Giá vàng hồi phục, chứng khoán đảo chiều giảm mạnh

(ĐTCK) Kết quả kinh doanh và triển vọng lợi nhuận kém khả quan của một số lĩnh vực, cùng tâm lý lo ngại trước dữ liệu kinh tế quan trọng sắp được công bố đã khiến lệnh bán mạnh đã diễn ra, đẩy phố Wall giảm mạnh, trong khi giá vàng bất ngờ hồi phục trở lại.
Ảnh minh họa: AFP

Ảnh minh họa: AFP

Phố Wall nhanh chóng giảm mạnh trở lại trong phiên thứ Năm khi kết quả kinh doanh yếu kém của các công ty truyền thông được đưa ra trước đó, tạo ra lo ngại người xem truyền hình đang bỏ rơi truyền hình cap.

Đợt bán mạnh còn do tác động tâm lý trước khi dữ liệu quan trọng là bảng lương phi nông nghiệp được công bố vào thứ Sáu. Nhiều dự tích cực đã đưa ra về số việc làm mới được tạo ra trong tháng 7, cung cấp thêm manh mối cho Fed tăng lãi suất lần đầu tiên sau 1 thập kỷ.

Kết thúc phiên 6/8, chỉ số Dow Jones giảm 120,72 điểm (-0,69%), xuống 17.419,75 điểm. Chỉ số S&P 500 giảm 16,28 điểm (-0,78%), xuống 2.083,56 điểm. Chỉ số Nasdaq giảm 83,50 điểm (-1,62%), xuống 5.056,44 điểm.

Cũng giống chứng khoán Mỹ, chứng khoán châu Âu cũng giảm điểm trở lại trong phiên thứ Năm do ảnh hưởng từ kết quả kinh doanh và triển vọng lợi nhuận kém khả quan của enzyme Novozymes và Deutsche Post, cũng như sức ép từ nhóm cổ phiếu năng lượng khi giá dầu giảm.

Kết thúc phiên 6/8, chỉ số FTSE 100 tại Anh giảm 5,32 (-0,08%), xuống 6.747,09 điểm. Chỉ số DAX tại Đức giảm 51,2 điểm (-0,44%), xuống 11.585,1 điểm. Chỉ số CAC 40 tại Pháp giảm  4,62 điểm (-0,09%), xuống 5.191,11 điểm.

Trên thị trường chứng khoán châu Á, việc đồng yên giảm xuống mức thấp nhất 2 tháng so với đồng USD đã giúp chứng khoán Nhật Bản tăng điểm khá tốt. Tuy nhiên, về cuối phiên, do ảnh hưởng từ chứng khoán Trung Quốc, cũng như thận trong trước dữ liệu việc làm của Mỹ, nên đà tăng đã bị hãm lại.

Chứng khoán Hồng Kông cũng đã giảm trở lại khi các nhà đầu tư hướng sự chú ý vào đại lục để chờ đợi các biện pháp tiếp theo của Chính phủ Trung Quốc, cũng như kết quả kinh doanh của các tập đoàn lớn niêm yết trên thị trường chứng khoán. Trong khi đó, sau phiên hồi phục mạnh hôm thứ Ba, chứng khoán Trung Quốc đã có 2 phiên giảm liên tiếp, nhưng không còn lao mạnh như trước.

Kết thúc phiên 6/8, chỉ số Nikkei 225 của Nhật Bản tăng 50,38 điểm (+0,24%), lên 20.664,44 điểm. Chỉ số Hang Seng tại Hồng Kông giảm 138,88 điểm (-0,57%), xuống 24.375,28 điểm. Chỉ số Shanghai Composite tại Trung Quốc giảm 33,03 điểm (-0,89%), xuống 3.661,54 điểm.

Trên thị trường vàng, giá vàng đã hồi phục trở lại trong phiên giao dịch Mỹ khi đồng USD điều chỉnh và lực mua bắt đáy gia tăng. Ngoài ra, việc thị trường chứng khoán bị bán mạnh cũng là một tác nhân giúp giá vàng tăng lên khi một phần dòng tiền sẽ được luân chuyển qua kênh đầu tư này.

Kết thúc phiên 6/8, giá vàng giao ngay tăng 5 USD (+0,46%), lên 1.089,5 USD/ounce. Giá vàng tương lai giao tháng 8 tăng 2,5 USD/ounce (+0,23%), lên 1.090,2 USD/ounce. Giá vàng tương lai giao tháng 12 tăng 4,5 USD (+0,42%), lên 1.090,1 USD/ounce.

Trong khi giá vàng hồi phục trở lại, thì giá dầu thô vẫn chịu áp lực giảm, trong đó giá dầu thô Mỹ rơi khỏi mốc 45 USD/thùng, xuống mức thấp nhất 5 tháng, còn giá dầu thô Brent cũng đang ở mức thấp nhất 6 tháng.

Kết thúc phiên 6/8, giá dầu thô Mỹ giảm 0,49 USD/thùng (-1,1%), xuống 44,66 USD/thùng. Giá dầu thô Brent giảm 0,07 USD (-0,14%), xuống 49,52 USD/thùng.

Tin bài liên quan