Giá dầu thô tăng mạnh giúp S&P 500 có phiên thứ 13 thiết lập đỉnh cao lịch sử kể từ đầu tháng 7 (Ảnh minh họa: AFP)

Giá dầu thô tăng mạnh giúp S&P 500 có phiên thứ 13 thiết lập đỉnh cao lịch sử kể từ đầu tháng 7 (Ảnh minh họa: AFP)

Giá dầu thô khởi sắc, phố Wall lập mức cao lịch sử mới

(ĐTCK) Kỳ vọng về sự nới lỏng của các Ngân hàng Trung ương và giá dầu thô tăng mạnh giúp chứng khoán khởi sắc phiên đầu tuần, trong đó cả 3 chỉ số của phố Wall thiết lập mức cao lịch sử.

Sau khi điều chỉnh nhẹ phiên cuối tuần qua, phố Wall đã lấy lại đà tăng trong phiên giao dịch đầu tuần mới khi giới đầu tư kỳ vọng Ngân hàng Trung ương Nhật Bản, Trung Quốc sẽ có biện pháp kích thích kinh tế. Với việc các Ngân hàng Trung ương khác nới lỏng tiền tệ và tung gói kích thích kinh tế, nhiều người dự đoán Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) sẽ hoãn lại kế hoạch tăng lãi suất của mình trong ngắn hạn.

Thứ Tư, Fed sẽ công bố biên bản cuộc họp tháng 7 của mình cho biết rõ hơn cái nhìn của Fed về chính sách tiền tệ cũng như nền kinh tế Mỹ.      

Những kỳ vọng trên, cùng với việc giá dầu thô thế giới lên mức cao nhất tháng 12/2015 đã giúp phố Wall tăng trở lại sau phiên điều chỉnh cuối tuần qua và cả 3 chỉ số chính của thị trường đều tăng điểm và thiết lập mức cao lịch sử mới.

Tuần trước, báo cáo việc làm khả quan được công bố hôm 5/8 đã giúp phố Wall liên tiếp thiết lập mức cao kỷ lục trong tuần qua và trong phiên thứ Năm tuần trước, lần đầu tiên kể từ năm 1999, cả 3 chỉ số đều thiết lập mức cao lịch sử mới.

Với phiên thiết lập mức cao lịch sử đầu tuần này, S&P 500 đã có 13 lần xác lập mức cao lịch sử mới kể từ đầu tháng 7.

Kết thúc phiên 15/8, chỉ số Dow Jones tăng 59,58 điểm (+0,32%), lên 18.636,05 điểm. Chỉ số S&P 500 tăng 6,10 điểm (+0,28%), lên 2.190,15 điểm. Chỉ số Nasdaq tăng 29,12 điểm (+0,56%), lên 5.262,02 điểm.

Trên thị trường chứng khoán châu Âu, các chỉ số chính của khu vực cũng hồi phục trở lại nhờ nhóm cổ phiếu y tế sau khi tập đoàn dược phẩm UCB có được phán quyết thuận lợi từ tòa án của Mỹ. Theo đó, tòa án của Mỹ đã xác định tính hợp lệ của bằng sáng chế liên quan đến sản phẩm Vimpat của công ty này. Phán quyết này giúp cổ phiếu UCB tăng mạnh 8,9%, kéo theo nhiều cổ phiếu y tế và dược phẩm khác tăng theo, hỗ trợ cho chứng khoán châu Âu. Trong các chỉ số chính của khu vực, chỉ số FTSE 100 tại Anh tăng mạnh nhất do đồng bảng Anh tiếp tục giảm khi giới đầu tư kỳ vọng Ngân hàng Trung ương Anh sẽ tiếp tục có chính sách nới lỏng tiền tệ.

Kết thúc phiên 15/8, chỉ số FTSE 100 tại Anh tăng 25,17 điểm (+0,36%), lên 6.941,19 điểm. Chỉ số DAX tại Đức tăng 25,78 điểm (+0,24%), lên 10.739,21 điểm. Chỉ số CAC 40 tại Pháp giảm 2,33 điểm (-0,05%), xuống 4.497,86 điểm.

Trên thị trường chứng khoán châu Á, dữ liệu GDP quý II cho thấy nền kinh tế lớn thứ 3 thế giới đình trệ. Cụ thể, GDP quý II của Nhật Bản chỉ tăng 0,2%, thấp hơn nhiều so với mức dự đoán 0,7% của giới phân tích và thấp hơn rất nhiều so với mức tăng 2% trong quý I. Dữ liệu trên, cùng với việc đồng yên tiếp tục mạnh khiến chứng khoán Nhật Bản đảo chiều giảm trở lại trong phiên đầu tuần mới, nhưng mức giảm không quá lớn nhờ nhận được sự hỗ trợ từ giá dầu thô tăng mạnh, cũng như kỳ vọng Ngân hàng Trung ương Nhật Bản sẽ có tiếp tục tung gói kích thích kinh tế.

Trong khi đó, dữ liệu kinh tế yếu kém vừa công bố của Trung Quốc khiến giới đầu tư kỳ vọng Ngân hàng Trung ương Trung Quốc sẽ có nới lỏng tiền tệ và tung gói kích thích kinh tế giúp chứng khoán Trung Quốc đại lục tăng vọt và chứng khoán Hồng Kông cũng lên mức cao nhất 9 tháng mới trong phiên đầu tuần.

Kết thúc phiên 15/8, chỉ số Nikkei 225 tại Nhật Bản giảm 50,36 điểm (-0,3%), xuống 16.869,56 điểm. Chỉ số Hang Seng tại Hồng Kông tăng 165,6 điểm (+0,73%), lên 22.932,51 điểm. Chỉ số Shanghai Composite tăng 74,73 điểm (+2,45%), lên 3.125,40 điểm.

Giá vàng đã phục hồi trở lại trong phiên đầu tuần mới, nhưng mức hồi phục không mạnh do thị trường chứng khoán khởi sắc, trong khi không có thông tin nào đủ lớn để tác động. Trong phiên đầu tuần mới, giá vàng chủ yếu dao động lình xình và đóng cửa ở mức sát giá chốt của cuối tuần trước.

Kết thúc phiên 15/8, giá vàng giao ngay tăng 2,9 USD (+0,22%), lên 1.338,6 USD/ounce. Giá vàng tương lai giao tháng 12 tăng 5,8 USD (+0,43%), lên 1.347,5 USD/ounce.

Phát biểu của Bộ trưởng Ả Rập Xê út về việc OPEC và các nước ngoài khối này sẽ bàn về việc đóng băng sản lượng tuần trước đã giúp giá dầu thô có 2 phiên tăng mạnh cuối tuần qua. Bước sang phiên đầu tuần mới, thông tin về dữ liệu kho dự trữ dầu tại Cushing, Oklahoma của Mỹ giảm 350.000 thùng, theo Genscape, cùng như dự báo kho dự trữ dầu thô của Mỹ trong tuần trước sẽ tiếp tục giảm trong cuộc thăm dò của Reuters giúp giá dầu thô tăng mạnh trong phiên đầu tuần mới. Trong đó, giá dầu thô Brent tăng hơn 10% trong 3 phiên này, lên mức cao nhất kể từ tháng 12/2015, còn giá dầu thô Mỹ cũng đóng cửa ở mức cao nhất kể từ 21/7.

Kết thúc phiên 15/8, giá dầu thô Mỹ tăng 1,32 USD/thùng (+2,97%), lên 45,81 USD/thùng. Giá dầu thô Brent tăng 1,45 USD (+3,07%), lên 48,42 USD/thùng.

Tin bài liên quan