Giám đốc điều hành Facebook Sheryl Sandberg: Đứng dậy sau mất mát với “Phương án B“

Giám đốc điều hành Facebook Sheryl Sandberg: Đứng dậy sau mất mát với “Phương án B“

Sheryl Sandberg - Giám đốc điều hành Facebook và Adam Grant, Giáo sư Đại học Wharton (Mỹ) vừa ra mắt quyển sách mang tên Option B: Facing Adversity, Building Resilience, and Finding Joy  (tạm dịch: "Phương Án B: Đối diện Khủng hoảng, Phục hồi và Tìm lại niềm vui).

Quyển sách này được Forbes đánh giá sẽ là "bom tấn" của năm nay. Quyển sách được đặt tên từ lời khuyên của một người bạn dành cho Sandberg sau khi chồng cô, Dave Goldberg - CEO của SurveyMonkey đột ngột qua đời năm 2015.

Phần lớn nội dung quyển sách, Sandberg chia sẻ lời khuyên của cô về cách phục hồi sau khủng hoảng và tìm lại niềm vui trong cuộc sống. 
Đừng để nỗi sợ ngăn bạn sống tiếp
Trong quyển Option B, Sandberg đã chia sẻ rằng "chúng ta gieo những hạt giống của sự kiên cường khi xử lý các sự biến tiêu cực trong đời". Suy nghĩ này là nền tảng cho quá trình vực dậy bản thân và dần vượt qua những điều không vui trong cuộc sống. Sandberg cho biết suy nghĩ trên của cô bắt nguồn từ một nghiên cứu do nhà tâm lý học Martin Seligman thực hiện.
“Martin Seligman đã phát hiện ra rằng có 3 chữ P ngăn cản quá trình chúng ta hồi phục sau khủng hoảng: (1) Personalization (cá nhân) - niềm tin rằng chúng ta là người có lỗi trong mọi việc bất hạnh xảy ra; (2) Pervasiveness (mức độ lan tỏa) - niềm tin rằng một sự kiện xảy ra sẽ tác động đến tất cả các mặt của cuộc sống; và (3) Permanence (sự vĩnh viễn) - niềm tin rằng hậu quả sau mỗi sự cố sẽ kéo dài mãi mãi", Sandberg viết. 
Để giải quyết 3 chữ P này, Sandberg chọn cách "dần dần lấy lại sự chủ động trong công việc". Sandberg chia sẻ: "Tôi đã nói với bản thân mình điều mà tôi đã từng nói với những người tự ti vào bản thân: tôi không cần hướng đến sự hoàn hảo. Tôi không ép mình lúc nào cũng tin vào bản thân. Tôi chỉ cần tin rằng tôi có thể cố sức làm từng chút một tốt hơn, chỉ cần nhích lên từng chút một thôi". 

Mười ngày sau khi chồng qua đời, Sheryl Sandberg đã trở lại làm việc. Cô cho biết công việc giúp cô quên đi cảm giác mất mát. Cũng nhờ công việc, cô nhận thấy những điều khác trong cuộc sống của mình cũng không quá tồi tệ. 

Song, Sandberg hiểu không phải ai cũng chọn cách lao đầu vào công việc như mình. Vì vậy, sau đó cô đã công bố chính sách nghỉ 20 ngày dành cho những nhân viên của Facebook có người thân vừa qua đời. Nếu người mất là họ hàng xa thì nhân viên sẽ được nghỉ phép 10 ngày. 

Bật lên từ thất bại trong công việc
Sandberg chia sẻ các bí quyết để tiếp tục làm việc sau khi gặp thất bại trong công việc: Tại Facebook, các nhà quản lý nhận ra rằng "để khuyến khích nhân viên chấp nhận rủi ro, chúng tôi phải động viên tinh thần học từ thất bại".
Cô cho biết các nhóm học được từ thất bại có hiệu suất công việc vượt trội hơn những nhóm không làm được điều này. Sandberg khuyến khích các công ty tạo ra văn hóa "xem thất bại là cơ hội học hỏi" và văn phòng là nơi mọi người có thể "yên tâm chia sẻ các thất bại của mình".
Theo Sandberg, chúng ta cần học cách lắng nghe các phản hồi thực sự. Sandberg kể, có nhiều người đã chỉ trích cô về cách đối diện với các vấn đề trong cuộc sống. Điều này đã làm cô bị "sốc", nhưng đồng thời cũng làm cô hiểu ra những góp ý xây dựng trong công sở thường nhạy cảm và khó nghe, nhưng cần thiết.
Khi người khác nhìn thấy điều mình không thấy
Trong quyển sách Option B, Sandberg đã viết rằng: "Chúng ta đều có những điểm mù - những điểm yếu mà người khác thấy trong lúc chúng ta thì không. Đôi khi chúng ta phủ nhận những điều này. Hoặc chúng ta đơn giản là không biết mình đã làm sai điều gì. Người dạy tôi nhiều nhất trong sự nghiệp chính là người chỉ ra những điểm mà tôi không nhìn thấy".
Đây là lý do chúng ta không nên để cảm xúc cá nhân chi phối sự học hỏi trong công việc. 
“Cởi mở với chỉ trích đồng nghĩa rằng bạn sẽ có thêm nhiều phản hồi khác, và như vậy sẽ làm bạn tốt hơn. Một cách để giảm bớt áp lực của sự chỉ trích là đánh giá xem bạn nên xử lý các góp ý này thế nào".
Khả năng lắng nghe các phản hồi là một dấu hiệu của sự phục hồi. Những ai lắng nghe tốt sẽ có thêm sức mạnh để vượt qua nghịch cảnh.
Sandberg khuyên rằng: "Một trong những cách để hiểu rõ bản thân là nhờ người khác cầm giúp mình tấm gương". Nếu bạn chào đón các lời phê bình, cô nhấn mạnh, bạn có thể học được rất nhiều từ những điều đó.
Tin bài liên quan