Phố Wall khởi sắc sau quyết định của ECB - Ảnh: AFP

Phố Wall khởi sắc sau quyết định của ECB - Ảnh: AFP

ECB tung gói QE vượt kỳ vọng, chứng khoán toàn cầu khởi sắc

(ĐTCK) Ngân hàng Trung ương châu Âu (ECB) đã công bố gói kích thích kinh tế (thường hay được gọi là gói QE) lớn hơn thông tin và kỳ vọng của giới đầu tư, giúp chứng khoán khởi sắc. Vàng cũng bất ngờ tăng trở lại, dù đây không phải là tin tốt cho kim loại quý này.

Sau cuộc họp chính sách ngày 22/1, ECB đã chính thức công bố gói kích thích kinh tế trị giá 60 tỷ EUR/tháng, từ tháng 3/2015 đến tháng 9/2016, cao hơn thông tin các hãng thông tấn trước đo đưa ra là 50 tỷ EUR/tháng. Ngay sau khi quyết định này được công bố, chứng khoán Âu, Mỹ đã đồng loạt khởi sắc.

Một thông tin khác, Mỹ công bố thất nghiệp trong tuần trước giảm từ mức cao 7 tháng, nhưng mức giảm thấp hơn dự kiến.

Kết thúc phiên 22/1, chỉ số Dow Jones tăng 259,7 điểm (+1,48%), lên 17.813,98 điểm. Chỉ số S&P 500 tăng 31,03 điểm (+1,53%), lên 2.063,15 điểm. Chỉ số Nasdaq tăng 82,98 điểm (+1,78%), lên 4.750,40 điểm.

Trên thị trường chứng khoán châu Âu, giới đầu tư nín thở trong cả phiên sáng đề chờ đợi công bố chính thức từ ECB và ngay khi gói QE mà ECB đưa ra vượt mong đợt, đồng loạt các thị trường đều tăng mạnh khi giới đầu tư ồ ạt mua vào. Trong đó, chỉ số FTSEurofirst 300 lên mức cao nhất kể từ đầu năm 2008.

Kết thúc phiên 22/1, chỉ số FTSE 100 tại Anh tăng 68,59 điểm (+1,02%), lên 6.796,63 điểm. Chỉ số DAX tại Đức tăng 136,39 (+1,32%), lên 10.435,62 điểm. Chỉ số CAC 40 tại Pháp tăng 67,98 điểm (+1,52%), lên 4.552,80 điểm.

Trên thị trường chứng khoán châu Á, thông tin từ ECB không có tác động đến thị trường châu Á khi thị trường khu vực này đóng cửa trước khi thông tin được công bố. Tuy nhiên, các thị trường đáng chú ý trong khu vực vẫn có được sắc xanh nhẹ. Trong đó, chứng khoán Nhật Bản tăng do đồng yên giảm trở lại so với đồng USD sau phiên tăng mạnh trước đó do Ngân hàng Trung ương Nhật Bản giữ nguyên chính sách tiền tệ và không mở rộng gói kích thích. Chứng khoán Hồng Kông và Trung Quốc đại lục có phiên tăng thứ 3 liên tiếp, lấy lại những gì đã mất trong phiên đầu tuần.

Kết thúc phiên 22/1, chỉ số Nikkei 225 tại Nhật Bản tăng 48,54 điểm (+0,28%), lên 17.329,02 điểm. Chỉ số Hang Seng tại Hồng Kông tăng 170,05 điểm (+0,7%), lên 24.522,63 điểm. Chỉ số Shanghai Composite tại Trung Quốc đại lục tăng 19,73 điểm (+0,59%), lên 3.343,34 điểm.

Việc ECB tung ra gói kích thích kinh tế lớn hơn mong đợi đã khiến đồng USD tăng vọt so với đồng EUR, lên mức cao nhất 11 năm, tuy nhiên, giá vàng lại hồi phục mạnh trở lại. Sau động thái của ECB, lực mua trú ẩn an toàn tại vàng lại tăng cao, bất chấp sự hấp dẫn của thị trường chứng khoán. Ngoài ra, sau quyết định của ECB, giới đầu tư lại chuyển hướng sang mối bận tâm khác là cuộc tổng tuyển cử tại Hy Lạp diễn ra vào Chủ nhật tới đây (25/1). Sau cuộc tổng tuyển cử này, tương lai của Hy Lạp có gắn kết với khu vực eurozone nữa hay không là một câu hỏi và mối lo lớn với giới đầu tư.

Kết thúc phiên 22/1, giá vàng giao ngay tăng 9,2 USD (+0,71%), lên 1.302,1 USD/ounce. Giá vàng tương lai giao tháng 2 trên sàn Comex tăng 7 USD/ounce (+0,54%), lên 1.300,7 USD/ounce.

Giá dầu nhanh chóng giảm trở lại sau phiên hồi phục trước đó. Tuy nhiên, bước vào phiên giao dịch ngày 23/1, giá loại nhiên liệu này đã hồi phục sau thông tin từ những thay đổi lớn của Ả Rập Saudi, nước sản xuất và xuất khẩu lớn của OPEC, cũng như thế giới.

Kết thúc phiên 22/1, giá dầu thô Mỹ giảm 1,47 USD/thùng (-3,17%), xuống 46,31 USD/thùng. Giá dầu thô Brent giảm 0,51 USD (-1,05%), xuống 48,52 USD/thùng.

Tin bài liên quan