Ảnh minh họa: AFP

Ảnh minh họa: AFP

Giá dầu đè nặng phố Wall

(ĐTCK) Dầu thô giảm mạnh đã trong phiên cuối tuần đã kéo phố Wall giảm theo. Trong tháng 7, dầu thô có mức giảm hơn 20%, mức mạnh nhất trong 7 năm, trong khi ngoại trừ Trung Quốc và Hồng Kông, các chỉ số chứng khoán khác đều có mức tăng tốt trong tháng này.

Trong phiên giao dịch cuối tuần, cổ phiếu năng lượng đồng loạt giảm mạnh theo giá dầu đã khiến phố Wall chính thức đảo chiều giảm điểm.

Sau cuộc họp của Fed, giới đầu tư đang hướng tới bảng lương phi nông nghiệp tháng 7 của Mỹ sẽ được công bố vào cuối tuần tới. Theo giới phân tích, trừ khi bảng lương phi nông nghiệp quá thất vọng, còn không thị trường sẽ chỉ giao dịch lình xình.

Về kết quả kinh doanh, trong hơn một nửa số doanh nghiệp trong S&P 500 đã công bố kết quả kinh doanh, lợi nhuận tăng 0,9%, trong khi doanh thu giảm 3,3%.

Kết thúc phiên 31/7, chỉ số Dow Jones giảm 56,12 điểm (-0,32%), xuống 17.689,86 điểm. Chỉ số S&P 500 giảm 4,79 điểm (-0,23%), xuống 2.103,84 điểm. Chỉ số Nasdaq giảm 0,5 điểm (-0,01%), xuống 5.128,28 điểm.

Trong tuần, chỉ số Dow Jones tăng 0,69%, chỉ số S&P 500 tăng 1,16%, chỉ số Nasdaq tăng 0,76%. Trong tháng 7, chỉ số Dow Jones tăng 0,40%, chỉ số S&P 500 tăng 1,97%, chỉ số Nasdaq tăng 2,84%.

Trên thị trường chứng khoán châu Âu, dù cũng chịu sức ép từ nhóm cổ phiếu năng lượng do giá dầu giảm và nhóm khai mỏ do kinh tế Trung Quốc, thị trường nhập khẩu lớn nhất của các doanh nghiệp khai mỏ châu Âu kém khả quan, nhưng chứng khoán châu Âu vẫn giữ sắc xanh nhờ kết quả kinh doanh của các doanh nghiệp khả quan.

Trong số gần một nửa doanh nghiệp trong nhóm STOXX Europe 600 công bố kết quả kinh doanh quý II, có 53% có lợi nhuận đánh bại dự báo của các nhà phân tích, 48% đánh báo dự báo về EPS. Lợi nhuận trong quý II tăng 5,7% so với cùng kỳ.  

Kết thúc phiên 31/7, chỉ số FTSE 100 tại Anh tăng 27,41 (+0,41%), lên 6.696,28 điểm. Chỉ số DAX tại Đức tăng 51,84 điểm (+0,46%), lên 11.308,99 điểm. Chỉ số CAC 40 tại Pháp tăng 36,19 điểm (+0,72%), lên 5.082,61 điểm.

Trong tuần, chỉ số FTSE 100 tăng 1,77%, chỉ số DAX đảo chiều giảm 0,34%, chỉ số CAC 40 tăng 0,50%. Tính chung trong tháng 7, chỉ số FTSE 100 tăng 2,69%, chỉ số DAX tăng 3,33%, trong khi chỉ số CAC 40 tăng rất tốt 6,10%.

Trên thị trường chứng khoán châu Á, chứng khoán Nhật Bản duy trì đà tăng nhẹ trong phiên cuối tuần khi giới đầu tư kỳ vọng vào kết quả kinh doanh của các doanh nghiệp và thị trường chứng khoán Trung Quốc không còn giảm mạnh.

Chứng khoán Hồng Kông cũng đã đảo chiều tăng tốt trở lại trong phiên cuối tuần, trong khi chứng khoán Trung Quốc tiếp tục giảm thêm hơn 1%, đánh dấu tuần giảm tới 10% và cả tháng 7 giảm tới 14,4%, tháng giảm mạnh nhất trong 6 năm.

Kết thúc phiên 31/7, chỉ số Nikkei 225 của Nhật Bản tăng 62,41 điểm (+0,3%), lên 20.585,24 điểm. Chỉ số Hang Seng tại Hồng Kông tăng 138,30 điểm (+0,56%), lên 24.636,28 điểm. Chỉ số Shanghai Composite tại Trung Quốc giảm 42,04 điểm (-1,13%), xuống 3.663,73 điểm.

Trong tuần, chỉ số Nikkei 225 tăng 0,2%, chỉ số Hang Seng giảm 1,96%, trong khi chỉ số Shanghai Composite giảm tới 10,0%. Trong tháng 7, chỉ số Nikkei 225 tăng 1,73%, chỉ số Hang Seng giảm 6,15%, trong khi chỉ số Shanghai Composite giảm tới 14,34%, mức giảm theo tháng mạnh nhất trong 6 năm.

Trong phiên giao dịch cuối tuần, nhờ lực cầu bắt đáy, giá vàng đã thoát khỏi mức thấp nhất hơn 5,5 năm để tiến gần tới ngưỡng tâm lý 1.100 USD/ounce. Tuy nhiên, điều này cũng không giúp vàng tránh khỏi tuần giảm giá tiếp theo, cũng mức giảm mạnh trong tháng 7.

Kết thúc phiên 31/7, giá vàng giao ngay tăng 6,9 USD (+0,63%), lên 1.095,2 USD/ounce. Giá vàng tương lai giao tháng 8 tăng 6,5 USD/ounce (+0,60%), lên 1.094,9 USD/ounce.

Trong tuần, giá vàng giao ngay giảm 0,39%, giá vàng tương lai giao tháng 8 giảm 0,31%. Tính chung trong tháng 7, giá vàng giao ngay giảm 6,6%, giá vàng tương lai giao tháng 8 cũng giảm 6,56%.

Trong tuần tới, các dự báo được đưa ra cho giá vàng không được rõ ràng. Kết quả khảo sát của Kitco News Wall Street và Main Street Weekly Gold Survey cho thấy, phần lớn các nhà đầu tư cá nhân tiếp tục có cái nhìn bi quan về giá vàng, trong khi các chuyên gia thị trường giữ quan điểm trung lập, kỳ vọng vàng có thể bật tăng từ mức giá hiện tại.

Trong số 420 người tham gia vào khảo sát online của Kitco, có 285 người, chiếm 68% cho rằng vàng sẽ tiếp tục giảm; 108 người, chiếm 26% nhận định vàng có thể tăng, và 27 người, chiếm 6%, giữ quan điểm trung lập.

Trong số 17 chuyên gia trả lời khảo sát của Kitco, có 4 người, chiếm 24% kỳ vọng vàng sẽ tăng trong tuần tới; 6 người, chiếm 35% cho rằng giá vàng sẽ còn thấp hơn nữa và 7 người, chiếm 41%, giữ quan điểm trung lập.

Việc OPEC quyết định không cắt giảm sản lượng bất chấp khả năng dư cung đã khiến giá dầu giảm mạnh trong phiên cuối tuần và có tháng giảm mạnh nhất trong 7 năm.

Kết thúc phiên 31/7, giá dầu thô Mỹ giảm 1,4 USD/thùng (-2,97%), xuống 47,12 USD/thùng. Giá dầu thô Brent giảm 1,1 USD (-2,11%), xuống 52,21 USD/thùng.

Trong tuần, giá dầu thô Mỹ giảm 2,12%, giá dầu thô Brent giảm 4,41%. Tính chung trong tháng 7, giá dầu thô Mỹ giảm 20,77%, giá dầu thô Brent cũng giảm 17,90%.

Tin bài liên quan