Giá dầu lao dốc, chứng khoán vẫn tăng mạnh

Giá dầu lao dốc, chứng khoán vẫn tăng mạnh

(ĐTCK) Giới đầu tư thất vọng với kết quả cuộc họp của OPEC và các nhà sản xuất lớn ngoài khối khiến giá dầu thô giảm gần 5% trong phiên thứ Năm. Tuy nhiên, phố Wall vẫn duy trì phiên tăng thứ 6 liên tiếp và thiết lập đỉnh cao mới.

Bất chấp giá dầu thô sụt giảm gần 5% sau quyết định gây thất vọng của OPEC và các đối tác, phố Wall vẫn duy trì đà tăng phiên thứ 6 liên tiếp, đưa S&P 500 và Nasdaq lên mức cao mới. Dường như giới đầu tư phố Wall không mấy bận tâm tới cuộc họp này, mà chủ yếu chú ý đến kết quả kinh doanh cụ thể của các doanh nghiệp niêm yết.

Kết thúc phiên 25/5, chỉ số Dow Jones tăng 70,53 điểm (+0,34%), lên 21.082,95 điểm. Chỉ số S&P 500 tăng 10,68 điểm (+0,44%), lên 2.415,07 điểm. Chỉ số Nasdaq tăng 42,23 điểm (+0,69%), lên 6.205,28 điểm.

Chứng khoán châu Âu vẫn lình xình và trái chiều trong phiên thứ Năm khi nhà đầu tư dường như đã tiêu thụ hết thông tin tích cực của mùa báo cáo kết quả kinh doanh quý I bùng nổ trước đó. Ngoài ra, chứng khoán châu Âu cũng gặp khó trong phiên khi nhà đầu tư thất vọng với thỏa thuận của OPEC và các nhà sản xuất lớn khác ngoài khối này trong cuộc họp diễn ra cùng ngày tại Vienna, Áo, khiến giá dầu giảm tới 5%.

Kết thúc phiên 25/5, chỉ số FTSE 100 tại Anh tăng 2,81 điểm (+0,04%), lên 7.517,71 điểm. Chỉ số DAX tại Đức giảm 21,15 điểm (-0,17%), xuống 12.621,72 điểm. Chỉ số CAC 40 tại Pháp giảm 4,18 điểm (-0,07%), xuống 5.337,16 điểm.

Trên thị trường chứng khoán châu Á, tương tự chứng khoán Mỹ, các chỉ số chính trên thị trường này đều duy trì đà tăng trong phiên thứ Năm. Trong đó, chứng khoán Trung Quốc bật tăng mạnh, lên mức cao nhất 21 tháng với kỳ vọng thị trường chứng khoán nước này được thêm vào chỉ số thị trường mới nổi của MSCI.

Kết thúc phiên 25/5, chỉ số Nikkei 225 tại Nhật Bản tăng 70,15 điểm (+0,35%), lên 19.813,13 điểm. Chỉ số Hang Seng tại Hồng Kông tăng 202,28 điểm (+0,80%), lên 25.630,78 điểm. Chỉ số Shanghai Composite tại Thượng Hải  tăng 43,76 điểm (+1,43%), lên 3.107,83 điểm.

Giá vàng chủ yếu lình xình trong phiên giao dịch thứ Năm khi nhà đầu tư chờ đợi thêm các thông tin mới sau những biến động mạnh trước đó với hàng loạt thông tin tác động.

Kết thúc phiên 25/5, giá vàng giao ngay giảm 3,2 USD (-0,25%), xuống 1.255,4 USD/ounce. Giá vàng tương lai giao tháng 6 tăng 3,3 USD (+0,26%), lên 1.256,4 USD/ounce.

Trong cuộc họp diễn ra tại Vienna, Áo, OPEC và các nhà sản xuất lớn khác ngoài khối này đã thỏa thuận kéo dài cam kết cắt giảm sản lượng 1,8 triệu thùng/ngày cho tới quý I/2018. Đây là điều gây thất vọng cho giới đầu tư, bởi đã không có bất kỳ sự mở rộng nào như kỳ vọng trược đó.

Bộ trưởng Năng lượng Ả Rập Xê út cho biết, các bộ trưởng không thấy cần phải giảm sản lượng hơn nữa.

Ngay sau kết quả này, giá dầu thô đã lao dốc mạnh và lần đầu tiên trong tuần, giá dầu thô Mỹ rơi khỏi mốc 50 USD/thùng.

Kết thúc phiên 25/5, giá dầu thô Mỹ giảm 2,46 USD/thùng (-4,79%), xuống 48,90 USD/thùng, giá dầu thô Brent giảm 2,50 USD (-4,63%), xuống 51,46 USD/thùng. 

Tin bài liên quan