Giá nhà trượt dài, doanh nghiệp địa ốc Singapore ôm “núi nợ”

Giá nhà trượt dài, doanh nghiệp địa ốc Singapore ôm “núi nợ”

(ĐTCK) Các nhà đầu tư bất động sản Singapore đang đối diện với các khoản nợ đến hạn cao kỷ lục, khi doanh số bán nhà duy trì đà giảm.

Các nhà xây dựng và quỹ đầu tư ủy thác tại Singapore đang sở hữu số nợ 1,8 tỷ SGD (1,3 tỷ USD) trái phiếu niêm yết bằng đồng nội tệ sẽ đến hạn trong quý III/2016; 1,2 tỷ SGD vào quý IV và 3,7 tỷ SGD trong năm 2017.

Credit Suise Private Banking cho biết, ngân hàng này không khuyến khích đầu tư vào các nhà xây dựng bất động sản nhỏ, bởi những rủi ro liên quan đến sử dụng công cụ đòn bẩy ở mức cao. Trong khi đó, JPMorgan Chase & Co cho biết, những công ty này đang ngày càng bộc lộ rõ hơn điểm yếu của thị trường bất động sản Singapore, cũng như tình trạng tài chính yếu kém của mình.

“Rất nhiều trái phiếu này có mức lãi suất thấp và nhà đầu tư rõ ràng sẽ không nhận được số tiền tương xứng với khoản đầu tư của mình”, Ben Sy, Giám đốc Tài sản cố định, tiền tệ và hàng hóa tại JP Morgan Hong Kong cho biết. Chưa kể, tình hình tài chính của các công ty bất động sản tại đây khá yếu, tỷ lệ sử dụng đòn bẩy gia tăng khi thị trường địa phương thiếu sự xem xét kỹ lưỡng.

Giá nhà tại Singapore đã giảm 9,4% từ mức đỉnh năm 2013 và đà giảm này chưa có dấu hiệu dừng lại. Chỉ số theo dõi giá nhà khu vực tư nhân đã giảm 0,4% trong quý kết thúc vào 30/6/2016, đánh dấu đà giảm dài nhất (11 quý liên tiếp) kể từ năm 1975, khi chỉ số này lần đầu được công bố. Trong khi đó, Chính phủ Singapore đã hạ dự báo tăng trưởng kinh tế năm nay xuống so với mức đưa ra đầu năm. Thiếu đi trợ lực từ kinh tế vĩ mô, các nhà phát triển bất động sản Singapore khó lòng vực dậy tình hình tài chính hiện nay.

Theo đánh giá của các chuyên gia, 50 nhà phát triển bất động sản nhỏ đang niêm yết tại Sàn Giao dịch Chứng khoán Singapore đang ở trong thế khó khi đối diện với các khoản nợ phải trả, khi lợi nhuận thu về giảm xuống ở mức 9,2 lần so với chi phí, từ con số 15,8 lần cách đây 5 năm.

Trong thời gian tới, những khó khăn của các công ty bất động sản tại Singapore sẽ chưa dùng lại. “Không giống như lĩnh vực hàng hóa, khi giá cả giảm xuống nhanh và mạnh, thị trường bất động sản tại Singapore có bước giảm từ tốn hơn, bởi thị trường vẫn đang được kiểm soát. Tuy nhiên, điều này khiến đà giảm của giá nhà kéo dài hơn”, Chua Jen-Ai, chuyên gia phân tích tại Bank Julius Baer Singapore Ltd nói và cho biết thêm, áp lực mà các nhà phát triển bất động sản Singapore phải chịu đựng sẽ gia tăng trong năm tới, khi họ không còn được hưởng lợi từ cơn sốt bất động sản kết thúc vào năm 2013.

Trong bối cảnh này, các nhà đầu tư đang có nhu cầu nhận được khoản tiền trả thêm để nắm giữ trái phiếu từ các công ty bất động sản này. Heeton Holdings Ltd, công ty xây dựng nhà tại đường Holland, nổi tiếng với các cửa hàng cà phê và nhà hàng, đã đưa mức lợi suất cho trái phiếu đến hạn năm 2017 lên 130 điểm cơ bản, lên mức 6,54% so với năm trước đó, theo số liệu của Bloomberg. Công ty này hiện có tổng các khoản nợ là 369,2 triệu SGD, tiền mặt và tương đương 11,2 triệu SGD vào ngày 30/6, theo số liệu của công ty.

Lợi suất trái phiếu năm 2017 của Aspital Corp, nhà phát triển bất động sản cao cấp cũng tăng lên mức khoảng 9,8%, mức cao nhất được ghi nhận từ tháng 10/2014, theo số liệu của Bloomberg.

Hotline Báo Đầu tư Bất động sản: 0966.43.45.46 Email:dautubatdongsan.vir@gmail.com

Tin bài liên quan