Giá vàng, dầu thô lao dốc, kết quả kinh doanh hỗ trợ chứng khoán

Giá vàng, dầu thô lao dốc, kết quả kinh doanh hỗ trợ chứng khoán

(ĐTCK) Kết quả kinh doanh khả quan của một số doanh nghiệp vừa công bố giúp giới đầu tư phấn khởi, nhưng đà lao dốc mạnh của nhóm cổ phiếu năng lượng theo giá dầu thô khiến phố Wall bị níu chân.

Trong phiên thứ Năm, nhóm cổ phiếu dược phẩm và y tế tăng mạnh sau kết quả kinh doanh khả quan được công bố. Ngoài ra, thông tin kinh tế cũng tích cực khi số người nộp đơn xin trợ cấp thất nghiệp tuần trước giảm và xuống mức thấp nhất 17 năm.

Tuy nhiên, thị trường lại chịu tác động tiêu cực từ các yếu tố khác, đặc biệt là việc giá dầu thô giảm 5%, kéo nhóm cổ phiếu năng lượng lao dốc theo khi chỉ số S&P năng lượng giảm 1,9%. Cổ phiếu của Tesla cũng mất hơn 5% sau khi báo cáo kết quả kinh doanh tiêu cực.

Kết thúc phiên 4/5, chỉ số Dow Jones giảm 6,43 điểm (-0,03%), xuống 20.951,47 điểm. Chỉ số S&P 500 tăng 1,39 điểm (+0,06%), lên 2.389,52 điểm. Chỉ số Nasdaq tăng 2,79 điểm (+0,05%), lên 6.075,34 điểm.

Trong khi đó, chứng khoán châu Âu lại giữ được đà tăng tốt trong phiên thứ Năm, đặc biệt là chứng khoán Đức và Pháp nhờ kết quả kinh doanh khả quan của các doanh nghiệp.

Các nhà phân tích tại Credit Suisse cho biết, lợi nhuận của các doanh nghiệp châu Âu mạnh hơn Mỹ với lợi nhuận trung bình trong quý I tăng 10%, trong khi doanh thu cũng bất ngờ tăng 2,4%.

Ngoài ra, giới đầu tư cũng vui mừng khi các cuộc thăm dò cho thấy, ứng viên Emmanuel Macron của phái ôn hòa có khả năng cao sẽ giành chiến thắng trong cuộc bầu cử vòng 2 Tổng thống Pháp diễn ra vào Chủ nhật này.

Kết thúc phiên 4/5, chỉ số FTSE 100 tại Anh tăng 13,57 điểm (+0,19%), lên 7.248,10 điểm. Chỉ số DAX tại Đức tăng 119,94 điểm (+0,96%), lên 12.647,78 điểm. Chỉ số CAC 40 tại Pháp tăng 71,42 điểm (+1,35%), lên 5.372,42 điểm.

Trên thị trường chứng khoán châu Á, trong khi chứng khoán Nhật Bản vẫn đang trong kỳ nghỉ lễ, thì cả chứng khoán Hồng K ông và Trung Quốc đại lục đều giảm điểm trong phiên thứ Năm. Trong đó, chứng khoán Trung Quốc có phiên giảm thứ 3 liên tiếp và đóng cửa ở mức thấp nhất 3 tháng sau khi chỉ số PMI lĩnh vực dịch vụ vừa công bố trong tháng 4 xuống mức thấp nhất trong gần 1 năm, càng làm gia tăng lo ngại về nền kinh tế lớn thứ 2 thế giới. Trong khi đó, chứng khoán Hồng Kông giảm ít hơn nhiều do có sự hỗ trợ của cổ phiếu HSBC khi tăng hơn 3% vào cuối phiên sau khi công bố lợi nhuận tốt hơn mong đợi.

Kết thúc phiên 4/5, chỉ số Hang Seng tại Hồng Kông giảm 12,25 điểm (-0,05%), xuống 24.683,88 điểm. Chỉ số Shanghai Composite tại Thượng Hải giảm 7,98 điểm (-0,25%), xuống 3.127,37 điểm. Chứng khoán Nhật Bản vẫn đang nghỉ lễ.

Bản thông báo của Fed sau cuộc họp hôm thứ Tư với khả năng tăng lãi suất trong tháng 6 vẫn ảnh hưởng tiêu cực tới giá vàng trong phiên thứ Năm. Ngoài ra, những bất ổn về chính trị tại châu Âu đang giảm xuống khi khả năng chiến thắng của ứng viên ôn hòa Macron trong cuộc bầu cử Tổng thống Pháp đang lớn, khiến giá vàng bị bán ra mạnh và tiếp tục có phiên giảm sâu, xuống mức thấp nhất 6 tuần.

Kết thúc phiên 4/5, giá vàng giao ngay giảm 9,7 USD (-0,78%), xuống 1.228,0 USD/ounce. Giá vàng tương lai giao tháng 6 giảm 19,9 USD (-1,59%), xuống 1.228,6 USD/ounce.

Sau phiên hồi nhẹ hôm thứ Tư, giá dầu thô đã đồng loạt lao dốc mạnh trong phiên thứ Năm khi OPEC và ngoài OPEC không có dấu hiệu sẽ tích cực hơn trong việc hạn chế thêm nữa nguồn cung ra thị trường. Thỏa thuận cắt giảm 1,8 triệu thùng/ngày giữa OPEC và Nga sẽ hết vào 1/6 tới.

Các bên sẽ nhóm họp vào ngày 25/5 tới đây để bàn về việc gia hạn thỏa thuận cắt giảm sản lượng này. Tuy nhiên, một quan chức cho biết, sự gia tăng về quy mô cắt giảm là không có khả năng. Chính thông tin này đã khiến giá dầu thô lao dốc mạnh trong phiên thứ Năm.

Kết thúc phiên 4/5, giá dầu thô Mỹ giảm 2,30 USD/thùng (-5,05%), xuống 45,52 USD/thùng, giá dầu thô Brent giảm 2,41 USD (-4,98%), xuống 48,38 USD/thùng.

Tin bài liên quan