Phố Wall giảm điểm trong phiên thứ Tư do ảnh hưởng của giá dầu lao dốc (Ảnh minh hoạ: AFP)

Phố Wall giảm điểm trong phiên thứ Tư do ảnh hưởng của giá dầu lao dốc (Ảnh minh hoạ: AFP)

Giá vàng và dầu thô lao dốc, chứng khoán lình xình

(ĐTCK) Sự thận trọng của giới đầu tư khiến chứng khoán toàn cầu tiếp tục lình xình trong phiên thứ Tư, trong khi giá vàng và dầu thô lao dốc do đồng USD tăng mạnh, kho dự trữ dầu thô tăng hơn dự báo.

Sự sụt giảm của giá dầu thô trong phiên thứ Tư kéo nhóm cổ phiếu năng lượng, hàng hóa giảm mạnh, khiến phố Wall chìm trong sắc đỏ. Ngoài ra, sự thận trọng của nhà đầu tư sau vụ khủng bố tại Bỉ cũng ảnh hưởng hướng tiêu cực tới phố Wall trong phiên thứ Tư.

Kết thúc phiên 23/3, chỉ số Dow Jones giảm 79,98 điểm (-0,45%), xuống 17.502,59 điểm. Chỉ số S&P 500 giảm 13,09 điểm (-0,64%), xuống 2.036,71 điểm. Chỉ số Nasdaq giảm 52,80 điểm (-1,10%), xuống 4.768,86 điểm.

Tương tự, sự sụt giảm của giá dầu thô cũng khiến chứng khoán châu Âu đóng cửa trong sắc đỏ trong phiên thứ Tư. Tuy nhiên, sự khởi sắc của cổ phiếu Credit Suisse sau khi hãng cho biết sẽ tiếp tục cắt giảm chi phí hơn nữa, giúp đà giảm của chứng khoán khu vực này được hãm bớt ở mức tối thiểu.

Kết thúc phiên 23/3, chỉ số FTSE 100 tại Anh giảm 5,06 điểm (-0,08%), xuống 6.184,58 điểm. Chỉ số DAX tại Đức giảm 2,16 điểm (-0,02%), xuống 9.948,64 điểm. Chỉ số CAC 40 tại Pháp giảm 34,71 điểm (-0,78%), xuống 4.427,80 điểm.

Trên thị trường chứng khoán châu Á, chứng khoán Nhật Bản và Hồng Kông giảm nhẹ trong phiên thứ Tư khi nhà đầu tư thận trọng để nghe ngóng thêm thông tin mới. Trong khi đó, chứng khoán Trung Quốc nhanh chóng hồi phục sau phiên giảm trước đó.

Kết thúc phiên 23/3, chỉ số Nikkei 225 giảm 47,57  điểm (-0,28%), xuống 17.000,98 điểm. Chỉ số Hang Seng tại Hồng Kông giảm 51,52 điểm (-0,25%), xuống 20.615,23 điểm. Chỉ số Shanghai Composite tăng 10,60 điểm (+0,35%), lên 3.009,96 điểm.

Điều khá ngạc nhiên là sau vụ khủng bố tại Bỉ, giá vàng lại không tìm được động lực để đi lên giống như quy luật thường lệ. Trong phiên thứ Ba, giá kim loại quý này chỉ tăng nhẹ và nhanh chóng lao dốc trong phiên thứ Tư, xuống mức thấp nhất 3 tuần.

Việc giá vàng lao dốc trong phiên thứ Tư ngoài áp lực chốt lời, còn do ảnh hưởng từ “các yếu tố bên ngoài”. Cụ thể, đồng USD có phiên tăng thứ 3 liên tiếp, lên mức cao nhất 1 tuần, gây áp lực lên giá vàng. Trong khi đó, giá dầu thô giảm mạnh, cũng ít nhiều ảnh hưởng đến sự hấp dẫn của vàng, bởi giá dầu thô giảm thường đồng nghĩa với áp lực lạm phát thấp, trong khi vàng lại là kênh đầu tư được lựa chọn mỗi khi có lạm phát cao.

Kết thúc phiên 23/3, giá vàng giao ngay giảm 28,2 USD (-2,26%), xuống 1.219,6 USD/ounce. Giá vàng tương lai giao tháng 4/2016 giảm 24,6 USD (-1,97%), xuống 1.224,0 USD/ounce.

Sau khi tăng mạnh trong phiên thứ Ba, giá dầu thô gần như đã trả hết những gì có được trong phiên thứ Tư với mức giảm hơn 4% sau thông tin kho dự trữ dầu thô của Mỹ tăng mạnh hơn dự kiến.

Cụ thể, theo Cơ quan Năng lượng Mỹ (EIA), kho dự trữ dầu thô của Mỹ trong tuần trước tăng thêm tới 9,4 triệu thùng, gấp 3 lần con số dự đoán 3,1 triệu thùng của giới phân tích trong cuộc thăm dò của Reuters.

Kết thúc phiên 23/3, giá dầu thô Mỹ giảm 1,66 USD (-4,17%), xuống 39,79 USD/thùng, mức giảm mạnh nhất trong ngày kể từ ngày 11/2. Giá dầu thô Brent giảm 1,32 USD (-3,26%), xuống 40,47 USD/thùng.

Tin bài liên quan