Nếu bị kết tội, bà Yingluck có thể nhận bản án lên tới 10 năm tù

Nếu bị kết tội, bà Yingluck có thể nhận bản án lên tới 10 năm tù

Gạo Thái Lan và câu chuyện của bà Yingluck

(ĐTCK) Năm 2011, một chương trình trợ cấp lúa gao tưởng chừng rất đơn giản tại Thái Lan như nhiều chương trình trợ cấp nông nghiệp khác được đưa ra. Nhưng sự đơn giản ban đầu đã khiến ngân sách Thái Lan mất đi cả chục tỷ USD. Và giờ đây, chính trường Thái Lan đang dậy sóng về chương trình này với nhân vật chính là bà cựu thủ tướng Yingluck

Hôm qua (23/1), Hội đồng Lập pháp quốc gia Thái Lan (NLA) đã bỏ phiếu nhất trí buộc tội cựu thủ tướng Thái Lan Yingluck Shinawatra vì đã sao nhãng nhiệm vụ của mình trong việc giám sát chương trình trợ cấp lúa gạo và gây thiệt hại cho đất nước hàng tỷ bạt. Với lời buộc tội này, bà Yingluck sẽ bị cấm tham gia các hoạt động chính trị trong vòng 5 năm tới.

Không chỉ bị kết tội bởi NLA, bà Yingluck còn đứng trước nguy cơ bị đưa ra xét xử trước Tòa án Tối cao Thái Lan với cáo buộc tham nhũng.

Nữ Thủ tướng Yingluck bị cáo buộc vì đã không xử lý những hành vi tham nhũng trong chương trình thu mua lúa giá cao cho nông dân, bắt đầu từ năm 2011, gây thất thoát ngân sách quốc gia hơn 680 tỷ bath tương đương với gần 22 tỷ đô la.

Nếu bị kết tội, bà Yingluck có thể nhận bản án lên tới 10 năm tù.

Bà Yingluck cho rằng những cáo buộc chống lại bà là vì động cơ chính trị và chương trình thu mua lúa gạo do chính phủ của bà lãnh đạo hoàn toàn là vì mong muốn giúp đỡ người nông dân tăng thu nhập. Bà cũng đưa ra nghi vấn về việc bà bị buộc tội khi đã không còn giữ vị trí thủ tướng.

Giáo sư giảng dạy môn lịch sử châu Á tại đại học Queensland (Australia), ông Patrick Jory cho biết: “Điều này chỉ giống như một vở kịch chính trị và chính quyền quân đội đang tìm cách để loại bỏ bà Yingluck ra khỏi chính trường”

Phản đòn từ chương trình trợ giá lúa gạo.

Bắt đầu từ năm 2011, chính phủ Thái Lan đã thu mua gạo của nông dân với giá cao hơn giá thị trường nhằm tăng thu nhập cho nông dân, thực hiện lời hứa khi tranh cử của đảng Vì nước Thái.

Theo chương trình này, gạo của nông dân Thái Lan được chính phủ mua cao hơn giá thị trường tới 40%. Tại thời điểm đó, các nhà xuất khẩu gạo Thái Lan thu mua mỗi kg gạo với giá 32,32 baht, trong khi chỉ bán được với giá trung bình 10,20 baht/kg.

Điều này có nghĩa cứ mỗi kg gạo trong chương trình trợ giá được bán ra, chính phủ sẽ lỗ 22,12 baht. Theo ước tính, số tiền lỗ cho chương trình trợ giá sẽ vào khoảng 500-700 tỷ baht trong cả nhiệm kỳ của Chính phủ.

Chương trình trợ cấp giá gạo của Chính phủ đóng vai trò rất quan trọng giúp bà Yingluck giành thắng lợi trong cuộc bầu cử năm 2011 nhờ nhận được sự ủng hộ của đa số nông dân nghèo ở phía Bắc và Đông Bắc Thái Lan. Nhưng đồng thời, chiến lược đó cũng gây ra những tranh cãi sâu sắc và để lại những hậu quả nghiêm trọng cho nền kinh tế, khiến con đường chính trị của bà Yingluck trở nên bấp bênh.

Vậy vì sao mà chương trình này lại thất bại và trở thành quân bài chính trị cho phe đối lập chống lại bà Yingluck?

Việc tính toán thời điểm áp dụng chính sách trợ giá lúa gạo của Thái Lan là một sai lầm lớn. Ngay khi nước này bắt đầu trữ hàng lúa gạo, Ấn Độ nối lại xuất khẩu mặt hàng này sau một thời gian dài tạm ngưng. Các nước nhập khẩu gạo lớn như Philippines do lo ngại về biến động giá gạo đã bắt đầu sản xuất nhiều gạo hơn. Kết quả là, giá gạo thế giới giảm từ mức đỉnh hơn 1.000 USD/tấn vào năm 2008 xuống ngưỡng hiện nay vào khoảng 390 USD/tấn.

Với một kho gạo tạm trữ khổng lồ, Chính phủ Thái Lan không thể bán được với mức giá nào gần sát với mức giá mua vào. Chưa có số liệu chi tiết về mức bù lỗ cho chương trình, nhưng các dự báo đều đưa ra mức tỷ trọng rất lớn trong tổng thu nhập quốc dân của Thái Lan.

Thống đốc Ngân hàng Trung ương Thái Lan Pridiyathorn Devakula ước tính, tổng mức thua lỗ của chương trình có thể lên tới 12 tỷ USD.

Công ty CIMB Securities tính toán, chính sách tạm trữ lúa gạo của Bangkok mỗi năm tiêu tốn 9,2 tỷ USD, tương đương 2,5% GDP của nước này.

Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) đã từng phải lên tiếng bày tỏ quan ngại về ảnh hưởng dài hạn của chương trình đối với nền kinh tế Thái.

Trong khi vẫn đang nợ tiền trợ cấp mua gạo của nông dân theo kế hoạch từ năm ngoái, ngày 11/2/2014, Chính phủ tuyên bố sẽ kết thúc chương trình trợ giá lúa gạo vì Chính phủ tạm quyền của bà Yingluck không có thẩm quyền gia hạn chương trình. Tuyên bố này đã thổi bùng sự giận dữ của hàng triệu nông dân Thái Lan.

Ngày 20/2/2014, hàng nghìn nông dân Thái Lan trên những chiếc máy cày đổ về Bangkok, bao vây một sân bay, nhiều doanh nghiệp và các tòa nhà chính phủ để… đòi nợ trong bối cảnh áp lực đối với bà Yingluck ngày càng gia tăng trên nhiều mặt trận.

Trong lúc đó, những người biểu tình thuộc phe đối lập vẫn đang tìm mọi cách ngăn cản các ngân hàng cho Chính phủ vay tiền trả nợ nông dân, kích động nông dân tham gia biểu tình đòi Thủ tướng tạm quyền Yingluck từ chức.

Gạo Thái Lan và câu chuyện của bà Yingluck ảnh 1

Giá gạo thế giới giảm từ mức đỉnh hơn 1.000 USD/tấn vào năm 2008 xuống ngưỡng hiện nay vào khoảng 390 USD/tấn 

Sự tự tin của phe cầm quyền.

Giám đốc trung tâm nghiên cứu châu Á tại Đại học Murdoch, ông Kevin Hewsion cho biết: “Hành động cấm bà Yingluck tham gia vào các hoạt động chính trị đã cho thấy sự tự tin của nhà cầm quyền”.

Những cuộc biểu tình nổ ra khi chính quyền của bà Yingluck không đủ sức trả được các khoản nợ mua gạo cho người nông dân cuối năm 2013 đã trở thành lý do cho những cáo buộc chính trị gần đây.

Cho dù đảng của bà Yingluck đã tìm cách thanh toán các khoản nợ và kêu gọi bầu cử lại nhưng phe đối lập từ chối và thúc giục quân đội can thiệp vào, họ nỗ lực muốn thiết lập lại chính trị của nước Thái và lật đổ sự ảnh hưởng của gia đình Shinawatras, những người mà họ cho rằng đã tham nhũng, lạm dụng chức quyền, gian lận bầu cử và không tôn trọng nền quân chủ của đất nước.

Người phát ngôn của phe đối lập, Hội đồng Cải cách Dân chủ Nhân dân (The People’s Democratic Reform Committee – PDRC), ông Akanat Promphan cho biết: “Sự can đảm khi đưa ra quyết định mang tính thách thức trên của Hội đồng lập pháp Quốc gia ngày hôm nay là một khởi đầu mới hướng tới thời đại cải tổ lại của Thái Lan”.

Áp lực trên vai bà Yingluck

Ngay sau khi quyết định của Hội đồng lập pháp Thái Lan được đưa ra, bà Yingluck phát biểu với báo chí: “Dân chủ của Thái Lan đã chết cùng với những quy định pháp luật. Tôi thề sẽ chiến đấu tới cùng để chứng minh sự trong sạch của mình”.  

Cựu thủ tướng Thái Lan cho rằng điều quan trọng nhất giúp bà có động lực đấu tranh là được đứng cùng người dân Thái Lan. Bà cho biết: “Chúng ta sẽ cùng nhau mang lại sự thịnh vượng cho Thái Lan, mang lại dân chủ và xây dựng công lý thực sự trong xã hội”.

“Tôi đang rất thất vọng, không phải vì tôi bị đe dọa và phải đối mặt với những cáo buộc không công bằng. Tôi thấy buồn cho những người nông dân, cho tất cả người dân Thái sẽ mất đi cơ hội thay đổi, phải quay trở lại với vòng quay đói nghèo cùng tình cảnh nợ nần và trên tất cả là mất đi nền dân chủ và luật pháp”.

Tin bài liên quan