Trung Quốc đang bước vào một giai đoạn tái cân bằng đầy khó khăn

Trung Quốc đang bước vào một giai đoạn tái cân bằng đầy khó khăn

Dự trữ ngoại tệ sụt giảm, cơn đau đầu mới của Trung Quốc

(ĐTCK) Dự trữ ngoại tệ của Trung Quốc ghi nhận mức sụt giảm kỷ lục trong tháng Tám vừa qua, cho thấy những nỗ lực khó khăn của Trung Quốc trong việc chặn đà sụt giá của đồng nhân dân tệ (NDT) và ổn định thị trường tài chính.

Cụ thể, theo Cục Quản lý ngoại hối Nhà nước Trung Quốc, dự trữ ngoại tệ của nước này tính đến cuối tháng 8/2015 đã giảm 93,9 tỷ USD, xuống còn 3.557 tỷ USD, trong bối cảnh Bắc Kinh phải bán đồng USD để hỗ trợ đồng NDT, sau khi những lo ngại gia tăng trước sự hạ giá bất ngờ đồng nội tệ của nước này. Tháng 8/2015 là tháng thứ tư liên tiếp dự trữ ngoại tệ của Trung Quốc giảm và ghi dấu mức thấp nhất kể từ tháng 8/2013.

Sự sụt giảm dự trữ ngoại tệ khiến các nhà quan sát thị trường đặt ra nghi vấn về mức độ bền vững trong nỗ lực của Bắc Kinh nhằm hỗ trợ đồng NDT, khi dòng vốn đang có xu hướng chảy ra khỏi Đại lục, trước nỗi lo sợ về kinh tế Trung Quốc tăng trưởng chậm lại và khả năng Mỹ tăng lãi suất trước cuối năm nay.

Nhà kinh tế cao cấp tại Commerzbank,  Zhou Hao nhận định: “Bất kỳ sự can thiệp thường xuyên nào cũng sẽ “đốt cháy” nguồn dự trữ ngoại tệ nhanh chóng và thắt chặt thanh khoản trên thị trường Đại lục”.

Các nhà hoạch định chính sách Trung Quốc đang thể hiện quyết tâm chứng tỏ các thị trường tài chính của nước này đã trở lại trạng thái bình thường sau động thái hạ giá đồng NDT, cùng những biến động quá mạnh trên thị trường chứng khoán, không chỉ tại riêng Trung Quốc mà còn trên toàn thế giới.

Tuần qua, trong cuộc họp tại thủ đô Ankara của Thổ Nhĩ Kỳ, Thống đốc Ngân hàng Nhân dân Trung Quốc (PBoC) Châu Tiêu Xuyên tuyên bố với các quan chức tài chính đến từ Nhóm 20 nền kinh tế phát triển và đang nổi hàng đầu thế giới (G20) rằng, các thị trường tài chính Trung Quốc gần như đã hoàn thiện giai đoạn điều chỉnh sau những biến động gần đây trên thị trường chứng khoán.

“Hiện tại, tỷ giá đồng NDT và USD đang theo xu hướng ổn định, đồng thời thị trường chứng khoán đã được điều chỉnh kịp thời và được kỳ vọng sẽ hoạt động ổn định hơn”, ông Châu Tiểu Xuyên nói. Tuy nhiên, phát biểu này cùng những cam kết của các nhà quản lý thị trường Trung Quốc về những cải cách trên thị trường tài chính ít có tác động tới sự ổn định của thị trường chứng khoán Trung Quốc.

Ước tính, các thị trường cổ phiếu Trung Quốc đã sụt giảm tới 40% giá trị kể từ giữa tháng Sáu tới nay, bất chấp những nỗ lực can thiệp không ngừng của các nhà quản lý. Ủy ban Quản lý chứng khoán Trung Quốc cuối tuần qua một lần nữa tái khẳng định sẽ thực thi các bước đi nhằm duy trì sự ổn định trên các thị trường.

“Thông thường, Chính phủ sẽ không can thiệp, song khi xuất hiện những biến động bất thường và nghiêm trọng, Chính phủ sẽ không thể ngồi yên và buộc phải thực hiện các biện pháp mang tính quyết định và kịp thời”, Ủy ban này khẳng định.

Trong khi đó, Cục Thống kê quốc gia Trung Quốc (NBS) ngày 7/9 đã điều chỉnh giảm tốc độ tăng trưởng kinh tế của nước này trong năm 2014 từ ước tính sơ bộ trong tháng Một là 7,4% xuống còn 7,3%, mức thấp nhất được ghi nhận kể từ năm 1990.            

Trong một thông báo trên website, Cục Thống kê quốc gia Trung Quốc cho biết, tổng sản phẩm quốc nội (GDP) trong năm 2014 của nước này ở mức 63.613 tỷ NDT, tương đương 10.000 tỷ USD. Theo đó, mức tăng trưởng GDP hàng năm được điều chỉnh giảm từ 7,4% xuống 7,3%.

Chuyên gia phân tích Wendy Chen thuộc Ngân hàng Nomura nhận định, hoạt động kém hiệu quả trong lĩnh vực dịch vụ, cùng sự lao dốc gần đây tại các thị trường chứng khoán Trung Quốc đang cho thấy cơ cấu kinh tế của nước này vẫn chưa được cải thiện như kỳ vọng và các biện pháp can thiệp trị giá hàng trăm tỷ USD của Bắc Kinh chưa thật sự hiệu quả. Đồng thời, đây cũng là nguyên nhân chính khiến NBS điều chỉnh giảm nhịp độ tăng trưởng GDP của nền kinh tế lớn thứ hai thế giới.  

Sau nhiều thập kỷ bứt phá với tốc độ tăng trưởng hai con số, kinh tế Trung Quốc đang bước vào một giai đoạn tái cân bằng đầy khó khăn, chuyển hướng từ một mô hình kinh tế phụ thuộc vào đầu tư và xuất khẩu sang mô hình mới, trong đó nhu cầu nội địa sẽ có vai trò là động lực thúc đẩy tăng trưởng bền vững.

Tin bài liên quan