Phố Wall đang có những phiên giao dịch đầy vui vẻ trước kỳ nghỉ lễ Giáng sinh - Ảnh: Reuters

Phố Wall đang có những phiên giao dịch đầy vui vẻ trước kỳ nghỉ lễ Giáng sinh - Ảnh: Reuters

Giá dầu giảm trở lại, phố Wall vẫn lập đỉnh mới

(ĐTCK) Bất chấp chịu ảnh hưởng từ nhóm cổ phiếu năng lượng do giá dầu thô giảm trở lại, phố Wall vẫn có phiên tăng điểm thứ tư liên tiếp, trong đó cả Dow Jones và S&P 500 đều thiết lập đỉnh cao lịch sử mới.

Phố Wall mở cửa phiên giao dịch đầu tuần tăng nhẹ, nhưng sau đó đà tăng được nới rộng dần với sự giúp sức của nhóm cổ phiếu công nghệ vốn hóa lớn như IBM, Intel, Cisco...

Trong khi nhóm cổ phiếu công nghệ tăng mạnh, thì nhóm cổ phiếu năng lượng điều chỉnh giảm trở lại khi giá dầu thô mất hơn 3% trong phiên đầu tuần sau phát biểu của Bộ trường Dầu mỏ Ả Rập Saudi Ali al - Naimi rằng, OPEC sẽ không cắt giảm sản lượng ở bất kỳ giá nào.

Dù có phiên tăng điểm tốt và thiết lập đỉnh cao mới, nhưng giao dịch trên phố Wall kém sôi động khi nhà đầu tư chủ yếu đã tạm nghỉ giao dịch để đi hưởng kỳ nghễ Giáng sinh và năm mới.

Kết thúc phiên 22/12, chỉ số Dow Jones tăng 154,64 điểm (+0,87%), lên 17.959,44 điểm. Chỉ số S&P 500 tăng 7,89 điểm (+0,38%), lên 2.078,54 điểm. Chỉ số Nasdaq tăng 16,04 điểm (+0,34%), lên 4.781,42 điểm.

Cũng giống như chứng khoán Mỹ, dù chịu tác động không tích cực từ cổ phiếu năng lượng, nhưng chứng khoán châu Âu vẫn duy trì được đà tăng khi nhận được thông tin tích cực từ Hy Lạp.

Kết thúc phiên 22/12, chỉ số FTSE 100 tại Anh tăng 31,47 điểm (+0,48%), lên 6.576,74 điểm. Chỉ số DAX tại Đức tăng 78,80 điểm (+0,81%), lên 9.865,76 điểm. Chỉ số CAC 40 tại Pháp tăng 12,78 điểm (+0,30%), lên 4.254,43 điểm.

Chứng khoán châu Á cũng có phiên khởi đầu tuần mới tích cực nhờ giá cổ phiếu năng lượng sau khi giá dầu hồi phục cuối tuần trước. Trong đó, chứng khoán Nhật Bản chỉ có mức tăng nhẹ khi nhà đầu tư thận trọng trước kỳ nghỉ lễ, chứng khoán Hồng Kông có mức tăng tốt. Trong khi đó, chứng khoán Trung Quốc lại có phiên đầy biến động. Thị trường lúc đầu tăng mạnh với nhóm cổ phiếu tiện ích và ngân hàng, tuy nhiên, đà tăng sau đó bị hãm lại khi UBCK Trung Quốc cho biết, đang theo dõi 18 cổ phiếu bị nghi có giao dịch bất thường.

Kết thúc phiên 22/12, chỉ số Nikkei 225 tại Nhật Bản tăng 13,74 điểm (+0,08%), lên 17.635,14 điểm. Chỉ số Hang Seng tại Hồng Kông tăng 291,94 điểm (+1,26%), lên 23.408,57 điểm. Chỉ số Shanghai Composite tại Trung Quốc đại lục tăng 18,85 điểm (+0,61%), lên 3.127,44 điểm.

Trái ngược với chứng khoán, giá vàng lại lao mạnh trong phiên giao dịch đầu tuần mới, xuống mức thấp nhất 3 tuần khi lực bán kỹ thuật gia tăng trong ngày thiếu vắng thông tin. Việc giá dầu giảm mạnh trở lại cũng là yếu tố “ngoài thị trường” tác động tới giá vàng. Trong khi đó, cũng giống như trên TTCK, thanh khoản trên thị trường vàng cũng không cao do đang là mùa nghỉ lễ, tết.

Trong phiên thứ Ba, thị trường sẽ được dự báo sôi động hơn khi các thông tin kinh tế quan trọng được công bố. Trong ngày này, Bộ Thương mại Mỹ sẽ công bố GDP quý III với mức tăng dự kiến là 4,3% so với con số công bố ban đầu là 3,9%. Ngoài ra, trong ngày cũng có một số báo cáo kinh tế quan trọng khác của Mỹ được công bố. Tuy nhiên, giao dịch sau đó được dự báo sẽ giảm dần khi thị trường bước vào phiên nghỉ lễ Giáng sinh và sau đó là năm mới.

Về phân tích kỹ thuật, giá vàng sẽ có mức kháng cự mạnh tại 1.225 USD/ounce, trong khi mức hỗ trợ vững chắc là 1.150 USD/ounce. Tuy nhiên, đã tiến lên mức 1.225 USD/ounce, giá vàng sẽ phải đối mặt với ngưỡng kháng cự trước mắt là 1.182 USD/ounce và sau đó phải vượt qua được mức 1.190 USD/ounce. Trong khi đó, mức hỗ trợ đầu tiên của kim loại quý này chính là mức giá thấp nhất trong phiên đầu tuần 1.174,2 USD/ounce và sau đó là 1.170 USD/ounce.

Kết thúc phiên 22/12, giá vàng giao ngay giảm 17,5 USD (-1,47%), xuống 1.176,70 USD/ounce. Giá vàng giao tháng 2/2015 giảm 16,2 USD (-1,35%), xuống 1.179,8 USD/ounce.

Sau phiên hồi mạnh cuối tuần trước, giá dầu thô lại đánh mất gần như toàn bộ những gì đã có được trong phiên đầu tuần mới sau phát biểu của Bộ trưởng Dầu mỏ Ả Rập Saudi Ali al-Naimi.

Trong cuộc trả lời các nhà kháo sát nghiên cứu kinh tế Trung Đông, ông Naimi tiếp tục nhấn mạnh sẽ không cắt giảm sản lượng khai thác. “Không vì lợi ích của các nhà sản xuất mà OPEC cắt giảm sản lượng, dù là bất kỳ giá nào”, Naimi bình luận và cho biết, thậm chí Ả Rập Saudi có thể tăng sản lượng để tăng thị phần của mình và rằng dầu“không thể” trở lên mức 100 USD/thùng một lần nữa. “Điều tốt nhất cho tất cả mọi người là hãy để các nhà sản xuất sản xuất hiệu quả nhất”, Naimi nói trong cuộc họp tại Abu Dhabi vào cuối tuần trước.

Sau phát biểu này, giá dầu thô đã quay đầu giảm mạnh trở lại, dù mở cửa tuần mới với mức tăng khá.

Kết thúc phiên 22/12, giá dầu thô Mỹ giảm 1,87 USD/thùng (-3,27%), xuống 55,26 USD/thùng. Giá dầu thô Brent giảm 1,27 USD (-2,07%), xuống 60,11 USD/thùng.

Giá dầu dưới 60 USD/thùng khiến cho nhiều hãng hoãn kế hoạch thăm dò, khai thác trong năm 2015 để tiết giảm chi phí, thậm chí có một số dự án thăm dò và khai thác dầu khi bị hủy bỏ. Một số nhà phân tích cho rằng, ngành công nghiệp này đang cố gắng để giúp giá dầu phục hồi và ổn định trở lại.

"Chúng tôi đã phát hiện ra rằng, trong quá khứ, cần khoảng 100 ngày sau khi giá dầu chạm đáy để bắt đầu một đợt tăng bền vững", Vikas Dwivedi của Macquarie Capital cho biết.

Tin bài liên quan