Dữ liệu kinh tế thất vọng hỗ trợ cho giá vàng, đẩy chứng khoán đảo chiều

Dữ liệu kinh tế thất vọng hỗ trợ cho giá vàng, đẩy chứng khoán đảo chiều

(ĐTCK) Bảng lương phi nông nghiệp tháng 9 của Mỹ bất ngờ giảm lần đầu tiên sau 7 năm, kéo chứng khoán đảo chiều giảm, trong khi tạo thành động lực, giúp giá vàng có phiên hồi phục ngoạn mục. Dầu thô lao dốc phiên cuối tuần khi nỗi lo dư cung lại trở lại.

Chuỗi tăng điểm liên tiếp ấn tượng của phố Wall đã bị chặn lại trong phiên cuối tuần qua khi bảng lương phi nông nghiệp bất ngờ gây thất vọng.

Cụ thể, lĩnh vực phi nông nghiệp của Mỹ trong tháng 9 giảm 33.000 việc làm do ảnh hưởng của 2 cơn bão lớn Harvey và Irma. Đây là tháng giảm đầu tiên trong 7 năm của bảng lương phi nông nghiệp.

Ngoài ra, lo lắng về khả năng Triều Tiên có thể sẽ thử hạt nhân trong tuần này cũng khiến giới đầu tư thận trọng trong phiên cuối tuần qua.

Kết thúc phiên 6/10, chỉ số Dow Jones giảm 1,72 điểm (-0,01%), xuống 22.773,67 điểm. Chỉ số S&P 500 giảm 2,74 điểm (-0,11%), xuống 2.549,33 điểm. Chỉ số Nasdaq tăng 4,82 điểm (+0,07%), lên 6.590,18 điểm.

Dù điều chỉnh nhẹ trong phiên cuối tuần, nhưng với các phiên tăng điểm liên tiếp trước đó, phố Wall tiếp tục có tuần tăng điểm tốt. Trong đó, chỉ số Dow Jones có tuần tăng thứ 4 liên tiếp với mức tăng 1,65%, chỉ số S&P 500 có tuần tăng thứ 3 liên tiếp với mức tăng 1,19% và chỉ số Nasdaq cũng có tuần tăng mạnh thứ 2 liên tiếp với mức 1,45%.

Trên thị trường chứng khoán châu Âu, chứng khoán Đức và Pháp giảm điểm trong phiên cuối tuần khi đồng euro lên mức cao nhất 5 tháng. Trong khi đó, chứng khoán Anh duy trì đà tăng khi Thủ tướng Anh Theresa May cho biết, sẽ đảm bảo sự ổn định cho nước Anh trong giai đoạn quan trọng trong cuộc đàm phán Brexit.

Kết thúc phiên 6/10, chỉ số FTSE 100 tại Anh tăng 14,88 điểm (+0,20%), lên 7.522,87 điểm. Chỉ số DAX tại Đức giảm 12,11 điểm (-0,09%), xuống 12.955,94 điểm. Chỉ số CAC 40 tại Pháp giảm 19,31 điểm (-0,36%), xuống 5.359,90 điểm.

Dù  điều chỉnh nhẹ cuối tuần, nhưng chứng khoán châu Âu tuần qua đã vượt qua được nỗi lo khủng hoảng Catalonia để có tuần tăng đồng loạt thứ 3 liên tiếp. Trong đó, chỉ số FTSE tăng 2,04% (tuần tăng thứ 3 liên tiếp), chỉ số DAX tăng 0,99% (tuần tăng thứ 5 liên tiếp) và chỉ số CAC 40 tăng 0,56% (tuần tăng thứ 4 liên tiếp).

Trên thị trường chứng khoán châu Á, chứng khoán Nhật Bản tiếp tục tăng phiên thứ 4 liên tiếp nhờ ảnh hưởng tích cực từ thị trường chứng khoán Mỹ và đồng yên yếu. Chứng khoán Hồng Kông cũng tăng điểm khi giao dịch trở lại sau 1 phiên nghỉ lễ, lên mức cao nhất gần 10 năm, được hỗ trợ bởi nhóm cổ phiếu của các nhà sản xuất ô tô Trung Quốc và cổ phiếu ngân hàng.

Chứng khoán Trung Quốc vẫn đang trong kỳ nghỉ lễ.

Kết thúc phiên 6/10, chỉ số số Nikkei 225 tại Nhật Bản tăng 62,15 điểm (+0,30%), lên 20.690,71 điểm. Chỉ số Hang Seng tại Hồng Kông tăng 78,86 điểm (+0,28%), lên 28.458,04 điểm.

Trong tuần qua, chỉ số Nikkei 225 có tuần tăng thứ 4 liên tiếp với mức tăng 1,64%, chứng khoán Hồng Kông đảo chiều tăng mạnh 3,28% sau khi điều chỉnh 1,17% tuần cuối tháng 9. Chứng khoán Trung Quốc nghỉ giao dịch trong tuần qua.

Trong phiên cuối tuần qua, giá vàng vẫn giữ xu hướng giảm trong phiên châu Á và châu Âu, xuống ngưỡng 1.260 USD/ounce. Tuy nhiên, khi bước vào phiên giao dịch Mỹ, với việc bảng lương phi nông nghiệp gây thất vọng, giá vang đã đảo chiều hồi phục mạnh có chốt phiên ở mức tăng khá tốt.

Kết thúc phiên 6/10, giá vàng giao ngay tăng 8,3 USD/ounce (+0,66%), lên 1.276,1 USD/ounce. Giá vàng tương lai giao tháng 12 tăng 5,7 USD/ounce (+0,45%), lên 1.278,9 USD/ounce.

Dù hồi phục trong phiên cuối tuần, nhưng giá vàng vẫn không thể tránh khỏi tuần giảm thứ 4 liên tiếp, dù đà giảm nhẹ hơn chút ít so với tuần kế trước. Cụ thể, trong tuần đầu tháng 10, giá vàng giao ngay giảm 0,26%, giá vàng tương lai giao tháng 12 giảm 0,28%.

Tuần giảm giá thứ 4 liên tiếp của vàng khiến giới phân tích có cái nhìn bi quan về xu hướng trong tuần này, trong khi giới đâu tư lại tin rằng, giá vàng sẽ hồi phục trở lại trong tuần này.

Cụ thể, trong cuộc thăm dò trực tiếp, chỉ có 15 chuyên gia thị trường trả lời, trong đó có 4 người, chiếm 27% dự báo giá vàng sẽ tăng trong tuần này, chỉ bằng một nửa so với tuần trước đó. Trong khi có tới 10 người dự báo giảm, chiếm 67%, cao hơn con số 40% của tuần trước và 1 người dự báo đi ngang, chiếm 7%.

Trong khi đó, trong cuộc thăm dò nhà đầu tư trực tuyến trong tuần này, có 2.756 người tham gia (cao hơn gấp gần 3 lần so với tuần trước đó), trong đó có 1.204 người dự báo giá vàng sẽ tăng, chiếm 44%, cao hơn nhiều so với con số 32% của tuần trước; 1.019 người, chiếm 37% dự báo giá vàng sẽ giảm, thấp hơn nhiều so với con số 58% của tuần trước; 533 lượt, chiếm tỷ lệ 19% giữ quan điểm trung lập.

Trong khi đó, giá dầu thô lao dốc mạnh trong phiên cuối tuần khi xuất hiện mối lo dư cung trở lại khi các nhà sản xuất của Mỹ tăng khai thác trở lại và minh chứng là xuất khẩu dầu thô của mỹ tăng lên mức kỷ lục 2 triệu thùng mỗi ngày vào tuần trước và sản lượng của Mỹ tăng lên mức 9,56 triệu thùng/ngày.

Kết thúc phiên 6/10, giá dầu thô Mỹ giảm 1,5 USD (-3,04%), xuống 49,29 USD/thùng. Giá dầu thô Brent giảm 1,38 USD (-2,48%), xuống 55,62 USD/thùng.

Phiên điều chỉnh cuối tuần đã khiến đà tăng 4 tuần liên tiếp của giá dầu thô đã bị chặn lại. Trong tuần, giá dầu thô Mỹ giảm 4,61% và giá dầu thô Brent giảm 3,34%.

Tin bài liên quan