảnh báo về nguy cơ khủng bố khi Mỹ mở rộng các cuộc không kích phiến quân Nhà nước Hồi giáo cực đoan (IS) và căng thẳng Ukraine gia tăng, giới đầu tư vẫn dồn tiền vào chứng khoán khi có thông tin kinh tế khả quan.

Chứng khoán Mỹ mở cửa phiên đầu tuần với những rung lắc nhẹ khi Anh phát đi cảnh báo về mối đe dọa khủng bố toàn cầu khi Mỹ mở rộng cuộc không kích vào phiên quân Nhà nước Hồi giáo cực đoan (IS) ở Iraq và Syria.

Bên cạnh đó, tình hình Ukraine tiếp tục căng thẳng khi quốc gia này muốn gia nhập NATO, trong khi Pháp cho biết có bằng chứng binh sĩ Nga can thiệp vào miền Đông Ukraine.

Trong khi đó, Tổng thống Nga Putin trong buổi nói chuyện với thanh niên bên bờ hồ Seliger cho biết, ực lượng vũ trang Nga với kho vũ khí hạt nhân của mình sẽ sẵn sàng đối đầu với bất cứ hành động gây hấn nào. Những tuyên bố mạnh mẽ của ông Putin cho thấy Nga sẽ không nhường bước trong vấn đề Ukraine và việc này có thể sẽ làm tăng thêm căng thẳng Đông - Tây.

Tuy nhiên, sau đó, các dữ liệu kinh tế khả quan được công bố giúp Phố Wall hồi phục trở lại và bỏ qua những mối quan tâm về đe dọa khủng bố, cũng như căng thẳng địa chính trị.

Trong các dữ liệu kinh tế mới nhất, hoạt động kinh doanh tại vùng Trung Tây Hoa Kỳ hồi phục hơn dự kiến ​​trong tháng 8, tín hiệu phục hồi của nền kinh tế của khu vực này.

Theo cuộc khảo sát người tiêu dùng do Thomson Reuters và Đại học Michigan thực hiện, báo cáo cuối cùng cho thấy, chỉ số tâm lý người tiêu dùng Mỹ tăng hơn dự kiến trong tháng 8, lên mức cao nhất 7 năm. Tuy nhiên, trái với niềm tin tiêu dùng, chi tiêu tiêu dùng trong tháng 7 của Mỹ giảm lần đầu tiên sau 6 tháng.

Những thông tin kinh tế tích cực này giúp S&P 500 lên mức kỷ lục mới và có phố Wall có tháng tăng tốt nhất kể từ tháng 2.

Kết thúc phiên 29/8, chỉ số Dow Jones tăng 18,88 điểm (+0,11%), lên 17.098,45 điểm. Chỉ số S&P 500 tăng 6,63 điểm (+0,33%), lên 2.003,37 điểm. Chỉ số Nasdaq tăng 22,58 điểm (+0,50%), lên 4.580,27 điểm.

Trong tuần, chỉ số Dow Jones tăng 0,57%, chỉ số S&P 500 tăng 0,75% và chỉ số Nasdaq tăng 0,92%. Trong tháng 8, Dow Jones tăng 1,1%, chỉ số S&P 500 tăng 1,69% và chỉ số Nasdaq tăng 2,63%.

Chứng khoán châu Âu cũng có phiên hồi phục cuối tuần, nhưng đà hồi bị hạn chế đi khá nhiều sau thông tin Anh đưa ra về mối đe dọa khủng bố.

Về thông tin kinh tế, lạm phát của khu vực eurozone được công bố thấp hơn dự kiến, nhưng vẫn chưa về mức để Ngân hàng Trung ương châu Âu (ECB) đưa ra gói kích thích kinh tế.

Tuy nhiên sau đó, nhờ dữ liệu kinh tế Mỹ được đưa ra kịp thời, các chỉ số chứng khoán châu Âu mới kịp đi lên và có sắc xanh nhạt khi chốt phiên. Cũng giống như chứng khoán Mỹ, chứng khoán châu Âu cũng có tuần tăng tốt và tháng tăng khá bất chấp những lo lắng về địa chính trị.

Kết thúc phiên 29/8, chỉ số FTSE 100 tại Anh tăng 13,95 điểm (+0,20%), lên 6.819,75 điểm. Chỉ số DAX tại Đức tăng 7,61 điểm (+0,08%), lên 9.470,17 điểm. Chỉ số CAC40 tại Pháp giảm 7,21 điểm (-0,17%), xuống 4.358,83 điểm.

Trong tuần, chỉ số FTSE 100 tăng 0,66%, chỉ số DAX tăng 1,4%, chỉ số CAC 40 tăng 2,49%. Trong tháng 8, chỉ số FTSE 100 tăng 0,68%, chỉ số DAX giảm 1,29%, chỉ số CAC 40 tăng 1,08%.

Trên thị trường chứng khoán châu Á, ảnh hưởng từ căng thẳng Ukraine khiến chứng khoán Nhật Bản tiếp tục chịu áp lực bán ra và giảm nhẹ trong phiên cuối tuần, trong khi chứng khoán Trung Quốc lại phục hồi lại rất mạnh. Tuy nhiên, trái với chứng khoán Âu, Mỹ, chứng khoán châu Á lại có tuần cũng như tháng 8 giảm điểm.

Kết thúc phiên 29/8, chỉ số Nikkei 225 tại Nhật Bản giảm 35,27 điểm (-0,23%), xuống 15.424,59 điểm. Chỉ số Hang Seng tại Hồng Kông tăng 1,06 điểm (+0,00%), đứng ở 24.742,06 điểm. Chỉ số Shanghai Composite tại Trung Quốc tăng 21,38 điểm (+0,97%), lên 2.217,20 điểm.

Trong tuần, chỉ số Nikkei 225 giảm 0,73%, chỉ số Hang Seng giảm 1,47%, chỉ số Shanghai Composite giảm 1,05%. Trong tháng 8, chỉ số Nikkei 225 giảm 1,42%, chỉ số Hang Seng giảm 0,04%, chỉ số Shanghai Composite tăng 1,65%.

Giá vàng trong phiên cuối tuần chỉ dao động trong biên độ hẹp khoảng 5 USD/ounce trước khi đóng cửa giảm nhẹ do dữ liệu kinh tế Mỹ khả quan. Tuy nhiên, kim loại quý này cũng có tuần tăng khá tốt nhờ những thông tin hỗ trợ từ căng thẳng Ukraine.

Kết thúc phiên 29/8, giá vàng giao ngay giảm 2 USD (-0,16%), xuống 1.287,20 USD/ounce. Giá vàng giao tháng 12 giảm 3 USD (-0,23%), xuống 1.287,4 USD/ounce. Trong tuần, giá vàng giao ngay tăng 0,50%, giá vàng giao tháng 12 tăng 0,56%. Trong tháng 8, giá vàng giao ngay giảm 0,56%.

Trong cuộc khảo sát tuần này của Kitco, có 9 người dự báo giá vàng sẽ tăng trong tuần tới, 6 người dự đoán giá vàng sẽ giảm và 7 người giữ vị trí trung lập hoặc cho rằng giá sẽ đi ngang. Tham gia thị trường bao gồm các đại lý vàng, ngân hàng đầu tư, nhà đầu tư vàng tương lai và các nhà phân tích kỹ thuật.

Trong tuần trước, số người dự báo giá vàng giảm chiếm tới hơn 54%, trong khi số người dự báo tăng chiếm hơn 36%. Như vậy, coi như các chuyên gia đã dự báo sai về xu hướng của giá vàng trong tuần qua.

Trong khi đó, giá dầu lại tăng vọt trong phiên cuối tuần nhờ dữ liệu kinh tế khả quan. Kết thúc phiên 29/8, giá dầu thô Mỹ tăng 1,41 USD (+1,47%), lên 95,96 USD/thùng. Giá dầu thô Brent tăng 0,73 USD (+0,71%), lên 103,19 USD/thùng. Trong tuần, giá dầu thô Mỹ tăng 2,47%, giá dầu thô Brent tăng 0,88%.

Tin bài liên quan