Thủ tướng Đức Angela Merkel bắt tay Thủ tướng Trung Quốc Lý Khắc Cường sau cuộc họp báo diễn ra ngày 29/10 tại Bắc Kinh

Thủ tướng Đức Angela Merkel bắt tay Thủ tướng Trung Quốc Lý Khắc Cường sau cuộc họp báo diễn ra ngày 29/10 tại Bắc Kinh

Đức hướng tới Trung Quốc nhằm giải quyết những vấn đề nội tại

(ĐTCK) Phương Tây dường như đang “trải thảm đỏ” trước dòng vốn và các cơ hội đầu tư đến từ Trung Quốc. Sau chuyến thăm Anh được chào đón nồng nhiệt của Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình, đến lượt Thủ tướng Đức Angela Merkel công du Trung Quốc từ ngày 28-30/10 nhằm thúc đẩy quan hệ thương mại với Bắc Kinh.

Cuối tuần này, Tổng thống Pháp Francois Hollande có chuyến thăm hai ngày tới Trung Quốc.

Đức hiện là đối tác thương mại thuộc Liên minh châu Âu lớn nhất của Trung Quốc, với dòng vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài cán mốc 48 tỷ euro, theo số liệu của Phòng Thương mại Đức. Năm 2014, kim ngạch thương mại hai chiều chạm mức kỷ lục 154 tỷ euro (235 tỷ USD).

Là một quốc gia xuất khẩu xe hơi có tiếng, ô tô hiện chiếm tới 1/3 xuất khẩu của Đức sang Trung Quốc, vì thế không có gì bất ngờ khi tháp tùng bà Merkel có tân Giám đốc điều hành của Volkswagen, Matthas Mueller, nhất là sau vụ bê bối gian lận khí thải của hãng chế tạo xe hơi này. Bên cạnh đó, chuyến thăm của bà Merkel tới Trung Quốc diễn ra trong bối cảnh Đức đang phải đối mặt với cuộc khủng hoảng nhập cư tại châu Âu, đồng thời uy tín của bà Merkel đã bị tác động đáng kể, khi cử tri không hài lòng về cách thức bà xử lý khủng hoảng nhập cư.

Hàng nghìn người di cư đổ về châu Âu trong mùa Hè này, trong đó rất nhiều người chạy trốn cuộc nội chiến tại Syria. Bà Merkel gây bất ngờ bằng quyết định mở cửa biên giới Đức và cho phép nhiều người di cư đặt chân vào nền kinh tế lớn nhất châu Âu này. Động thái đó là bài thử thách thực sự về tính thống nhất của Liên minh châu Âu, khi khối các quốc gia Đông Âu chỉ trích mạnh mẽ Đức.

Ban đầu, cử tri Đức ủng hộ lập trường của bà Merkel, song dường như gió đang đổi chiều. Chính phủ Đức có vẻ đã quá tay khi con số tiếp nhận người di cư được dự báo lên tới 800.000 người trong năm nay và sức ép đang đè nặng lên các chính quyền địa phương. Số người ủng hộ bà Merkel giảm dần và uy tín của bà đang xuống mức thấp nhất trong 4 năm qua.

Thêm vào đó, theo kết quả nghiên cứu công bố ngày 28/10, người tiêu dùng ở Đức đang dần dè dặt hơn trong chi tiêu, bởi họ lo ngại những ảnh hưởng tiêu cực mà cuộc khủng hoảng di cư sẽ đem lại cho nền kinh tế hàng đầu châu Âu này.

Báo cáo mới nhất của Công ty nghiên cứu thị trường GfK cho thấy, niềm tin tiêu dùng của người dân Đức trong những tháng gần đây đang giảm dần. Chỉ số niềm tin của người tiêu dùng được dự báo sẽ giảm từ 9,6 điểm trong tháng 10 xuống còn 9,4 điểm trong tháng 11. Đây sẽ là tháng giảm thứ 3 liên tiếp và xuống mức thấp nhất kể từ tháng 2/2015.

Trong bối cảnh đó, nền kinh tế lớn thứ hai thế giới có tầm quan trọng đối với Đức, còn Trung Quốc cũng đang nhắm tới quốc gia châu Âu này như một nhà cung ứng máy móc và xe hơi cho tầng lớp trung lưu của mình. Phái đoàn Đức được kỳ vọng sẽ đề cập tới những điểm quan trọng như việc để các hãng nước ngoài được tiếp cận thị trường một cách công bằng và được bảo vệ quyền sở hữu trí tuệ.

Với chuyến đi này, Thủ tướng Đức đang nhắm tới mục tiêu vượt qua những hợp đồng thương mại lớn vừa đạt được với tổng trị giá 44 tỷ USD, trong đó có dự án phát triển điện hạt nhân giữa Vương quốc Anh và Trung Quốc trong chuyến thăm mới đây của ông Tập Cận Bình tới “xứ sở sương mù”.

Trước đó, năm 2014, hai nước cũng đã ký nhiều thỏa thuận kinh tế như hợp đồng của Airbus bán 100 máy bay trực thăng trị giá 400 triệu USD cho Trung Quốc, ký thỏa thuận đầu tư thêm 2,7 tỷ USD của Tập đoàn Volkswagen với đối tác FAW để mở thêm hai nhà máy ở Thiên Tân và Thanh Đảo, hay hãng hàng không Lufthansa thiết lập một liên doanh mới với Air China.

Tin bài liên quan