Từ mức đỉnh, dự trữ ngoại tệ tại các thị trường mới nổi bắt đầu đi xuống

Từ mức đỉnh, dự trữ ngoại tệ tại các thị trường mới nổi bắt đầu đi xuống

Dự trữ ngoại tệ tại các thị trường mới nổi sụt giảm lần đầu qua 2 thập kỷ

(ĐTCK) Dự trữ ngoại tệ tại các thị trường mới nổi đã sụt giảm lần đầu tiên trong hai thập kỷ qua, trong bối cảnh các nền kinh tế đang phát triển phải đối mặt với sự cạnh tranh gay gắt, dòng vốn chảy ra bên ngoài và những lo ngại về khả năng Mỹ thay đổi chính sách tiền tệ.

Theo khảo sát của tờ “Thời báo Tài chính” (Anh), 9/10 nhà kinh tế chuyên về các thị trường đang nổi cho rằng, các thị trường đang phát triển đã trải qua giai đoạn “dự trữ đỉnh điểm” và nguồn dự trữ ngoại tệ của các nền kinh tế này có thể tiếp tục ghi nhận tình trạng sụt giảm trong những tháng tới.

Sự sụt giảm dự trữ ngoại tệ có thể tác động trực tiếp tới khả năng tiếp tục mua vào các khoản nợ nước ngoài tại Mỹ và châu Âu, một xu hướng vốn đã trở thành động lực tăng trưởng tại phương Tây trong suốt thập kỷ qua.

Chiến lược gia chủ chốt về các thị trường đang phát triển tại ING Investment Management, Maarten-Jan Bakkum nhận định: “Chúng ta đã trải qua giai đoạn dự trữ ngoại tệ đỉnh cao tại các nền kinh tế đang phát triển. Trên thực tế, mức đỉnh này chính là tháng 6/2014 và kể từ đó, thị trường đã chứng kiến tình trạng sụt giảm dự trữ ngoại tệ tại hầu như tất cả các quốc gia đang phát triển, ngoại trừ Mexico, Ấn Độ và Indonesia”.

Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) ngày 31/3 vừa qua cho biết, tổng dự trữ ngoại tệ tại các nền kinh tế đang phát triển và mới nổi đã giảm 114,5 tỷ USD trong năm 2014, xuống còn 7.740 tỷ USD, mức giảm thường niên lần đầu tiên kể từ khi IMF bắt đầu thu thập dữ liệu này vào năm 1995. Tại thời điểm đỉnh cao (tức cuối quý II/2014) dự trữ ngoại tệ của các nền kinh tế đang phát triển chạm mức 8.060 tỷ USD.

Trong khi đó, dữ liệu thu thập độc lập của ING đối với 15 nền kinh tế đang phát triển hàng đầu cho thấy tình trạng sụt giảm dự trữ ngoại tệ vẫn tiếp tục diễn ra trong tháng 1 và tháng 2 năm nay, khi con số này giảm tổng cộng 299,7 tỷ USD. Đáng chú ý, theo ING, dự trữ ngoại tệ đã sụt giảm bất ngờ trong các tháng 12/2014, tháng 1 và tháng 2/2015, so với cùng kỳ năm trước đó.

“Quý I năm nay có thể ghi nhận sự tụt dốc về dự trữ ngoại tệ tại các thị trường đang nổi so với năm ngoái. Đây là sự thay đổi rất đáng chú ý”, ông Bakkum nói.

Sự gia tăng dự trữ ngoại tệ tại các thị trường mới nổi từ mức chỉ 1.700 tỷ USD năm 2004 thực sự đã đặt nền móng cho kinh tế toàn cầu giai đoạn 10 năm qua. Rất nhiều trong nguồn vốn khổng lồ này được hấp thụ từ thặng dư thương mại, dòng vốn đầu tư bên ngoài đổ vào trong nước cùng các khoản đầu tư trực tiếp được phái sinh tại các thị trường nợ của Mỹ và châu Âu, góp phần thúc đẩy tăng trưởng theo chiều ngược lại cho các nền kinh tế phát triển.

Đánh giá về vấn đề này và những nguy cơ tiềm ẩn đi kèm, nhà kinh tế tại Ngân hàng HSBC, Frederic Neumann nhận định: “Có một vấn đề đáng lo ngại là, nếu các nền kinh tế đang phát triển không còn tích lũy dự trữ ngoại tệ, thì có thể thấy nguồn tiền tiết kiệm của thế giới rõ ràng đang trong tình trạng dư thừa. Tuy nhiên, điều này có thể đảo ngược, khi chính sách tiền tệ tại nhiều nước phương Tây bị thắt chặt hơn”.

Ông Neumann và các nhà nghiên cứu khác cũng lưu tâm về ảnh hưởng của Trung Quốc trong xu hướng sụt giảm dự trữ ngoại tệ. Trong bối cảnh đồng nhân dân tệ của Trung Quốc yếu đi đáng kể khiến giới đầu cơ trong nước đã cắt giảm vay mượn từ nước ngoài, dòng vốn đầu tư chảy khỏi nước này đã lên tới 91 tỷ USD trong quý IV/2014.

Bên cạnh đó, những lo ngại về khả năng Washington thắt chặt chính sách tiền tệ bằng cách nâng lãi suất khi đồng USD đang tăng giá mạnh cũng là lời cảnh báo đối với các nhà cho vay tại những thị trường đang phát triển nhằm tìm cách giảm rủi ro trong các khoản vay bằng đồng bạc xanh.            

Tin bài liên quan