Giờ G sắp điểm với nhà đóng tàu lớn nhất thế giới Daewoo Shipbuilding

Giờ G sắp điểm với nhà đóng tàu lớn nhất thế giới Daewoo Shipbuilding

(ĐTCK) Các chủ nợ của Daewoo Shipbuilding & Marine Engineering Co đang chuẩn bị đưa ra quyết định giúp đỡ nhà đóng tàu lớn nhất thế giới tồn tại hoặc để mặc công ty tới chết.

Các chủ nợ của Daewoo Shipbuilding sẽ gặp gỡ trong tuần tới để quyết định liệu có chuyển đổi số nợ 1,55 nghìn tỷ won (1,4 tỷ USD) thành vốn cổ phần nhằm giúp Công ty này có thêm thời gian hoạt động, tìm cách trả nợ hay không. Người nắm trong tay chìa khóa quan trọng nhất là Qũy Dịch vụ Hưu trí Hàn Quốc (NPS), tổ chức đang nắm giữ nhiều nhất các khoản nợ của Daewoo Shipbuilding.

”Nếu NPS không đồng ý kế hoạch cơ cấu lại các khoản nợ, thì Daewoo Shipbuilding sẽ không còn tồn tại”, Choi Gwang-shik, chiến lược gia tại HI Investment & Securities Co cho biết.

Cuộc gặp gỡ giữa các chủ nợ này sẽ là sự kiện thu hút sự quan tâm đặc biệt của các thành viên thị trường, sau khi Ngân hàng Phát triển Hàn Quốc (KDB), cổ đông lớn nhất của Daewoo Shipbuilding, đồng thời là chủ nợ lớn nhất của Hanjing Shipping Co đã để cho Hanjin Shipping Co phá sản trong năm ngoái, khi từ chối hỗ trợ kế hoạch cấu trúc lại các khoản nợ của công ty này.

Nếu như Hanjin phá sản khiến hàng trăm tàu container mắc kẹt tại các bến cảng trên toàn thế giới, gây rối loạn hệ thống cung cấp dịch vụ vận chuyển đường biển, khiến 11.000 người có nguy cơ mất việc, thì sự sụp đổ của Daewoo còn để lại hậu quả tồi tệ hơn nhiều.

Hiện tại, Công ty đang cung cấp 50.000 việc làm và đang thực hiện các hợp đồng trị giá 34 tỷ USD với nhiều khách hàng, bao gồm các công ty A.P.Moller-Maersk A/S và Statoil ASA.

Giờ G sắp điểm với nhà đóng tàu lớn nhất thế giới Daewoo Shipbuilding ảnh 1

 Nếu Daewoo Shipbuilding phá sản, hậu quả sẽ lớn hơn nhiều so với trường hợp của Hanjin Shipping Co

Theo các chuyên gia, đây sẽ là lần gặp gỡ trực diện giữa KDB, đơn vị sở hữu 79% cổ phần của Daewoo Shipbuilding và NPS, quỹ hưu trí lớn thứ ba thế giới, vốn đang xoay sở để thoát khỏi scandal khi cựu Chủ tịch Moon Hyung-pyo vừa bị bắt. Ông Moon bị cáo buộc đã tạo áp lực lên quỹ này nhằm hỗ trợ cho quá trình hợp nhất 2 công ty con thuộc Samsung Group vào năm 2015.

Trong tháng trước, KDB và Ngân hàng Xuất nhập khẩu Hàn Quốc cho biết, họ sẽ cung cấp thêm khoản vay trị giá 2,9 nghìn tỷ won, đồng thời hoán đổi 1,6 nghìn tỷ won tiền nợ thành trái phiếu nếu các chủ nợ khác đồng ý với kế hoạch đổi 80% các khoản nợ hiện tại của Daewoo Shipbuilding thành vốn góp và gia hạn thời gian trả nợ thêm 5 năm.

Sau đó, NPS đã yêu cầu KDB chỉnh sửa lại kế hoạch này. Ngày thứ Hai ((10/4), KDB đã lên tiếng từ chối.

Daewoo Shipbuilding cho biết, Công ty có 14,4 nghìn tỷ won tiền nợ và có 224,3 tỷ won tiền mặt cùng cổ phiếu tính tới tháng 12/2016. Daewoo cần phải trả cho NPS khoản 200 tỷ won, tương đương 45% trái phiếu mà NPS đang nắm giữ vào tháng 4 này, theo nguồn tin giấu tên. Tổng cộng, Công ty nợ NPS 390 tỷ won cho tới năm 2019.

Giờ G sắp điểm với nhà đóng tàu lớn nhất thế giới Daewoo Shipbuilding ảnh 2

 Một xưởng đóng tàu của Daewoo Shipbuilding 

Tỷ lệ nợ trên vốn chủ sở hữu của Daewoo Shipbuilding tính tới cuối năm 2016 là 2.732%, theo thông báo của KDB vào tháng 3/2017.

Mới đây nhất, Daewoo Shipbuilding đã công bố 2016 là năm làm ăn thua lỗ thứ 4 liên tiếp, khi giá dầu giảm làm giảm nhu cầu với các tàu chở dầu, chưa kể thương mại quốc tế giảm sút khiến nhu cầu với các loại tàu khác đều đi xuống. Theo KDB và Ngân hàng Xuất nhập khẩu Hàn Quốc, trong bối cảnh hiện tại, Daewoo Shipbuilding sẽ đối diện với việc thiếu vốn hoạt động trong 2 năm tới, với khoản tiền lên tới 5,1 nghìn tỷ won.

Tin bài liên quan