Odebrecht hiện là tâm điểm đường dây tham nhũng lớn nhất thế giới. Ảnh:Reuters

Odebrecht hiện là tâm điểm đường dây tham nhũng lớn nhất thế giới. Ảnh:Reuters

Đường dây hối lộ lớn nhất thế giới

Mạng lưới của vụ việc này trải khắp 12 quốc gia thuộc 4 châu lục, liên quan đến nhiều Tổng thống khiến Bộ Tư pháp Mỹ ra khoản phạt lớn nhất lịch sử - 3,5 tỷ USD.
 

Tuần này, tờ Valor Economico (Brazil) cho biết lãnh đạo Odebrecht - công ty xây dựng lớn nhất Mỹ Latin tuyên bố có thể phải nộp đơn xin phá sản. Trái phiếu hãng này đã mất giá hơn một phần ba năm nay, do cuộc điều tra về đường dây hối lộ lớn nhất thế giới và khoản phạt kỷ lục sẽ khiến họ không thể trả nợ.

Odebrecht đã hối lộ gần 800 triệu USD cho các cá nhân trong giai đoạn 2001 - 2016. Quan chức Odebrecht đã đưa số tiền này đi khắp thế giới, từ một tài khoản ngân hàng ẩn danh, chuyển tới túi của các chính trị gia tại hàng chục nước, như Mỹ, Mexico, Venezuela, Colombia, Argentina, Peru hay Mozambique. Có trường hợp, số tiền hối lộ còn đi qua 4 tài khoản ngân hàng ẩn danh trước khi đến đích.

Phần lớn các khoản này được dùng để giành các hợp đồng từ Chính phủ, như xây đường, làm cầu, xây đập và đường cao tốc. Cơ quan điều tra còn đang xem xét liệu chúng có lan đến các hợp đồng xây dựng cho Olympic Rio 2016 và World Cup 2014 hay không.

Trong tháng này, một tòa án Mỹ sẽ ra phán quyết liệu Odebrecht có phải trả khoản phạt kỷ lục 3,5 tỷ USD đã được công bố từ tháng 12 năm ngoái không. Odebrecht đã thừa nhận có tội. Dù vậy, họ cho biết mình không có khả năng trả phạt.

Khoản phạt này chỉ là khởi đầu cho hậu quả tài chính mà Odebrecht sắp phải chịu. Một số quốc gia Mỹ Latin khác đang mở cuộc điều tra riêng, và có thể còn đưa ra nhiều án phạt nữa.

Đây được coi là vụ điều tra tham nhũng quan trọng nhất lịch sử Mỹ Latin. Những dấu hiệu đầu tiên xuất hiện cách đây 3 năm, trong một cuộc điều tra khác của Brazil có tên Operation Car Wash với hãng dầu quốc dnah Petrobras. Nó đã khiến một lãnh đạo của Petrobras bị bắt giữ. Petrobras cũng đóng vai trò dẫn dắt trong đường dây tham nhũng này.

Cuộc điều tra tại Petrobras và Odebrecht đã khiến nhiều chính trị gia và lãnh đạo doanh nghiệp nổi tiếng tại Brazil phải vào tù. Đây cũng là nguyên nhân chủ yếu khiến Brazil lâm vào cuộc suy thoái tồi tệ nhất lịch sử hiện tại.

Việc điều tra cho thấy quy mô đường dây này đã lan ra toàn cầu. Tháng trước, Tổng thống Colombia - Juan Manuel Santos thừa nhận chiến dịch tái tranh cử của mình năm 2014 có nhận một khoản tài trợ từ Odebrecht. Dù vậy, ông cho biết mình không biết về nguồn gốc số tiền và đã kêu gọi điều tra. Odebrecht cũng từng giành được nhiều hợp đồng từ Chính phủ Colombia.

Hồi tháng 2, cảnh sát Peru cũng lục soát nhà của cựu Tổng thống Alejandro Toledo vì ông này bị nghi nhận hối lộ từ Odebrecht. Trên Twitter, ông phủ nhận điều này. Tuy nhiên, Toledo hiện đã mất tích và có thể đối mặt án tù.

Cựu Tổng thống Brazil - Luiz Inacio Lula da Silva cũng có nguy cơ ngồi tù với cáo buộc nhận hối lộ từ Odebrecht để mua nhà nghỉ dưỡng cho gia đình. Còn người kế nhiệm ông - cựu Tổng thống Dilma Rousseff cũng bị phế truất năm ngoái vì nhiều cáo buộc riêng lẻ.

Tuần trước, cựu Chủ tịch Hạ viện Brazil - Eduardo Cunha phải nhận 15 năm tù vì liên quan đến Petrobras và Odebrecht. Nội các Brazil đã mất 5 người từ khi Tổng thống Michel Temer nhậm chức tháng 5/2016. Vài người trong số họ từ chức vì các cáo buộc nhận hối lộ từ Odebrecht.

Lãnh đạo của công ty - Marcelo Odebrecht đã bị kết án 19 năm tù cách đây một năm. Các quan chức của Odebrecht đã thỏa thuận với cơ quan điều tra, rằng họ sẽ khai tên tuổi và nhiều chi tiết về đường dây này để được giảm án.

Sau khi việc này hoàn tất, rất nhiều chính trị gia tại Mỹ Latin có thể phải ngồi tù. Các nước Mỹ Latin có tỷ lệ tham nhũng khá cao. Tuy nhiên, giới phân tích cho rằng lần này họ sẽ làm rất mạnh tay. Nguyên nhân là là quy mô mạng lưới này chưa từng có tiền lệ. Bên cạnh đó, một số nước Mỹ Latin đã thông qua luật “trách nhiệm doanh nghiệp”.

Luật này cho phép các điều tra viên dễ dàng định tội cả công ty, thay vì cá nhân. Nó sẽ khiến các công ty sẵn sàng hợp tác hơn, do các cổ đông không muốn mất tiền.

Dù vậy, các công tố viên vẫn phải giải quyết nguy cơ hàng nghìn công nhân mất việc nếu Odebrecht phá sản vì các khoản phạt lớn. Không chỉ công nhân hãng này, rất nhiều công ty đối tác phụ thuộc vào Odebrecht trên khắp Mỹ Latin cũng sẽ chịu ảnh hưởng.

Khi nhiều nền kinh tế trong khu vực đang gặp khó, rất có thể Odebrecht sẽ được duy trì hoạt động. "Không ai muốn Odebretch phá sản hết. Chính phủ muốn giữ lại việc làm. Họ chắc chắn sẽ tồn tại, nhưng không có gì đảm bảo quy mô của họ sẽ còn lớn như trước", Alexandre Garcia - Giám đốc tại Fitch Ratings Brazil kết luận.

Tin bài liên quan