Giới đầu tư có thêm mối lo mới

Giới đầu tư có thêm mối lo mới

(ĐTCK) Ngoài thông tin kinh tế, kết quả kinh doanh quý I, khủng bố, chính sách kinh tế của tân Tổng thống Mỹ khó thông qua, giới đầu tư toàn cầu lại có thêm mối lo mới khi Mỹ bất ngờ phóng 59 quả tên lửa Tomahawk vào một căn cứ quân sự của Chính phủ Syria.

Trong phiên cuối tuần trước, phố Wall nhận nhiều thông tin tác động. Đầu tiên là cuộc tấn công chính thức đầu tiên của Mỹ vào một căn cứ quân sự của Chính phủ Syria trong cuộc nội chiến kéo dài 6 năm ở quốc gia Trung Đông này. Tiếp đến là báo cáo việc làm tháng 3 thất vọng khi chỉ có thêm 98.000 việc làm mới được tạo ra, mức thấp nhất trong 10 tháng. Tuy nhiên, tỷ lệ thất nghiệp giảm về mức 4,5% trong tháng 3 từ mức 4,7% trong tháng 2. Điều này tiếp tục tạo kỳ vọng Fed sẽ chỉ tăng lãi suất thêm 2 lần nữa trong năm nay.

Cuộc tấn công của Mỹ khiến giới đầu tư thoáng giật mình, nhưng nó cũng giúp giá dầu thô tăng mạnh, kéo theo nhóm chứng khoán tăng theo. Ngoài ra, nó cũng khiến đồng USD tăng, lợi suất trái phiếu tăng trở lại từ mức thấp nhất 4 tháng, qua đó cũng kéo theo nhóm ngân hàng tăng.

Với những tác động trên, phố Wall gần như giằng co nhẹ quanh mức tham chiếu trong suốt phiên giao dịch cuối tuần và đóng cửa giảm nhẹ sau phiên tăng điểm trước đó.

Tuần này, giới đầu tư ngoài quan sát động thái tiếp theo của các bên trong cuộc chiến Syria, còn hướng đến kết quả kinh doanh quý I của các doanh nghiệp niêm yết.

Kết thúc phiên 7/4, chỉ số Dow Jones giảm 6,85 điểm (-0,03%), xuống 20.656,10 điểm. Chỉ số S&P 500 giảm 1,95 điểm (-0,08%), xuống 2.355,54 điểm. Chỉ số Nasdaq giảm 1,14 điểm (-0,02%), xuống 5.877,81 điểm.

Như vậy, với 3 phiên giảm trong tuần, trong đó có phiên giảm khá mạnh hôm thứ Tư, chứng khoán Mỹ đã quay đầu giảm nhẹ trong tuần đầu tháng 4 sau tuần tăng khá cuối tháng 3. Cụ thể, trong tuần, chỉ số Dow Jones giảm 0,03%, chỉ số S&P 500 giảm 0,30% và chỉ số Nasdaq giảm 0,57%.

Trên thị trường chứng khoán châu Âu, việc Mỹ tấn công Syria lúc đầu cũng khiến giới đầu tư châu Âu hoảng hốt, đẩy các thị trường giảm điểm khi mở cửa. Tuy nhiên, cuộc tấn công này cũng đẩy giá dầu tăng mạnh, kéo nhóm cổ phiếu năng lượng tăng theo, qua đó giúp chứng khoán châu Âu đảo chiều trở lại. Đóng cửa phiên cuối tuần trước, chỉ có chứng khoán Đức thiếu chút may mắn, còn lại chứng khoán Anh và Pháp đều đóng cửa trong sắc xanh.

Kết thúc phiên 7/4, chỉ số FTSE 100 tại Anh tăng 46,17 điểm (+0,63%), lên 7.349,37 điểm. Chỉ số DAX tại Đức giảm 5,83 điểm (-0,05%), xuống 12.225,06 điểm. Chỉ số CAC 40 tại Pháp tăng 13,84 điểm (+0,27%), lên 5.135,28 điểm.

Phiên tăng cuối tuần đã giúp chứng khoán Anh đảo chiều tăng sau tuần giảm nhẹ cuối tháng 3, chứng khoán Pháp cũng duy trì đà tăng, trong khi chứng khoán Đức đảo chiều giảm nhẹ sau khi tăng hơn 2% trong tuần trước đó. Cụ thể, trong tuần, chỉ số FTSE 100 tăng 0,36%, chỉ số DAX giảm 0,71% và CAC 40 tăng 0,25%.

Trên thị trường chứng khoán châu Á, chứng khoán Nhật Bản khởi đầu phiên cuối tuần trước khá tốt với mức tăng 1% nhờ đồng yên giảm. Tuy nhiên, việc Mỹ tấn công Syria sau đó đã khiến giới đầu tư thận trọng, đẩy chỉ số Nikkei 225 quay đầu giảm, trước khi hồi nhẹ trở lại vào phiên chiều, nhưng mức tăng khá khiêm tốn.

Trong khi đó, dù rất nỗ lực với sự hỗ trợ từ thị trường chứng khoán đại lục, nhưng chứng khoán Hồng Kông đã không kịp trở lại mốc tham chiếu khi chốt phiên cuối tuần. Lý do khiến chứng khoán tại đặc khu kinh tế này giảm cũng do cuộc tấn công của Mỹ vào một căn cứ quân sự của Chính phủ Syria.

Chứng khoán Trung Quốc tiếp tục có phiên tăng điểm, lên mức cao nhất 15 tháng và có tuần tăng điểm tốt nhất kể từ tháng 11/2016 sau thông tin chính quyền Bắc Kinh quyết định xây dựng một khu kinh tế mới tại tỉnh Hà Bắc.

Kết thúc phiên 7/4, chỉ số Nikkei 225 tại Nhật Bản tăng 67,57 điểm (+0,36%), lên 18.664,63 điểm. Chỉ số Hang Seng tại Hồng Kông giảm 6,42 điểm (-0,03%), xuống 24.267,30 điểm. Chỉ số Shanghai Composite tại Thượng Hải tăng 6,02 điểm (+0,18%), lên 3.287,02 điểm.

Dù hồi nhẹ trong phiên cuối tuần, nhưng chứng khoán Nhật vẫn không thể thoát khỏi tuần giảm điểm tiếp theo, trong khi chứng khoán Hồng K ông và Trung Quốc đã phục hồi trở lại sau tuần giảm cuối tháng 3. Cụ thể, trong tuần, chỉ số Nikkei 225 giảm 1,29%, chỉ số Hang Seng tăng 0,65% và chỉ số Shanghai Composite tăng 2% sau khi giảm 1,44% tuần trước đó.

Trên thị trường vàng, hoạt động quân sự của Mỹ chống lại Syria đã đẩy giá vàng tăng vọt trong phiên châu Á, lên mức 1.270 USD/ounce. Tuy nhiên, việc đồng USD tăng mạnh sau đó đã hãm đà tăng của kim loại quý, thậm chí còn đẩy giá vàng về lại sát mức giá đóng cửa phiên thứ Năm.

Kết thúc phiên 7/4, giá vàng giao ngay tăng 2,2 USD (+0,18%), lên 1.253,8 USD/ounce. Giá vàng tương lai giao tháng 4/2017 tăng 3,7 USD (+0,3%), xuống 1.254,0 USD/ounce. Giá vàng tương lai giao tháng 6 tăng 2,8 USD (+0,22%), lên 1.256,1 USD/ounce.

Trong tuần, giá vàng giao ngay tăng nhẹ 0,37% và giá vàng giao tháng 4 tăng nhẹ 0,53%.

Dù đà tăng bị hãm lại trong phiên thứ Sáu, nhưng với những diễn biến mới trong cuộc chiến ở Syria, cùng báo cáo việc làm thất vọng của Mỹ, cả giới phân tích và nhà đầu tư đều dự đoán giá vàng sẽ tăng trong tuần này.

Cụ thể, trong cuộc thăm dò trực tiếp, có 17 chuyên gia thị trường trả lời, thì có tới 13 người, chiếm 76% dự đoán giá vàng sẽ tiếp tục tăng trong tuần này, cao hơn nhiều con số 50% của tuần trước. Trong khi đó, có 4 người, chiếm 24% dự đoán giá vàng sẽ điều chỉnh, không có ai dự báo giá vàng sẽ đi ngang trong tuần này.

Tương tự, trong cuộc thăm dò trực tuyến, có 760 lượt độc giả tham gia, thấp hơn nhiều so với con số của tuần trước. Trong đó, có 523 người, chiếm 69% dự đoán giá vàng sẽ tiếp tục tăng trong tuần này, cao hơn con số 60% của tuần trước. 146 lượt độc giả, chiếm 19% cho rằng giá vàng sẽ giảm và 91 người, chiếm 12% giữ quan điểm trung lập.

Việc Mỹ phóng 59 quả tên lửa Tomahawk vào một căn cứ quân sự của Chính phủ Syria như một lực đẩy cho giá dầu thô trong phiên giao dịch cuối tuần. Cuộc tấn công này giúp giá dầu thô leo lên mức gần cao nhất 1 tháng và góp phần giúp giá loại nhiên liệu này tăng 3% trong tuần qua.

Kết thúc phiên 7/4, giá dầu thô Mỹ tăng 0,54 USD/thùng (+1,03%), lên 52,24 USD/thùng, giá dầu thô Brent tăng 0,35 USD (+0,63%), lên 55,24 USD/thùng.

Như vậy, tiếp nối tuần tăng giá mạnh cuối tháng 3, giá dầu thô tiếp tục tăng mạnh trong tuần đầu tiên của tháng 4. Cụ thể, trong tuần, giá dầu thô Mỹ tăng 3,24% và dầu thô Brent tăng 4,56%.

Tin bài liên quan