Giới đầu tư chứng khoán hoài nghi chính sách kinh tế của Tổng thống Trump

Giới đầu tư chứng khoán hoài nghi chính sách kinh tế của Tổng thống Trump

(ĐTCK) Lần đầu tiên kể từ sau cuộc bầu cử Tổng thống Mỹ hồi tháng 11 năm ngoái, giới đầu tư chứng khoán đang bày tỏ sự hoài nghi về các chính sách kích thích kinh tế, cải cách thuế và chương trình bảo hiểm y tế của Tổng thống Donald Trump.

Mark Cabana, người đứng đầu Trung tâm Nghiên cứu chiến lược đầu tư tại Bank of America Merrill Lynch nhận định: “Thị trường chắc chắn đang đặt câu hỏi dựa trên những giới hạn về mức độ ủng hộ mà Đảng Cộng hòa dành cho ông Donald Trump. Trong trường hợp Đảng Cộng hòa không thể thống nhất và phản đối các điểm chính trong chương trình nghị sự mà ông Trump đưa ra, thì đó là tín hiệu không tốt cho thấy sự rạn nứt mà nhiều người có thể không ngờ đến trong chính nội bộ của đảng này”.

Niềm tin vào các chính sách của Tổng thống Donald Trump suy giảm đang là nguyên nhân chính khiến nhiều nhà đầu tư bán tháo cổ phiếu trên thị trường chứng khoán Mỹ, khiến các chỉ số Dow Jones, Nasdaq và S&P500 trồi sụt mạnh trong phiên giữa tuần này. Một điểm đáng chú ý khác là các cổ phiếu có giá trị vốn hóa nhỏ, vốn là đối tượng hưởng lợi lớn nhất từ chương trình cắt giảm thuế doanh nghiệp, cũng ghi nhận mức độ sụt giảm đáng ngại, khi chỉ số Russell 2000 tụt dốc tới 2,7%. Vì thế, để tìm kiếm sự an toàn, các nhà đầu tư đang chuyển hướng sang các tài sản an toàn như vàng và trái phiếu chính phủ.

“Đó chính là bối cảnh của thị trường được vận động xung quanh một kịch bản không ai ngờ tới”, nhà phân tích tại The Lindsey Group, Peter Boockvar đánh giá.

Chỉ số Dow Jones đã tăng tới 13% kể từ sau cuộc bầu cử Tổng thống nhờ triển vọng “tươi sáng” từ các chính sách tiềm năng của ông Trump. Tuy nhiên, một khi nhà đầu tư nhận ra những tiềm năng đó vấp phải rào cản khó khăn, thì đà tăng của chỉ số này lập tức đứng trước những thử thách nghiêm trọng.

Bên cạnh đó, những tranh cãi không dứt trong nội bộ lưỡng Đảng của Mỹ về khả năng xây dựng một chương trình bảo hiểm y tế thay thế cho Obamacare cũng làm xói mòn sự lạc quan về năng lực thực thi những cam kết chính sách của ông Donald Trump về cắt giảm thuế, chi tiêu cơ sở hạ tầng và nới lỏng các quy định quản lý, vốn luôn được các nhà đầu tư coi là liều thuốc thúc đẩy tăng trưởng kinh tế và gia tăng lợi nhuận. 

Alan Gayle, Giám đốc quản lý tài sản tại RidgeWorth Investments cho rằng: “Những rủi ro chính trị quanh chương trình cải cách y tế là sức ép đối với chính quyền Donald Trump và Đảng Cộng hòa phải khẩn trương vượt qua. Dường như họ đã dành quá nhiều thời gian cho những cải cách y tế này mà lãng quên các mục tiêu nghị sự quan trọng khác”.

Chia sẻ về quan điểm trên, nhà hoạch định chiến lược tại Strategas (có trụ sở tại Washington, Mỹ) Tom Block cũng cho rằng, đây là phép thử đầu tiên đối với Donald Trump và cộng sự. Thị trường luôn dõi theo mọi diễn biến có thể xảy ra đối với chính sách thuế và các cải cách quy định quản lý. Đó còn chưa kể những bất đồng trong nội bộ nước Mỹ xảy ra trong thời điểm không thể tệ hơn với Donald Trump. Đầu tuần này, Giám đốc Cục Điều tra Liên bang Mỹ (FBI) James Comey cho biết, cơ quan này đang điều tra các cáo buộc về những mối liên hệ giữa chiến dịch tranh cử của Trump với Nga, cũng như khả năng Nga can thiệp vào cuộc bầu cử Tổng thống Mỹ.

Trên thị trường tài chính, cho dù có đã phản ứng tích cực sau khi Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) tăng lãi suất mới đây, đánh dấu lần tăng thứ hai trong ba tháng qua, giới phân tích cho rằng, thị trường vẫn đánh giá thấp những rủi ro lãi suất từ nay tới cuối năm.

Bên cạnh đó, những lo ngại cũng gia tăng về giá trị cổ phiếu Mỹ, khi ngày càng có nhiều nhà đầu tư nhận định, một số cổ phiếu đang được giao dịch với giá trị cao hơn thực tế kể từ thời điểm năm 2011. Tuy nhiên, cũng có một số quan điểm khác cho rằng, những điều chỉnh về giá trị cổ phiếu trên thị trường vẫn ở mức lành mạnh và “điểm vàng” trên thị trường vẫn chưa kết thúc.

Tin bài liên quan